Chủ động ứng phó với lụt bão - Bài 2: Sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm

TRẦN HỮU – QUANG VIỆT 23/09/2014 08:44

  • Chủ động ứng phó với lụt bão - Bài 1: Khẩn cấp di dân

Phải thường xuyên hứng chịu gió bão nên các địa phương ven biển luôn có nhiều phương án ứng phó linh hoạt để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Đặc biệt, các địa phương đã đúc kết nhiều kinh nghiệm trong công tác sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm.

Sơ tán theo cấp độ thiên tai

Nằm sát biển nên các xã Tam Tiến, Tam Hải (Núi Thành), Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) thường bị ảnh hưởng trực tiếp của gió bão. Mấy năm gần đây, mỗi khi chính quyền báo động sơ tán dân ra khỏi địa bàn, hàng nghìn người lập tức sẵn sàng di chuyển đến nơi tạm trú an toàn. Trước khi đi lánh nạn, hầu như việc chằng chống nhà cửa, đưa tàu thuyền vào nơi trú bão đều được thực hiện xong. Lệnh sơ tán toàn bộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm chỉ thực hiện khi nào xảy ra cường độ bão mạnh trên cấp 11; còn ở mức nhẹ hơn, địa phương đã có phương án sơ tán tại chỗ rất hiệu quả. Trước mùa mưa bão, xã Tam Thanh đã rà soát lại kết cấu hạ tầng, phổ biến cho nhân dân biết các công trình xây dựng kiên cố trên địa bàn có thể vào tránh bão an toàn trong tình huống sức gió dưới cấp 11 như Đồn Biên phòng, Trường THCS Ngô Gia Tự, Mẫu giáo Hải Âu, trụ sở UBND xã... Ngoài ra, tại các thôn, chính quyền còn chủ động làm việc với những gia đình có nhà tầng kiên cố có thể cho người dân lánh nạn tạm thời.

Người dân trên địa bàn TP.Tam Kỳ di dời người dân đến trú tại Trường Đại học Quảng Nam trong mùa mưa bão 2013.                                                                                                 Ảnh: H.Phúc
Người dân trên địa bàn TP.Tam Kỳ di dời người dân đến trú tại Trường Đại học Quảng Nam trong mùa mưa bão 2013. Ảnh: H.Phúc

Chủ tịch UBND xã Tam Thanh – ông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, hồi năm ngoái, hơn 5.000 dân của xã đã sơ tán lên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP.Tam Kỳ, nhiều gia đình buộc phải cưỡng chế không cho người ở lại nhà trong bão. Năm nay, nếu có lệnh, chính quyền sẽ phân công, bố trí cán bộ đưa đón dân đi – về, tăng cường lực lượng xung kích hỗ trợ cho các gia đình không có thanh niên. “Tùy theo tình huống, chúng tôi sẽ có hướng dẫn cụ thể cho người dân. Tuy nhiên, nếu sơ tán lên thành phố, người dân buộc phải mang theo nhu yếu phẩm, đồ dùng cá nhân phục vụ ít nhất 2 ngày. Tại các điểm đón dân của xã, sẽ có cán bộ y tế chăm sóc sức khỏe” – ông Lâm nói. Cũng theo ông Lâm, năm nay xã sẽ đẩy mạnh kênh tuyên truyền, cảnh báo sức gió thường xuyên, đưa lực lượng xung kích xuống địa bàn thôn. Sơ tán đến đâu còn phụ thuộc vào cấp độ gió, nhưng nếu là siêu bão, đương nhiên sẽ đưa toàn bộ người dân rời khỏi địa phương.

Giúp đỡ sơ tán các đối tượng người già neo đơn là ưu tiên số 1 trong bão.
Giúp đỡ sơ tán các đối tượng người già neo đơn là ưu tiên số 1 trong bão.

Trong khi đó, tại xã Tam Tiến, ngoài việc sớm tổ chức đưa dân ra khỏi vùng nguy hiểm, địa phương hỗ trợ cho ngư dân hướng di chuyển, neo đậu tàu thuyền an toàn. Theo lãnh đạo chính quyền xã Tam Tiến, do địa điểm sơ tán dân khá xa nhà cửa người dân sinh sống, trong khi thời gian di chuyển lại gấp gáp nên việc chuẩn bị các nhu yếu phẩm còn lúng túng. Rút kinh nghiệm, năm nay nếu xảy ra bão dữ, khâu sơ tán sẽ được sắp xếp theo thời gian và địa điểm phù hợp, tránh tình trạng quá tải. Tính mạng của người dân phải đặt lên hàng đầu nên tuyệt đối không để bất cứ trường hợp người già, trẻ em nào trụ lại trong những căn nhà cấp 4 yếu ớt. Trước mùa mưa bão năm nay, chính quyền TP.Tam Kỳ, Núi Thành chuẩn bị sẵn nguồn lương thực, thực phẩm, nước uống dự trữ phục vụ sơ tán. Tuy nhiên, người dân cần chủ động mang theo các đồ dùng cá nhân, thực phẩm cần thiết. Các xã ven biển đang củng cố lại hệ thống truyền thông cơ sở, việc dự báo thiên tai sẽ  được cập nhật liên tục.

Chuẩn bị phương tiện, lương thực

Phương án phòng chống lâu dài
Người dân vùng ven biển cho rằng việc cảnh báo thời tiết sớm, chính xác sẽ giúp cho họ chủ động phòng chống bão hiệu quả, giảm thiểu nhiều thiệt hại về người và tài sản. Ngoài ra, Nhà nước cần sớm triển khai đầu tư các công trình công cộng kết hợp với nhà đa năng phòng chống bão lũ.

Theo ông Trương Đức Trí – Phó cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên – môi trường), gió bão thường gây tổn thất nặng cho người dân vùng biển, vì vậy các tỉnh duyên hải miền Trung (trong đó có Quảng Nam) phải sớm hiện đại hóa hệ thống quan trắc và công nghệ dự báo khí tượng thủy văn bảo đảm dự báo sớm các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan; nâng thời hạn dự báo bão, không khí lạnh lên đến 3 ngày với độ chính xác ngang mức tiên tiến của khu vực châu Á. “Vận dụng kinh nghiệm phòng chống bão kiểu truyền thống không là chưa đủ, mà cần tuân thủ theo các kịch bản, phương án có sẵn, phát huy hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” và xây dựng lực lượng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp” – ông Trí nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng cho rằng, về lâu dài, với các vùng ven biển, biện pháp dễ thực thi nhất là trồng rừng ngập mặn, chống hiện tượng sa mạc hóa, phục hồi các hệ sinh thái đất ngập nước. Chính quyền cơ sở khẩn trương rà soát, xây dựng các quy hoạch phát triển, quy chuẩn xây dựng trong vùng thường xuyên bị thiên tai; đồng thời tranh thủ các nguồn lực đầu tư các công trình phòng chống thiên tai trọng điểm, cấp bách; tăng cường năng lực cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn chuyên nghiệp, chủ động ứng phó khi có tình huống cấp bách xảy ra. Đến năm 2015, vùng hạ du sẽ xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống giám sát biến đổi khí hậu và nước biển dâng đáp ứng yêu cầu xây dựng bản đồ ngập lụt, bản đồ rủi ro thiên tai.

Theo UBND huyện Thăng Bình, đến thời điểm này, huyện đã tổ chức kiểm tra, rà soát, thống kê kỹ các địa bàn dân cư để đảm bảo đúng kế hoạch di dời người dân khi có tình huống xấu. Đối với những địa bàn có nguy cơ chia cắt lớn, chính quyền địa phương đó phải đảm bảo di chuyển tài sản, người dân đến khu vực an toàn, đồng thời có phương án dự trữ các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, dầu thắp, thuốc cấp cứu, thuốc phòng dịch… Cùng với đó, huyện chủ động thành lập đội ghe, thuyền cứu hộ, cứu nạn và bố trí lực lượng hỗ trợ để xử lý khi có tình huống xảy ra. Riêng tại xã Bình Đào, đầu mối giao thông duy nhất nối xã với huyện lỵ Thăng Bình là cầu Bình Đào nhưng thường xuyên bị lũ cuốn trôi. Ông Phan Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Đào cho biết, khi cây cầu bị hư hại, người dân rất lo sợ vì không biết sẽ đến đâu khi nước lũ càng lúc càng dâng nhanh mà địa phương nằm ở vùng trũng thấp. “Rút kinh nghiệm trong năm vừa qua, năm nay chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng để di dời người dân khi có tình huống khẩn cấp. Nếu bão lụt ở mức báo động, chúng tôi sẽ di dời người dân theo phương án sơ tán tại chỗ, cài ghép, còn nếu bão lụt ở mức cao, chúng tôi sẽ sơ tán khẩn cấp người dân. Xã cũng đã đề xuất với huyện bố trí sẵn đội ghe thuyền cỡ lớn để vận chuyển kịp thời người dân trong trường hợp cầu Bình Đào không thể qua lại được” - ông Dũng nói.

Ông Nguyễn Hữu Thanh - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai & tìm kiếm cứu nạn TP.Tam Kỳ cho biết, điều cần kíp nhất khi di dời người dân đến chỗ nương trú là phải đảm bảo ổn định sinh hoạt cho họ. “Đến thời điểm này, thành phố đã huy động xong lực lượng tham gia hỗ trợ di dời dân gồm công an, dân quân cơ động, y bác sĩ, thanh niên xung kích, mặt trận và các đoàn thể. Trước khi di dời người dân, chính quyền xã, phường trực tiếp thực hiện việc di dời phải liên hệ cụ thể với nơi đến để đón tiếp, bố trí chỗ ở cho người dân. Khi người dân đến chỗ trú ẩn, chính quyền địa phương phải theo dõi, quản lý người dân, đáp ứng các điều kiện cần thiết. Khi bão lũ tan việc đưa đón người dân trở về cũng phải được chu đáo” - ông Thanh nói. Về phương tiện vận chuyển khi di dời người dân, ông Thanh cho biết, địa phương sẽ huy động toàn bộ phương tiện hiện có như ca nô, ô tô, xe tải… của thành phố lẫn các đơn vị trực thuộc để thực hiện. “Để chủ động di dời dân khi có tình huống khẩn cấp trong mùa bão lụt này, thành phố đã đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân. Người dân chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống… cũng như thường xuyên theo dõi các bản tin về tình hình bão lũ để kịp thời thu xếp đồ đạc, phối hợp cùng địa phương di dời đến chỗ ở mới an toàn” - ông Thanh cho biết thêm.

TRẦN HỮU – QUANG VIỆT

TRẦN HỮU – QUANG VIỆT