Giá trị của "hậu trường"
1. Giải Việt dã truyền thống Báo Quảng Nam mở rộng lần thứ XVIII năm 2014 cúp Agribank diễn ra hồi giữa tuần đã để lại nhiều ấn tượng cho người xem. Có thể nói, việc nhà tổ chức mời các vị lãnh đạo tỉnh, sở, ban, ngành, các cụ ông, cụ bà, các em học sinh cùng tham gia chạy hưởng ứng ngay khi mở giải (giải tổ chức được 2 năm thì chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ) đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ về mặt tinh thần cho các cuộc tranh tài sau đó.
Nhiều gương mặt triển vọng của điền kinh Việt Nam có mặt tại giải Việt dã truyền thống Báo Quảng Nam. |
Sau khi tái lập tỉnh, Báo Quảng Nam cùng các đơn vị phối hợp quyết định tiếp tục duy trì giải đấu này và việc chạy hưởng ứng trước khi các vận động viên (VĐV) bước vào thi đấu chính thức được xem là phần không thể thiếu; thậm chí sự góp mặt của nhiều vị lãnh đạo tỉnh còn quyết định đến sự thành - bại của giải. Có lẽ hiếm có hoạt động TD-TT nào mà các đồng chí lãnh đạo tỉnh, sở, ban, ngành lại dành thời gian tham dự nhiều như giải Việt dã truyền thống Báo Quảng Nam. Không chỉ có mặt trên khán đài, các vị lãnh đạo cùng với các cụ ông, cụ bà của Câu lạc bộ dưỡng sinh TP.Tam Kỳ còn trực tiếp tham gia chạy hưởng ứng. Dù cự ly đường chạy chỉ là tượng trưng nhưng đây được coi như là một màn khởi động khá quan trọng và cần thiết, tạo khí thế sôi nổi cho VĐV trước giờ xuất phát.
2. Tại buổi gặp mặt của Ban tổ chức giải với lãnh đạo đoàn, huấn luyện viên các tỉnh, thành phố trước ngày thi đấu, nhiều người cho rằng giải Việt dã truyền thống Báo Quảng Nam đã “chơi đẹp” khi hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn tham gia. Ngoài ra còn tổ chức gặp mặt, mở tiệc chiêu đãi trước và sau khi giải kết thúc như là một lời động viên các đoàn. “Chính điều đó đã làm cho đoàn chúng tôi cũng như nhiều địa phương cảm kích và tỏ ra khá thích thú mỗi khi đưa VĐV đến Quảng Nam tranh tài” - một huấn luyện viên đoàn tỉnh Quảng Bình tâm sự.
Trưởng đoàn tỉnh Lâm Đồng - ông Hồ Văn Chương lần đầu tham gia cũng đã dành nhiều lời khen về giải như quy mô lớn, tính chuyên nghiệp cao, chất lượng chuyên môn tốt, ban tổ chức nhiệt tình giúp đỡ về nơi ăn chốn ở. “Trước khi về đây tôi không nghĩ giải đấu lại có quy mô lớn đến vậy. Nhiều VĐV đẳng cấp của Trung tâm Huấn luyện quốc gia Đà Nẵng, Quân đội, các tỉnh, thành phố và từng dự các giải quốc gia như Việt dã Báo Tiền Phong cũng góp mặt. Nếu ban tổ chức mời thêm 2 tỉnh nữa là Thanh Hóa và Khánh Hòa thì coi như đây là giải quốc gia rồi”, ông Chương chia sẻ.
Giải Việt dã truyền thống Báo Quảng Nam “lớn” dần theo thời gian. Sau 18 năm tổ chức, từ vài trăm VĐV nay đã lên con số vài nghìn; từ giải đấu phong trào của tỉnh đã trở thành sân chơi đỉnh cao của cả miền Trung - Tây Nguyên. Thành công của giải còn phải kể đến công tác “hậu cần” như chạy tượng trưng và chăm lo chu đáo cho các đoàn tham dự. Tham vọng nâng giải đấu này lên tầm quốc gia hoàn toàn có thể thực hiện được, nhất là giải đấu ngày càng thành công cả về chất lượng lẫn số lượng và nhận được sự ủng hộ, rất nhiều đoàn vận động viên các tỉnh thành.
AN NHI