Chia sẻ kinh nghiệm

TRẦN HỮU 13/09/2014 10:07

Nhiều sáng kiến kinh nghiệm, cách làm hay nhằm đối phó với tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH) được chia sẻ trên các diễn đàn cũng như đúc kết từ thực tiễn.

Hậu quả mà BĐKH gây ra dễ nhận dạng nhất ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Sự “trái gió trở trời” khiến người dân không lường hết rủi ro sản xuất. Ngày 8.9, nhóm nghiên cứu Trường Đại học Nông lâm Huế đã đưa ra những đánh giá bước đầu về ảnh hưởng của hạn hán đến sản xuất lúa ở hiện tại và tương lai trên địa bàn huyện Đại Lộc thông qua biến động diện tích đất trồng lúa và năng suất lúa trong giai đoạn nghiên cứu. Các biện pháp mang tính khả thi đã đặt ra như địa phương cần khẩn trương nạo vét kênh mương, trồng rừng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi giống lúa tăng tính chịu hạn, xây dựng các hồ chứa nước mưa ngay gần ruộng để phục vụ tưới trong mùa khô và xây dựng trạm bơm dã chiến... Các nhà khoa học, quản lý cũng khuyến cáo nông dân triển khai giống lúa lai mới với ưu điểm ngắn ngày, chủ động tránh được thời tiết bất lợi. Hiện tại, các xã Điện Nam Bắc (Điện Bàn) và xã Tam Phú (Tam Kỳ) đưa 2 giống lúa TPR45 và CH207 thực nghiệm trên cánh đồng và đã đem lại kết quả khả quan; nông dân huyện Duy Xuyên đang khấp khởi với giống lúa ngắn ngày HBO2 mang lại hiệu quả cao... TS. Võ Văn Minh – Trưởng khoa Sinh và môi trường (Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng) cho rằng, khu vực ven biển cần có định hướng, thay đổi tư duy phát triển sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH bằng cách mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sử dụng các giống cây chịu mặn, chịu hạn, bố trí cây trồng theo mùa vụ bằng cách sử dụng nguồn gen bản địa. Đồng bằng, ven biển trong tỉnh nên hướng đến nền nông nghiệp chấp nhận với bất thường của BĐKH.

Bảo vệ rừng ngập mặn ven biển được xem là biện pháp giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu gây nên. Ảnh: HỮU PHÚC
Bảo vệ rừng ngập mặn ven biển được xem là biện pháp giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu gây nên. Ảnh: HỮU PHÚC

Ở các xã ven biển trên địa bàn tỉnh nằm trong vùng trực tiếp bị tổn thương, thực tế là Nhà nước đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây kè chắn sóng. Theo GS-TS. Đặng Vũ Minh – Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, trong điều kiện nguồn lực ngân sách có hạn, chính quyền phải khẩn trương quy hoạch, xây dựng các khu vực tránh bão lũ, vận động người dân (có điều kiện kinh tế) xây nhà kiên cố, nhà cao tầng nhằm hạn chế tối đa tổn thất về người và tài sản. Bố trí vốn đầu tư, nâng cấp hệ thống đê biển, đê sông, trồng cây chắn sóng. “Điều cần thiết phải giữ được cân bằng hệ sinh thái ven biển, trồng rừng ngập mặn và tránh sa mạc hóa vùng biển. Trước mắt, cần xây dựng, cập nhật bản đồ nguy cơ ngập lụt theo kịch bản BĐKH đến cấp xã. Từ đó rà soát quy hoạch xây dựng, chỉnh trang đô thị, khu dân cư ven biển; cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng” – GS-TS. Đặng Vũ Minh nói. Cũng theo GS-TS. Minh, Nhà nước cần tăng cường hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực BĐKH và thỏa thuận hợp tác về cơ chế phát triển sạch, đẩy mạnh hợp tác tài chính, công nghệ và xây dưng năng lực trong giai đoạn mới sau Nghị định thư Kyoto, tích cực tham gia các cuộc hội thảo và đàm phán quốc tế về các vấn đề liên quan đến BĐKH. Trong khi đó, nhiều năm qua, các tổ chức tài trợ của Nhật Bản thì chia sẻ thông tin, trang bị kỹ năng, kiến thức phòng chống BĐKH tại chỗ cho các trường học thuộc 6 huyện ven biển trong tỉnh; trong đó mở lớp dạy học sinh tập bơi, nâng cao nhận thức thích ứng với BĐKH.  

Trong định hướng quy hoạch đô thị Hội An, chính quyền cũng tính toán nâng cấp hạ tầng đô thị, dịch chuyển và nới rộng không gian đô thị về khu vực có địa hình cao ráo để tránh tình trạng ngập úng vào mùa lũ. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý hỗ trợ TP.Hội An phát triển môi trường, hạ tầng đô thị giảm thiểu tác động của BĐKH. Tại các xã Tam Hải, Tam Giang, Tam Hòa, Tam Quang (Núi Thành), việc phục hồi rừng ngập mặn được xem như một trong những giải pháp thiết thực ứng phó với BĐKH. Chương trình hành động của UBND tỉnh về ứng phó với BĐKH đã tập trung đột phá phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tạo ra tăng trưởng xanh nhằm đảm bảo an ninh lương thực, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên và ổn định sinh kế cho người dân. Không ngừng nâng cao nhận thức cộng đồng, ứng dụng khoa học công nghệ để dự báo và phòng ngừa rủi ro thiên tai…

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU