Nghĩa tình với Quảng Nam

HỒNG VÂN 17/09/2014 08:45

Ngày 20.9.2014, Trung đoàn 38 (Đoàn Gio An, Gia Lai), Sư đoàn 2, đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống. Trong hành trình chiến đấu và trưởng thành, mảnh đất Quảng Nam với những chiến công Hòn Chiêng, Cấm Dơi, Tam Kỳ... đã là một phần máu thịt của cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn.

Cựu chiến binh Nguyễn Đức Thuận hỏi thăm mẹ con chị Văn Thị Lệ.  Ảnh: HỒNG VÂN
Cựu chiến binh Nguyễn Đức Thuận hỏi thăm mẹ con chị Văn Thị Lệ. Ảnh: HỒNG VÂN

Hậu cần nhân dân trong lòng địch

Trong buổi giao lưu “Tiếp lửa truyền thống” với cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 38 nhân kỷ niệm 60 năm thành lập đơn vị, Đại tá Nguyễn Đức Thuận, nguyên Chủ nhiệm Hậu cần Trung đoàn 38 cứ nhắc đi nhắc lại về mảnh đất Quảng Nam đã cưu mang đơn vị. Nếu không có lòng dân Quảng Nam, trung đoàn khó vượt qua đói - đau - đạn - địch sau xuân Mậu Thân 1968.

Từ Nam ra Bắc rồi lại vào Nam chiến đấu, đến cuối năm 1968, Trung đoàn 38 “đóng đô” ở chiến trường Quảng Nam. Giai đoạn này bộ đội phải chống chọi với thiếu thốn lương thực chưa từng có do địch ngăn cản mọi nguồn tiếp viện từ Bắc vào. Bộ đội phải vào rừng mót sắn, tìm môn đóc, môn thục, củ vó ngựa hầm cháo ăn. Khi ấy “môn dóc chỉ đạo, gạo phương châm, muối hầm bồi dưỡng” trở thành câu tếu táo trong đời sống thường ngày của bộ đội. Có tiền nhưng không thể mua được gạo vì bọn địch phong tỏa mọi ngả đường. Những người làm quân nhu như Đại tá Nguyễn Đức Thuận về các vùng địch hậu ở các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, ngày nằm hầm, đêm đi móc nối cơ sở, trà trộn trong dân bắt mối với các thương gia do mặt trận xây dựng, tạo nên hệ thống đường dây thu mua, vận chuyển gạo lên trung đoàn. Không chỉ vận động các thương gia yêu nước, trung đoàn còn mạnh dạn tiếp cận với các nhà buôn gạo là vợ sĩ quan của địch. Khi nghe cán bộ quân giải phóng tuyên truyền, các nhà buôn đều sẵn lòng bán gạo cho cách mạng và còn bày đường đi nước bước để lọt qua các trạm gác dày đặc. Nhờ vậy, có tháng đơn vị thu mua hơn 25 tấn lương thực, có những đêm thu mua được đến 3 tấn, chuyển ra vùng tranh chấp, cất giấu. Mạng lưới hậu cần từ cửa rừng xuống vùng địch được bố trí 2 - 3 trạm, có bộ phận trinh sát là người dân địa phương dẫn đường. Có thời điểm trung đoàn điều động cả một tiểu đoàn về đồng bằng gùi gạo. Bộ đội xuống vùng địch lấy gạo như bước vào trận đánh. Có khi chỉ còn 1/3 quân số, nhưng từng bao gạo vẫn phải được mang về đơn vị. Tiếp tế cho bộ đội còn kể đến tấm lòng của đồng bào các huyện Nam Giang, Tây Giang, cái bụng chưa no vẫn địu từng gùi gạo, sắn tiếp sức cho trung đoàn chiến đấu. Sau năm 1972, khi nguồn vận chuyển từ Bắc vào đã dễ dàng hơn, bộ đội không còn đổ nhiều xương máu để có hạt gạo như trước.
Giữa năm 1976, Trung đoàn 38 đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Khi Pôn Pốt gây hấn ở biên giới Tây Nam, trung đoàn lại tiếp tục hành trình 10 năm gian khổ chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế.

42 người con nuôi của trung đoàn

Đón xe lên Đắk Pơ (Gia Lai) dự giao lưu theo lời mời của Ban chỉ huy Trung đoàn 38 vào cuối tháng 8 vừa qua, chị Văn Thị Lệ ở Quế Sơn đã không nén niềm xúc động khi được sống trong tình yêu thương của những người lính.

Tháng 7.1972, sau những trận đánh thắng như chẻ tre của bộ đội Trung đoàn 38 và các đơn vị của Sư đoàn 2, toàn bộ thung lũng Quế Sơn đã không còn bóng giặc. Hơn một vạn dân được giải phóng. Bà con rời bỏ ấp chiến lược về quê cũ làm ăn. Trong niềm vui đó có nỗi buồn của 42 em bé Quế Phong mất cha mẹ vì bom đạn và những trận càn của địch. Các em phải mò cua bắt ốc, bữa đói bữa no, nhà cửa chỉ vài tấm tranh tre che tạm. Ngày ấy gia đình chị Văn Thị Lệ ở thôn An Long 2, bố mẹ bị bắn chết chỉ còn 3 chị em. Trước đó một đứa em 8 tháng tuổi đã chết vì đói. Không thể để các cháu sống lay lắt, Trung đoàn 38 đã đưa 42 cháu về khu hậu cứ nuôi nấng. Quần áo của bộ đội được cắt may lại cho các cháu; tối được ngủ võng trong các lán bạt. Trong thời điểm bộ đội cũng đói, phải độn khoai sắn, nhưng chưa bao giờ trung đoàn để các cháu thiếu cái ăn. Chị Lệ tâm sự trong nước mắt: “Có những bữa chúng tôi thấy cơm là ăn thật no, nhưng khi nhìn lên thì nồi cơm đã hết. Mấy đứa lấm lét nhìn nhau, còn các chú mỉm cười”. Những đứa trẻ ngày ấy ai cũng được các chú bộ đội nhận làm con nuôi. Từ chỗ suy dinh dưỡng, được bộ đội chăm sóc, các cháu đã dần đỏ da thắm thịt. Các chú còn bày lao động, tăng gia sản xuất, dạy chữ, nên cháu nào cũng biết đọc, biết viết. Đến năm 1975, trung đoàn phải cơ động giải phóng Tam Kỳ, Đà Nẵng, Ban chỉ huy đơn vị quyết định trả các cháu về  địa phương. Trước lúc hành quân, đơn vị hỗ trợ mỗi cháu 100kg gạo, 10 tấm tôn, 2 thùng phuy đựng gạo, đồ dùng, xoong nồi và nhiều nhu yếu phẩm khác. Đơn vị dùng xe chở về bàn giao tận nơi cho Mặt trận huyện Quế Sơn rồi mới yên lòng lên đường.

Năm 2012, nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng Cấm Dơi, những người lính Trung đoàn 38 đã về lại Quế Phong tìm những đứa con nuôi ngày xưa. Các cháu mồ côi năm nào giờ đã trưởng thành, có người là công chức, nhưng hầu hết là nông dân bám vùng đất nghèo khó này. Điểm chung nhất trong lòng họ là nghĩa tình trong chiến tranh. Họ lập ra “Hội tình thương” để giúp đỡ nhau, hàng năm vào ngày mùng 6 tết tổ chức gặp mặt chia sẻ buồn vui trong cuộc sống…

Trở về từ chuyến giao lưu “Tiếp lửa truyền thống” với hơn 500 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 38, chị Lệ và con gái không giấu được niềm vui dâng trào. Không phải vì được Sư đoàn 2 tặng 5 triệu đồng từ quỹ tình nghĩa mà sâu xa hơn, chị biết mình luôn có chỗ dựa vững chãi là đại gia đình Trung đoàn 38.

HỒNG VÂN

HỒNG VÂN