(QNO) - Võ sư Trương Chưởng (người được bà con ở phố cổ Hội An thường gọi với cái tên thân thương là ông Chín Chưởng) sinh ngày 4.4.1899 tại làng Mỹ Cựu (nay là xã Duy An), huyện Duy Xuyên.Ông xuống Hội An trước năm 1924, ở tại một ngôi nhà thuê ở đường Chùa Cầu (nay là Trần Phú), dưới Chùa Ông, gần chợ Hội An. Thời trai trẻ ấy ông rất ham học võ, nghe nói thầy nào hay thì đến xin học.
|
Chứng minh thư của cố võ sư Trương Chưởng |
Năm 1925 ông lập gia đình với bà Tiễn Thị Thìn rồi về ở với gia đình nhà vợ để phụng dưỡng song thân tại ngôi nhà nằm sâu trong con hẽm nhỏ thuộc làng Minh Hương, sau này mang số 67/10 rồi 51/2 Phan Châu Trinh ngày nay. Khi đã có vợ, con, ông còn theo học nhiều thầy giỏi võ, trong số những vị thầy đó có thầy Mười Bòi là người đã truyền dạy cho ông bài Lão Mai Quyền sau này được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam tuyển chọn thành bài quy định thống nhất.
Từ năm 1927 ông đi lính Khố Xanh của Pháp nhưng tham gia Hội bóng đá ORO do chi bộ "Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội" Hội An tổ chức để hoạt động cách mạng hợp pháp.Cuối năm 1930 cơ sở cách mạng này bị lộ phải giải tán, ông đã lên chức Đội trong lính Khố Xanh nhưng vẫn cùng với những võ sĩ yêu nước (trong đó có những võ sĩ người Hội An như Hà Sửu, Nguyễn Khê) tìm cách giúp các tù chính trị liên lạc với lực lượng cách mạng bên ngoài. Trong thời gian này ông thường giao du với các võ sĩ yêu nước tại nhà riêng của ông để tập luyện võ nghệ, trao đổi việc công. |
Cố võ sư Trương Chưởng |
Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945 ông gia nhập giải phóng quân rồi rời Hội An lên đường theo chiến dịch "Nam tiến" với chức vụ đại đội trưởng. Khi mặt trận Nha Trang bị vỡ, quân giải phóng rút về Đà Nẵng đổi tên thành Vệ quốc đoàn, lúc đó ông mang cấp bậc đại uý, chức vụ đại đội trưởng đại đội 3, tiểu đoàn 17, trung đoàn 96. Về sau, đơn vị này rút về Quảng Ngãi đổi thành trung đoàn 108, ông công tác tại chiến khu Nguyễn Nhạc.Năm 1952 ông được điều về Quảng Nam nhận các nhiệm vụ Tỉnh đoàn trưởng cảnh vệ, Giám đốc lao xá Tiên Hội, Uỷ viên kinh tài xã đặc biệt Tam Kỳ.Năm 1954 khi đất nước chia hai, ông về lại ngôi nhà trong con hẽm nhỏ đường Phan Châu Trinh, Hội An, sống với vợ (hai người con đều ở xa, con gái lấy chồng về Tam Kỳ, con trai độc nhất tập kết ra Bắc) và xem nơi này như thâm sơn còn mình là ẩn sĩ. Võ hiệu "Sơn ẩn" của ông bắt đầu từ đó. Ban ngày ông làm thư ký hãng rượu SICA rồi thư ký cho lò bánh mì Tân Hương, tối về lấy việc nghiên cứu, tập luyện võ nghệ làm niềm vui cuộc sống.Năm 1964 khi liên lạc được với các đồng đội cũ, ông lại tham gia công tác cách mạng nội thành nhưng từ năm 1964 đến 1968 ông bị bắt giam đến hai lần.Khi ra tù, ông giành nhiều thời gian hơn cho việc nghiên cứu võ thuật. Ông đặc biệt chú ý các bài tập về nhu quyền, những phương pháp và bài thuốc phòng ngừa, trị bệnh khi bị chấn thương nội tạng.Từ năm 1971 ông bắt đầu thu nhận học trò để truyền dạy võ thuật. Lúc đầu chỉ có vài người ở trong xóm và bạn bè gởi con, cháu đến học, về sau thì đông dần lên.Tháng 4 năm 1972 vợ qua đời, từ đó ông chỉ còn niềm vui tập luyện và dạy học trò.Tháng 9 năm 1973 ông chính thức thành lập Võ đường Kỳ Sơn ngay tại nhà. Lúc bấy giờ võ đường mang số 67/10 Phan Châu Trinh, xã Hội An, quận Hiếu Nhơn, tỉnh Quảng Nam do ông làm Giám đốc. Thời gian này ông còn tập Bát đoạn cẩm, Thiết sa chưởng và nghiên cứu võ Trung Hoa.Năm 1975 đất nước thống nhất, gia đình con trai của ông về thăm ông nhiều lần nhưng rồi do bận công tác phải ở thành phố Đà Nẵng, ông vẫn sống một mình trong ngôi nhà võ đường. Thời gian này ông nhận dạy một số học trò, học trò rất yêu thương ông, cùng ăn, ở và chăm sóc ông trong những ngày ông đau ốm.Năm 1985 ông đã 84 tuổi. Con cháu đưa ông về Tam Kỳ để chăm sóc, phụng dưỡng. Tháng 10 năm 1988 nhằm ngày 29 tháng 8 âm lịch ông qua đời. Theo lời dặn của ông khi còn sống, gia đình và học trò đã đưa thi hài ông về an táng tại Hội An. Nhiều năm sau, con cháu đã cải táng đưa mộ ông và bà về nghĩa trang tộc Trương ở xã Duy An, huyện Duy Xuyên.Lúc còn sống và ngay từ thời còn trẻ, võ sư Trương Chưởng đã rất khiêm tốn. Đức khiêm tốn của ông thể hiện cả trong lời nói, cử chỉ đến hành vi và vì thế mà có một số người kiêu ngạo cho rằng ông bất tài. Có lần, một võ sĩ đã từng chiến thắng nhiều trận võ đài do giỏi "chịu đòn", chấp nhận "ăn miếng trả miếng", đến nhà ông đòi "quầng" thử tài. Sau nhiều lần không từ chối được, ông đề nghị võ sĩ nọ gấp làm tư chiếc khăn mùi-soa và đặt vào giữa hai hàm răng trước khi giao đấu. Chỉ vờn qua lại chưa được hai phút, bàn chân phải của ông đã đá tạt vào mặt đối phương hết sức dữ dội. Sau tiếng "hự", trận đấu dừng lại. Người võ sĩ nọ lấy chiếc khăn mùi-soa ra, hai hàm răng của ông ta nghiến chặc chịu đòn đã làm chiếc khăn thủng một dãy lỗ vòng cung.Một lần khác, ông rước một vị thầy nổi tiếng giỏi võ nhất, nhì Quảng Nam về nhà để học thêm. Vị thầy buộc ông phải "khấu quyền" thử sức với thầy thì mới được học. Lần này cũng không thể khước từ, ông đành phải "hầu" ông thầy khó tính trên chiếc phản một tấm trước sân nhà. Rất dè dặt vì sợ thất lễ, ông không dám "ra đòn" nhưng ông thầy kia tấn công gì cũng không được. Trong lúc bực tức vì không chạm được vào người ông, vị thầy ép ông về một góc phản để triệt. Không còn cách gì khác là phản đòn, chỉ chớp mắt, ngọn đá "Bổng đả ba đào" làm nhiều người biết đến ông đã đẩy hẳn thân hình ông thầy ra khỏi tấm phản và rơi xuống đất. Nhảy xuống đỡ thầy, xin lỗi và mời thầy ngồi nghỉ, uống trà. Sau lần đó, vị thầy khó tính không bao giờ quay trở lại Hội An.Khi đã cao tuổi, võ sư Trương Chưởng vẫn sống vui vẻ, gần gũi với mọi người, hết lòng giúp đỡ bà con lối xóm khi ốm đau, hoạn nạn và là nơi nương tựa của rất nhiều người, nhất là những năm tháng ông làm khối trưởng khối 2, phường Minh An trong hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn sau ngày đất nước thống nhất.Do cuộc sống tự lập từ nhỏ, ông rất cần kiệm và ham học tập. Gần như cả đời ông vừa làm việc để kiếm sống vừa học chữ Hán, tiếng Pháp và nghiên cứu y thuật, võ thuật đến nơi đến chốn. Ông vẫn thường dạy học trò: "Khi muốn chi tiêu một đồng nào phải tự hỏi có cần thiết phả itiêu không? Nếu cần thì phải tự hỏi câu thứ hai Không tiêu có được không? Nếu không thể được thì mới chi tiêu". Những khoản chi tiêu trong ngày ông đều ghi vào sổ, cuối tháng kiểm tra lại và hạn chế những khoản chi không cần thiết ở tháng sau. Nhờ đức tính đó ông luôn thể hiện là người tự trọng, trong sạch suốt nhiều năm làm kế toán cho các hãng tư nhân và quản lý kho vật tư của Hợp tác xã dệt Minh An.Trong đời sống vợ chồng ông rất chung thủy, hy sinh. Vợ lâm bệnh nhiều năm phải nằm một chỗ, ông tận tụy chăm lo thuốc thang, cơm cháo. Khi vợ qua đời ông đau buồn đến mức có lần phải mượn rượu giải sầu như trong bài thơ ông làm vào tháng 4.1972 sau đây: "Ngồi buồn uống rượu cho say Tưởng rằng say rượu hoạ may giải buồn Ai ngờ rượu uống luồn tuôn Nỗi buồn không giải lại vương vấn nhiều Từ ngày vắng mặt người yêu Chiếc thân nắng sớm mưa chiều sá chi Đêm nằm gió lộng màn vi Tưởng hồn bạn cũ đi đi về về"Sau lần đó không bao giờ ông uống rượu say cả. Ông vẫn thường dặn học trò rằng: "Có nhiều loại rượu nhưng chỉ nên uống rượu lễ, rượu nghĩa".Và khi thấy ai say rượu ông lại nói: "Rượu đâu rượu có say người/ Bởi người say rượu người cười rượu say".Cả một đời võ nghiệp, võ sư Trương Chưởng dạy học trò với tất cả tấm lòng của một người cha, người ông.Lúc còn sống ông chưa bao giờ lập môn phái và xưng chưởng môn. Ông là "Tổ sáng lập" võ đường Kỳ Sơn, duy nhất và mãi mãi.TRẦN XUÂN MẪN
TRẦN XUÂN MẪN