Mô hình chăm sóc trẻ em ở Nông Sơn

HOÀNG LIÊN 16/09/2014 08:50

Trong khi không ít địa phương vẫn lúng túng trong việc tìm ra giải pháp, cách thức hiệu quả để chăm sóc, giáo dục trẻ, đặc biệt là nhóm đối tượng trẻ em dễ bị tổn thương… thì sự xuất hiện của các mô hình Câu lạc bộ (CLB) Trẻ em dễ bị tổn thương ở Nông Sơn được xem là hoạt động thiết thực, giàu tính nhân văn.

Lễ ra mắt CLB Trẻ em nòng cốt, phòng chống mua bán người ở xã Quế Lâm.
Lễ ra mắt CLB Trẻ em nòng cốt, phòng chống mua bán người ở xã Quế Lâm.

Từ sự tài trợ của Chương trình chấm dứt mua bán người của Tổ chức ETIP (Úc) đối với các quốc gia thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông, năm 2012 đến nay, mô hình CLB Trẻ em dễ bị tổn thương đã được hình thành tại 4 xã: Quế Trung, Quế Lâm, Quế Ninh và Quế Lộc của huyện Nông Sơn. Dựa trên mục tiêu của chương trình là góp phần giảm thiểu các vấn đề mua bán người, gia tăng số người được bảo vệ khỏi những đe dọa của nạn mua bán người, Huyện đoàn Nông Sơn đã phối hợp với các ban ngành liên quan và các địa phương xây dựng mô hình. Những thành viên tham gia CLB sẽ được cung cấp những dịch vụ bảo vệ thích hợp để hòa nhập trở lại xã hội và tác động đến các chính sách của Chính phủ giúp bảo vệ tốt hơn những nạn nhân và những đối tượng dễ bị tổn thương. Theo đó, hội viên CLB Trẻ em dễ bị tổn thương là đối tượng trẻ em tuổi từ 12 đến 18, thuộc nhóm trẻ em mồ côi, khuyết tật, không có người đỡ đầu hay trẻ em sống với ông bà, có cha mẹ làm ăn xa…

Bí thư Huyện đoàn Nông Sơn Trà Tiến Tài, thành viên Ban chỉ đạo 138 (Ban chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống tội phạm; phòng chống ma túy; phòng chống mua bán người; phòng chống AIDS và tệ nạn mại dâm) huyện Nông Sơn cho hay, đây là mô hình CLB hoạt động theo tính chất tự nguyện, các em - những thành viên đứng đầu CLB sẽ đứng ra cùng với các anh chị phụ trách quản lý CLB của mình. Hàng tháng, huyện đoàn sẽ cùng với các xã đoàn tổ chức những buổi sinh hoạt định kỳ theo chủ đề, đây là những sân chơi bổ ích giúp các em tự tin hòa nhập cộng đồng. Đồng thời những buổi sinh hoạt còn là dịp trang bị cho các em những kiến thức về Luật Chăm sóc và bảo vệ trẻ em; kiến thức về phòng chống mua bán người, những thủ đoạn của kẻ mua bán người để các em tự phòng tránh… Qua đây, đoàn còn tổ chức các trò chơi, hội thi tìm hiểu pháp luật với nhiều hình thức, trong đó có văn nghệ, tiểu phẩm…

Mỗi năm, 4 CLB tại 4 xã được hỗ trợ tổng cộng 150 triệu đồng để duy trì, phát triển mô hình. “Về phía đoàn, huyện đoàn, xã đoàn, chi đoàn ở các thôn chỉ đóng vai trò nòng cốt trong việc tham gia tập huấn, triển khai chương trình hành động tại các CLB. Ngoài ra, đoàn còn phối hợp với các tổ chức liên quan thường xuyên có những đợt khảo sát khung tiềm lực phát triển của trẻ em sau thời gian gia nhập CLB. Đây là mô hình có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các hội - đoàn thể huyện nhà, được triển khai có hệ thống từ huyện tới xã và tận các thôn, được hưởng ứng mạnh mẽ” - Bí thư Huyện đoàn Trà Tiến Tài nói. Ý nghĩa nhân văn của mô hình còn thể hiện ở mỗi tháng sẽ tới lượt một thành viên trong CLB được hỗ trợ sinh kế với 2 triệu đồng/em. Nguồn hỗ trợ này không từ tiền mặt mà bằng hiện vật với các giống vật nuôi heo, gà để giúp các em và gia đình, người đỡ đầu có thêm nguồn sinh kế nhỏ cải thiện đời sống. “Điều đáng quý là nhiều em khi mới vào CLB rất rụt rè, thụ động thì nay các em lại rất tự tin bày tỏ ý kiến, có sự đồng cảm và chia sẻ lẫn nhau. Có em còn nhường suất hỗ trợ sinh kế cho bạn có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Nhiều em có thành tích tốt được Dự án Tiểu vùng sông Mê Kông đưa đi tập huấn tại Hà Nội với kỹ năng viết kịch bản, kỹ năng truyền thông... Có em đã ra tuổi còn quay lại giúp CLB, giúp đàn em” - Bí thư Trà Tiến Tài chia sẻ.

CLB Trường Sa (thôn Đại Bình, xã Quế Trung), CLB Bình Minh (xã Quế Lâm) là những điển hình trong phong trào. Phó ban điều hành Chương trình phát triển vùng xã Quế Trung, chị Nguyễn Thị Anh cho hay, CLB Trường Sa được thành lập từ năm 2012 đến nay, hiện CLB đã có 30 trẻ em tham gia. Thành viên phụ trách CLB gồm có tất cả 8 người, thuộc các tổ chức hội, đoàn thể từ xã đến thôn. “Có thể nói, đây là mô hình hữu ích đối với địa phương. So với trước, số lượng trẻ xin đăng ký vào CLB đã tăng lên đáng kể. Thông qua các hoạt động dã ngoại, cắm trại, các buổi sinh hoạt, chúng tôi sẽ cố gắng trang bị cho các em những kỹ năng sống thiết thực để các em, đối tượng trẻ dễ bị tổn thương sẽ không vấp phải những cạm bẫy hay vướng vào tệ nạn xã hội” - chị Anh nói. Trong khi đó, anh Phạm Thanh Tuyên - Phó ban điều hành Chương trình phát triển vùng xã Quế Lâm nhìn nhận, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Huyện đoàn, CLB Bình Minh đã dần đi vào nền nếp, hoạt động có hiệu quả với 25 thành viên. “Để mô hình CLB ngày càng thiết thực, trở thành địa chỉ tin cậy của trẻ, rất cần sự chung tay, hưởng ứng mạnh mẽ hơn nữa của cả hệ thống chính trị” - anh Tuyên nói.

HOÀNG LIÊN

HOÀNG LIÊN