"Ám ảnh" với thiên tai
Hàng năm, người dân trên địa bàn tỉnh phải hứng chịu tình trạng hạn hán, mưa bão, sạt lở, ngập lụt… đe dọa đến an toàn tính mạng và tài sản. Nỗi âu lo càng chất chồng khi mỗi năm diễn biến của thiên tai càng khó lường và thiệt hại cũng nặng nề hơn.
“Mất ngủ” vì sóng biển
Chưa vào mùa biển động những con sóng lớn vẫn cuồn cuộn xô đập vào bờ biển Cửa Đại (Hội An). Nước biển liếm sát đất liền, thu hẹp không gian bãi tắm nơi đây. Một đoạn kè chống xâm thực bờ biển Hội An với chiều dài hơn 700m (đầu tư hơn 50 tỷ đồng) vừa thi công xong thì bị hư hại do sóng dữ. Chạy dọc bờ biển Cửa Đại hàng cây số với nhiều khu resort, nghỉ dưỡng cao cấp… đang đối mặt với thực trạng sạt lở nghiêm trọng. Chỉ chưa đầy một tuần mà đoạn nằm giữa bãi tắm Cửa Đại với khách sạn Victoria, nước biển xâm thực vào đất liền gần 10m, chỉ cách đường Âu Cơ khoảng 30m. Trước khi chờ Nhà nước có biện pháp dài hơi, các nhà đầu tư du lịch, kinh doanh nơi đây đã phải bỏ ra hàng tỷ đồng để xây dựng công trình bảo vệ song vẫn không hiệu quả. Các khu resort cao cấp như Victoria, Golden Sand và Sunrise bị sóng biển ăn sát vào chân móng công trình. Tại khu nghỉ dưỡng Đồng Dương, sóng dữ còn phá hoại các bờ kè bằng bê tông kiên cố, cuốn trôi đất phía bên trong làm cho một dãy căn hộ trong khu nghỉ dưỡng bị ngã đổ trơ trốc phần móng.
Một ngôi nhà ở Tam Hải bị hư hại hoàn toàn do bão.Ảnh: HỮU PHÚC |
Hiện tượng nước biển dâng cao, ăn sâu vào đất liền đã gây tổn thất kinh tế nặng nề cho các công trình nghỉ dưỡng cao cấp ở Cửa Đại. Nhiều nhà đầu tư than ngắn thở dài trước tình trạng biển xâm thực. Giám đốc Khu nghỉ dưỡng Sunrise – ông Ngô Văn Hoàng nhẩm tỉnh, khoảng 10 năm nay, riêng việc xây kè cứng đến kè mềm, doanh nghiệp đã bỏ ra 1 triệu đô la Mỹ, chưa kể thiệt hại to lớn về vật kiến trúc công trình bị nước biển làm hư hỏng. “Làm kinh doanh, bên cạnh nỗi lo tính toán lời lỗ, bây giờ chúng tôi còn phải mất ngủ hằng đêm trước sự xâm thực của nước biển” – ông Hoàng bộc bạch.
Thực ra không phải đến thời điểm “nước sôi lửa bỏng” này, các doanh nghiệp đang hoạt động dọc ven biển Hội An mới kêu trời mà trước đó nhiều năm họ đã cầu cứu chính quyền, bắt tay liên kết mời chuyên gia của Hà Lan về khảo sát tư vấn xây hệ thống kè đồng bộ, nhưng nguồn vốn đầu tư quá lớn nên việc thi công đến nay vẫn chưa triển khai. Chính quyền TP.Hội An thừa nhận, lâu nay người dân phố cổ đã dần hình thành thói quen sống chung với lũ. Thế nhưng, ở nơi đầu sóng ngọn gió như Cửa Đại, Cù Lao Chàm… vào mùa bão lũ, lãnh đạo địa phương phải lo giải quyết sơ tán cho người dân và du khách lưu trú. BĐKH ngày càng trở nên dữ dằn hơn, tàn phá khủng khiếp hơn ở các nơi nằm ngay “họng gió”.
Xói lở bờ kè biển Tam Hải (Núi Thành). |
Thảm họa được báo trước
Thời gian qua, dưới tác động của BĐKH, tần suất và cường độ thiên tai ngày càng gia tăng, gây nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, tác động xấu đến môi trường. Năm nào trên địa bàn tỉnh cũng có ít nhất hàng chục người chết và bị thương do thiên tai. BĐKH làm gia tăng các loại hình thời tiết cực đoan. Sức tàn phá khủng khiếp nhất của bão lũ tập trung chủ yếu vào các tháng cao điểm 10, 11, 12. Lưu vực Vu Gia – Thu Bồn qua các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Hội An mỗi năm bị sạt lở hàng chục ki lô mét bờ sông. Cạnh đó, các địa phương còn đối mặt với hiện tượng lốc, sét.
Tại ốc đảo Tam Hải (Núi Thành), tình trạng nước biển ăn sâu vào đất liền đến mức báo động. Tuyến bờ kè nơi đây do Nhà nước đầu tư có nhiều đoạn sóng biển đã phá hư hỏng hàng chục mét. Theo chính quyền địa phương, hơn 100 hộ dân thôn Thuận An (xã Tam Hải) có kế hoạch di chuyển đến các xã lân cận để sinh sống vì không còn chỗ an cư. Biểu hiện cục bộ BĐKH gây ra dễ thấy nhất thời gian gần đây là hiện tượng xâm nhập mặn vào sâu các sông Vĩnh Điện, Tam Kỳ, Bàn Thạch, Trường Giang. Hệ lụy là hàng nghìn héc ta đất sản xuất không sản xuất được. Ngành nông nghiệp thống kê, vụ hè thu năm nay, hai địa phương Núi Thành và Tam Kỳ đã bỏ hoang hàng trăm héc ta đất lúa vì hiện tượng mặn hóa từ sông Bàn Thạch, Trường Giang. Tuy nhiên, thiệt hại nặng nhất vẫn là hiện tượng nước biển dâng cao đã làm cho hàng trăm héc ta đất canh tác của nhân dân biến mất. Theo dự báo, hiện tượng nước biển dâng cao, ngoài đô thị Hội An bị ngập nặng, các địa phương khác cũng dự báo bị ảnh hưởng như Duy Xuyên ngập gần 16% diện tích, Điện Bàn ngập hơn 26%, Núi Thành hơn 15% diện tích.
TRẦN HỮU