Thực hiện đề án "Thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt" ở Thăng Bình: Thiếu kinh phí
Huyện Thăng Bình có 20/22 xã, thị trấn triển khai thực hiện đề án “Thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” với 61/132 thôn có người dân đăng ký tham gia nộp phí môi trường. Tiền nộp phí từ người dân thấp cùng với nhiều vướng mắc trong việc chi trả cho Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Quảng Nam dẫn đến một số xã rơi vào “bế tắc” khi thực hiện đề án.
Mỗi tháng, riêng tiền trả cho tổ thu gom rác thải sinh hoạt của địa phương, mỗi xã trên địa bàn huyện Thăng Bình đã chi hơn 4 triệu đồng. Ảnh: GIANG BIÊN |
Xã Bình Phú có hơn 1.200 hộ dân. Vào đầu tháng 8.2013, khi UBND xã ra mắt mô hình thu gom rác thải, đã có hơn 700 hộ đăng ký tham gia với mức đóng lệ phí hằng tháng từ 10.000 - 15.000 đồng/hộ dân, từ 30.000 - 50.000 đồng/hộ kinh doanh; hộ nghèo, neo đơn không thu phí. UBND xã Bình Phú cũng đã ký hợp đồng với Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Quảng Nam (gọi tắt là Công ty Môi trường đô thị) để thu gom, vận chuyển và xử lý rác theo đơn giá được quy định tại Quyết định số 733/QĐ-UBND ngày 12.3.2013 của UBND tỉnh về phê duyệt đơn giá thực hiện công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt tại khu vực công cộng trên địa bàn tỉnh với mức 208.000 đồng/m3. Sau 4 tháng ký hợp đồng, UBND xã Bình Phú đã chi gần 40 triệu đồng trả phí cho Công ty Môi trường đô thị. Tuy nhiên, số tiền do người dân đóng tại địa phương chỉ có gần 5 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, chi phí cho đội thu gom rác thải địa phương với mức 500.000 đồng/người/tháng đã hết 4 triệu đồng. Như vậy, mỗi tháng UBND xã phải bù gần 10 triệu đồng để trả phí vận chuyển cho Công ty Môi trường đô thị.
Nguồn ngân sách hạn hẹp nên UBND xã Bình Phú đành phải chấm dứt hợp đồng với Công ty Môi trường đô thị khiến lượng rác thải do tổ thu gom thu về không có nơi chứa. Trước tình thế đó, UBND xã Bình Phú đưa số rác thu gom về khu đất trống thuộc đồi Gò Quàn và mỗi tháng trích 2 - 3 triệu đồng thuê xe múc chôn lấp. Tuy nhiên, khu đồi Gò Quàn chỉ cách khu dân cư 400m, trong khi đó theo quy định, nơi chôn lấp rác thải phải cách khu dân cư 1.000m. Như vậy về lâu dài, UBND xã Bình Phú phải có phương án khác để không làm ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân. Ông Lê Văn Thôi - Chủ tịch UBND xã Bình Phú cho biết: “Ngân sách không có, UBND xã hiện vẫn còn nợ Công ty Môi trường đô thị 30 triệu đồng. Cuối năm nay, chúng tôi sẽ chuyển điểm thu gom rác thải từ Gò Quàn về khu đồi Nò Chim với diện tích 3ha theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới”.
Còn tại xã Bình Trung, chỉ có 300 hộ dân thôn Vĩnh Xuân (trong số 7 thôn của xã) ra mắt mô hình thu gom rác thải và tham gia đóng phí vệ sinh môi trường từ đầu tháng 3.2014. UBND xã Bình Trung cũng đã hợp đồng với Công ty Môi trường đô thị vận chuyển rác thải 2 lần/tháng. Tuy nhiên, cũng do gặp khó khăn về kinh phí, xã Bình Trung phải tạm thời hạ hợp đồng thu gom xuống 1 lần/tháng, dù vậy xã vẫn không đủ tiền chi trả cho khối lượng rác thải 30m3/tháng. Ông Ngô Thành Công - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Trung cho biết, mỗi tháng thu phí môi trường trong nhân dân chỉ hơn 3 triệu đồng, trong khi đó chi phí cho tổ thu gom rác thải của địa phương đã hết hơn 4 triệu đồng, hợp đồng với Công ty Môi trường đô thị vận chuyển 30m3 rác thải mất 6 triệu đồng. Như vậy, UBND xã phải bù lỗ.
Bà Phan Thị Kim Hoa - Phó Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện Thăng Bình cho biết, chỉ tính riêng đầu năm 2014, phòng đã tham mưu UBND huyện hỗ trợ hơn 760 triệu đồng cho các xã, thị trấn duy trì thực hiện đề án “Thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt”. “Hiện nay mới chỉ có 61/132 thôn có người dân đăng ký tham gia phí môi trường. Nếu như các thôn đều tham gia, con số hỗ trợ thực hiện đề án sẽ rất lớn. Và đây cũng là khó khăn chung cho những xã đang triển khai tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới hiện nay” - bà Hoa nói.
GIANG BIÊN