Giữ tài nguyên cho sông

HỮU PHÚC 16/09/2014 10:23

Lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn có nguồn nước dồi dào, tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Làm thế nào để khai thác và sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Cảnh báo

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn có 820 công trình cấp nước trồng trọt và nuôi trồng thủy sản. Trong đó có 72 hồ chứa, 546 đập và 2.002 trạm bơm đang hoạt động. Lưu vực sông cung cấp một lượng nước khổng lồ phục vụ cho sản xuất công nghiệp và sinh hoạt ở khu vực đô thị. Nhà máy nước Cầu Đỏ có công suất 160 nghìn mét khối/ngày đêm lấy nước từ sông Vu Gia; nhà máy nước Sông Trà có công suất 10 nghìn mét khối/ngày đêm; nhà máy nước Vĩnh Điện có công suất 6 nghìn mét khối/ngày đêm cũng tận dụng từ nguồn nước các sông. Trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn, có ít nhất 7 các công trình đang phát điện như nhà máy thủy điện A Vương, Sông Côn 2, Khe Diên, Đại Đồng, Sông Cùng, Za Hung, Trà Linh 3. Để tạo ra nguồn điện thương phẩm, các nhà máy đã lấy đi của sông hàng tỷ mét khối nước mỗi năm. Trong khi đó, dòng sông đứng trước nguy cơ bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng bởi tình trạng xả nước thải chưa qua xử lý, hoặc xử lý không đúng quy định từ các nhà máy ở các khu, cụm công nghiệp. Tình trạng phá rừng đầu nguồn dai dẳng đã làm tăng thêm mức độ hung dữ của lũ ở các sông. Nạn khai thác vàng sa khoáng trái phép còn là “thủ phạm” gây ô nhiễm nguồn nước.

Nạn khai thác khoáng sản trái phép khu vực đầu nguồn ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng nguồn nước trên sông Vu Gia - Thu Bồn. Ảnh: H.PHÚC
Nạn khai thác khoáng sản trái phép khu vực đầu nguồn ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng nguồn nước trên sông Vu Gia - Thu Bồn. Ảnh: H.PHÚC

Tốc độ phát triển ồ ạt của các nhà máy công nghiệp dọc lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn, diện tích đất canh tác mở rộng… đã tiêu tốn một khối lượng nước rất lớn. Do các nhà máy thủy điện ngăn dòng tích nước phát điện, hệ lụy là làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của sông. Trước kia, lưu lượng bình quân của dòng chảy hệ thống Vu Gia – Thu Bồn là 400m3/giây, mùa lũ có thể lên đến 27.000m3/giây. Từ khi hình thành thủy điện Đăk Mi 4, sông Vu Gia đoạn hạ nguồn nhà máy thủy điện nhiều khu vực đã trơ đáy vào mùa khô. Tài nguyên nước thì giới hạn, trong khi công tác quản lý nhà nước ở lĩnh vực này vẫn còn hết sức lúng túng, chưa có biện pháp sử dụng hợp lý, tiết kiệm. Theo TS. Đào Trọng Tứ - Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích ứng với biến đổi khí hậu, chính sự xả lũ một cách tùy tiện, cùng với hạn chế trong giám sát quy trình xả lũ của các cơ quan công quyền khiến tác động tiêu cực của việc chuyển đổi dòng chảy trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn càng lớn. Rốt cuộc, người dân hạ du vẫn là đối tượng chịu thiệt hại.

Sử dụng nước hợp lý

Nhiều năm gần đây, vào mùa mưa lũ, người dân ở vùng hạ du thường gánh chịu thiệt hại nặng về tài sản, sản xuất do thiên tai và cả nguyên nhân các nhà máy thủy điện nằm trong lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn xả lũ bất hợp lý. Giữa chính quyền địa phương và chủ đầu tư dự án thủy điện vẫn chưa có quan điểm thống nhất trong chỉ đạo, vận hành liên hồ chứa nước thủy điện. Chính vì vậy, vừa qua Thủ Thủ tướng Chính phủ đã quyết định ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn trong mùa lũ hằng năm. Điểm đáng lưu ý của quyết định này là xem xét lại quyền xả lũ của các chủ hồ thủy điện, thủy lợi; đồng thời giao trách nhiệm điều hành vận hành xả lũ các hồ đập cho đích danh Chủ tịch UBND tỉnh. Theo đó, vào mùa mưa (từ ngày 1.9 - 15.12 hằng năm), các hồ thủy điện A Vương, Đăk Mi 4, Sông Tranh 2 phải vận hành theo nguyên tắc thứ tự ưu tiên đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình thủy điện, góp phần giảm lũ cho hạ du; phải đặt tính mạng và tài sản của nhân dân lên ưu tiên hàng đầu.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh, quyết định quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn trong mùa lũ hằng năm của Thủ tướng rất phù hợp với thực tiễn địa phương, khắc phục việc chồng chéo trong chỉ đạo, điều hành, đồng thời chấm dứt tình trạng các chủ hồ tự ý xả lũ ồ ạt gây hiện tượng lũ chồng lũ.

Theo Sở Tài nguyên – môi trường, để “cứu” lấy các dòng sông trước sự “cưỡng bức” của các nhà máy thủy điện và các dự án phát triển công nghiệp, ngành đã tham mưu đề án bảo vệ nghiêm ngặt sông ngòi, đề xuất phương án quản lý, khai thác bền vững. Cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động truyền thông để xem nước là hàng hóa trên thị trường. Vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển xã hội phối hợp với Tổ chức Điều phối mạng lưới sông ngòi Việt Nam tiến hành điều tra xã hội học tại các vùng hạ du sông Vu Gia. Đa số ý kiến cho rằng, cần có sự tham gia đóng góp của người dân trong khu vực khi tiến hành xây dựng quy trình xả lũ và cảnh báo lũ của thủy điện. Bộ Tài nguyên – môi trường đang giúp Quảng Nam có kế hoạch quản lý, khai thác sử dụng và bền vững tài nguyên nước theo phương thức tổng hợp, toàn diện, bền vững, hạn chế tối đa việc suy giảm nguồn nước trong những năm tới.

HỮU PHÚC

HỮU PHÚC