Nhiều nước nỗ lực ngăn chặn "chảy máu chất xám"
Nhiều năm qua, hiện tượng “chảy máu chất xám” (CMCX) diễn ra phổ biến ở các nước đang phát triển. Nhưng nay tình trạng này cũng diễn ra ngay ở các nước phát triển trên thế giới.
Nhiều nhân tài Israel quay về phục vụ đất nước nhờ chính sách thu hút nhân tài. |
Châu Phi - một lục địa còn nhiều khó khăn của thế giới đang phải vật lộn với tình trạng CMCX rất nghiêm trọng. Theo thống kê của Hiệp hội các trường đại học châu Âu (EUA), ước tính có đến hơn một nửa số học giả châu Phi đang sống và làm việc tại nước ngoài. Vấn đề giáo dục chưa được cải thiện, thiếu đầu tư, môi trường làm việc không phù hợp, mức lương thấp, chính sách đãi ngộ nhân tài chưa hiệu quả cũng như thiếu khả năng thu hút nhân tài là những nguyên nhân hàng đầu khiến nhiều người tài giỏi rời châu Phi.
Hiện tượng CMCX cũng diễn ra phổ biến tại nhiều nước châu Á và để ngăn chặn tình trạng trên, Chính phủ Israel mới đây quyết định thành lập một quỹ quốc gia trị giá 150 triệu NIS (khoảng 44 triệu USD) để khuyến khích các nhà khoa học nước này quay trở lại làm việc ở trong nước. Cụ thể, số tiền trên sẽ được sử dụng để tạo công ăn việc làm và cơ chế ưu đãi dành cho những người trở về. Tại Israel, thống kê cho thấy hiện tượng CMCX diễn ra đỉnh điểm vào giai đoạn 1987 - 2007, nhất là trong lĩnh vực toán học với 22% những người nhận bằng tiến sĩ đã có thời gian ở nước ngoài từ ba năm trở lên. Tuy nhiên, ngoài mức tài chính thì cùng với chính sách thu hút nhân tài hiệu quả được áp dùng từ những năm trước tại Israel tỏ ra rất hiệu quả khi vấn nạn CMCX tại đây đang diễn ra chậm lại trong những năm gần đây, nhiều nhà khoa học Israel quay trở về phục vụ nước nhà.
Ngay các nước phát triển hàng đầu thế giới cũng đang đối mặt với hiện tượng CMCX. Theo tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD), việc các doanh nghiệp Anh gặp nhiều khó khăn thuê lao động, một phần do tình trạng CMCX, khiến thị trường lao động Anh rơi vào trì trệ. Theo OECD, có đến hơn 5 triệu người Anh đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài. Còn theo khảo sát của Trường Đại học Oxford (Anh), 70% người tốt nghiệp đại học không muốn ở lại Anh, mà chọn cách chuyển sang nước ngoài sinh sống và làm việc. Ông Andreas Schleicher, Giám đốc giáo dục OECD cho rằng, nền giáo dục truyền thống quá dựa vào sách vở khiến những gì các sinh viên được học trong trường rất khó áp dụng vào công việc. Việc giải quyết được vấn nạn CMCX sẽ giúp cải thiện nền kinh tế nước Anh và tiết kiệm hơn 750 triệu bảng Anh mỗi năm.
Tương tự tại Nga, thống kê cho thấy số người Nga di cư ra nước ngoài làm việc mỗi năm lại tăng theo cấp số nhân. Năm 2013, số người Nga di cư ra nước ngoài tìm việc khoảng 190 nghìn người trong khi năm 2010 thì chưa đầy 40 nghìn người. Lev Gudkov, giám đốc độc lập tại Trung tâm thăm dò dư luận Levada tại Moscow (Nga) cho biết: “Chúng tôi đang mất đi những người có tri thức, năng động và có đầu óc kinh doanh ưu tú”. Ông cho rằng, một trong những lý do chính khiến nhân tài ra đi là do điều kiện kinh tế và chính tình trạng CMCX cũng khiến kìm hãm phát triển kinh tế của các quốc gia đó.
NAM VIỆT