Lòng tốt, chưa đủ…
Thời gian gần đây, dư luận rúng động, bàng hoàng về chuyện Hào Anh, cậu bé cách đây 4 năm bị chủ hành hạ như thời trung cổ nhưng khi có tiền quay qua ngược đãi mẹ của mình.
Đổi xe tay ga liên tục, đập iPhone, quát mắng mẹ, đập phá đồ đạc như cơm bữa, suốt ngày cắm đầu vào ăn chơi… Những cụm từ này mấy ngày qua xuất hiện liên tục trên các báo mạng, báo giấy gắn liền với tên Hào Anh, khiến dư luận không khỏi giật mình nhìn lại cảm xúc của chính mình trước các vấn đề của đời sống. Khi Hào Anh được nhận khoản tiền 800 triệu đồng từ các nhà hảo tâm, bạn đọc hỗ trợ, đã nổi lên chuyện: Ai giữ tiền đó? Bao giờ đưa cho Hào Anh? Khoản lãi ngân hàng, ai lấy? Khi giờ “G” đã điểm, tức cách đây 4 tháng, Hào Anh tròn 18 tuổi, số tiền ấy đã được trao tay. Với những bức ảnh chụp nhà mới hân hoan, cậu ta cùng gia đình tươi cười, chắc chắn ai cũng nghĩ rằng đời Hào Anh vậy đã sang trang, ông trời đúng là có con mắt thương người bĩ cực. Đùng một cái, Hào Anh phạm vào “tội” tày đình làm con ở đời: bất hiếu.
Còn nhớ, khi đưa Hào Anh đến ở trung tâm xã hội, rồi về sống với mẹ, hình như những ai quan tâm đến số phận cậu bé đều yên lòng rằng “một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn” đã đến, từ đây thôi thoát kiếp roi đòn tra tấn. Chấm hết. Bẵng đi một thời gian, lại nổi lên chuyện nghi Hào Anh dính vào ăn cắp tiền, nhưng sau đó được minh oan, thì từ đây bật ra một câu hỏi mà hình như đã bị bỏ qua: Cậu ta đang làm chi? Không làm chi hết, chỉ suốt ngày chơi game. Và như thế với 800 triệu đồng từ tiền từ thiện, xây nhà mới 600 triệu, còn lại Hào Anh ăn chơi, tiêu xài.
Không ai nghĩ đến chuyện: Cho tiền để làm nhà, rồi để làm chi nữa? Không ai nghĩ đến chuyện sao không cho học nghề, nhận cậu ta vào cơ sở sản xuất nào đó? Người ăn núi lở, nhàn cư vi bất thiện. Không thể đổ thừa rằng chính tiền bạc của lòng tốt đã biến một chú bé bị ngược đãi bây giờ thành kẻ ngược đãi mẹ mình. Ông bà đã chẳng dạy “của cho không bằng cách cho”. Cho như thế nào để đồng tiền đó thật sự là cứu cánh giúp người nghèo khó thoát khỏi kiếp sống trần ai, nỗ lực vượt lên số phận, là quan trọng nhất, chứ không phải cho cục tiền, để rồi họ biến thành người xấu. Chuyện này làm người viết bài nhớ lại, mới đây, khi một học sinh đỗ đại học tại TP.Hồ Chí Minh, gia cảnh túng bấn, cha mẹ đứng ngồi trên lửa không biết làm sao cho con đi học, báo đăng lên, một bạn đọc gọi hứa giúp học phí, nhưng với điều kiện khi nào nộp học phí hãy đưa chứng từ ra, tốn bao nhiêu sẽ giúp bấy nhiêu. Bởi bạn đọc này chia sẻ rằng chính mình đã từng làm hư một sinh viên như thế, cho mấy triệu đồng, cậu sinh viên kia đã dùng vào ăn chơi, sau đó lại đến than thở, xin tiếp.
Chuyện rằng, ngày xưa, có một bà khá giàu có, kêu thợ mộc vùng xa đến dựng nhà. Thợ ăn ở mấy tháng liền, bà đi chợ về nấu cơm, đến bữa dọn ra chỉ thấy đầu và đuôi cá, tuyệt nhiên không có phần thân. Bọn thợ giận lắm, đến bữa cuối cùng, thợ cả quyết trả thù thói keo kiệt bằng cách chôn cái nêm trên đòn đông, trấn yểm cho tan gia bại sản. Lúc ăn cơm chia tay, bà chủ bưng ra hai bao tời, nói: “Các chú đi làm, có cơm có rượu, chứ vợ con ở nhà đói rách, mấy tháng qua tôi dọn đầu và đuôi cá cho các chú, còn phần thân giữ lại, phơi khô, chừ các chú chia ra mang về, chứ mùa mưa tới rồi, vợ con các chú biết lấy chi mà ăn!”. Bà nói đến đây, cả đám thợ há hốc miệng, rồi có người bật khóc. Lúc đó, thợ cả bèn nói thiệt, xin lỗi và xin lên mái nhà gỡ cái bùa.
Có lẽ, đây là bài học về lòng tốt, cần đặt đúng chỗ, đúng thời điểm. Vì thế, lòng tốt thôi, chưa đủ…
TRUNG VIỆT