Cái gốc sự bền vững ở miền núi
Tôi có mặt tại huyện miền núi cao Nam Trà My khi địa phương vừa tổ chức xong Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ II năm 2014. Đến các bản làng, gặp già làng, ai cũng bày tỏ niềm phấn khởi, bởi lâu lắm họ mới lại có dịp được tham gia đại hội dành riêng cho những người con sống dưới chân núi Ngọc Linh hùng vĩ. Đại hội là sự kiện chính trị quan trọng, khẳng định đường lối, chính sách dân tộc nhất quán của Đảng và Nhà nước, đó là “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng phát triển”. Đại hội cũng là dịp để tôn vinh, ghi nhận, biểu dương, khen thưởng các cá nhân tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc thiểu số, cổ vũ, khơi dậy lòng yêu nước và tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; giao lưu giữa đại biểu dân tộc thiểu số với các cấp ủy đảng, chính quyền, giữa các đại biểu với nhau, để trao đổi và học tập kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, xây dựng bản làng…
Thế nhưng điều để lại chúng tôi nhiều suy nghĩ khi đến tận nóc Măng Lâng, xã Trà Cang nơi vừa xảy ra vụ việc đau lòng khi hai vợ chồng trẻ cùng tự vẫn “vì không giết được con ma nghèo” để lại một lúc 4 con nhỏ sống với ông bà nội trong tình cảnh rất đáng thương. Bi kịch này lại rơi vào gia đình già Hồ Văn Suốt (84 tuổi) cũng chính là vị già làng có uy tín và là người Xê Đăng cao tuổi nhất nóc Măng Lâng. Hỏi chuyện, có lẽ ai cũng phải suy nghĩ những lời già Suốt nói: “Mình có lỗi, nó chết mình không hay, bây giờ phải cố nuôi cháu thôi. Nuôi để bà con thấy cái chết xấu không còn xấu nữa, dân không phải bỏ làng đi…”. Chúng tôi liên tưởng ngay đến câu chuyện bỏ làng ở thôn Bút Tưa, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang. Nếu có những con người như già Suốt, có sự vào cuộc kịp thời của cơ quan chức năng địa phương và cộng đồng thì những cái chết xấu sẽ không kéo dài hệ lụy.
Gần 40 năm sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, những hủ tục lạc hậu vẫn đeo bám lấy bản làng các dân tộc thiểu số vùng cao. Thời gian gần đây nổi lên là vấn nạn kết thúc sự sống bằng cách ăn lá ngón. Ông Trần Xuân Mố - Chủ tịch UBND xã Trà Cang, Nam Trà My, nói như than: “Đợt ni bà con xã mình ăn lá ngón tự tử nhiều quá, năm sáu vụ rồi”. Nguyên nhân có nhiều, dễ thấy là do nhận thức hạn chế, đời sống quá khó nghèo, một số hủ tục còn đeo bám… Trong khi đó, vai trò của các già làng, trưởng bản chưa được phát huy. Chuyện chúng tôi muốn nói ở đây không kém phần quan trọng và cũng là cái gốc của sự phát triển bền vững, đó là việc cần phát huy vai trò của các già làng trưởng bản, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao của tỉnh.
VÕ VĂN TRƯỜNG