Tiếp thêm động lực giảm nghèo

DIỄM LỆ 12/09/2014 09:18

Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên - tỉnh Quảng Nam (gọi tắt là Dự án) vừa được khởi động tại tỉnh Quảng Nam hôm qua, 11.9. Đây được xem là cơ hội tiếp thêm động lực giảm nghèo cho 6 tỉnh trong khu vực, đặc biệt là nhóm đồng bào dân tộc thiểu số trong khu vực.

Lấy cộng đồng làm trung tâm

Những năm gần đây, nhiều dự án về giảm nghèo được triển khai ở khu vực 6 tỉnh đang được hưởng lợi lần này. Theo đánh giá của ông Trần Ngọc Hùng - Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương & lãnh thổ (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), kiêm Giám đốc Ban quản lý Dự án trung ương, các dự án đã mang lại những cơ hội phát triển và giảm nghèo của khu vực. Nhưng cuộc sống của những đối tượng yếu thế, đặc biệt là các hộ nghèo, các cộng đồng dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn, dễ xảy ra tình trạng tái nghèo. Ông Hùng cho biết: “Dự án này được Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch - Đầu tư phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới xây dựng và thực hiện ở 6 tỉnh trong khu vực. Mục tiêu phát triển của Dự án là cải thiện cơ hội sinh kế cho các cộng đồng nghèo trong vùng Dự án, trong đó có hơn 50% là đồng bào dân tộc thiểu số. Mục tiêu cuối cùng là giúp cho khoảng 540 nghìn người hưởng lợi từ Dự án, ít nhất 20% người nghèo hài lòng về các ưu tiên phát triển đã được Dự án đáp ứng, tiêu dùng lương thực và phi lương thực của các hộ hưởng lợi tăng tối thiểu 10%, ít nhất 20% hộ nghèo tăng được tiếp cận các loại hình dịch vụ, tiện ích và cơ sở hạ tầng”.

Quang cảnh hội nghị khởi động sáng 11.9 tại Quảng Nam Ảnh: D.L
Quang cảnh hội nghị khởi động sáng 11.9 tại Quảng Nam Ảnh: D.L
Dự án được thực hiện từ 7.2014 đến 2019, trên địa bàn 6 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi, với 130 xã thuộc 26 huyện. Trong đó, ở 3 huyện của Quảng Nam có 15 xã được đầu tư, với khoảng 7.500 hộ dân được hưởng lợi. Tổng mức đầu tư của Dự án là 3.465 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Nhà nước và vốn vay ODA từ Ngân hàng Thế giới.

Theo thông tin từ Ban quản lý Dự án trung ương, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã phân bổ nguồn lực đạt 85%, 15% còn lại sẽ tiếp tục được phân bổ dựa trên quá trình thực hiện Dự án, ưu tiên địa phương nào làm nhanh, hiệu quả. Dự án sẽ được phân cấp cho huyện và ưu tiên cho xã làm chủ đầu tư dự án thành phần và các tiểu dự án có quy mô nhỏ. Dự án bao gồm 4 hợp phần chính, tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng cấp xã và thôn, buôn; kết nối phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội ở cấp huyện; củng cố an ninh lương thực và dinh dưỡng, thúc đẩy đa dạng hóa các loại hình sinh kế, kết nối thị trường để tìm đầu ra cho sản phẩm; nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp. Đặc biệt, mọi hoạt động của Dự án được xác định phải theo nguyên tắc phát triển do cộng đồng định hướng, xuất phát từ đề xuất của cộng đồng, phù hợp với đặc điểm và nhu cầu của cộng đồng hưởng lợi. Từ các đề xuất của cộng đồng, Ban phát triển cấp xã và Ban quản lý cấp huyện, tỉnh sẽ thảo luận và xây dựng thành kế hoạch hoạt động. Trọng tâm của Dự án là hỗ trợ phát triển sinh kế cho người hưởng lợi. Các hộ dân sẽ thành lập thành nhóm cải thiện sinh kế, hỗ trợ và giúp đỡ nhau cùng phát triển. Với các công trình cộng đồng được đầu tư từ Dự án bắt buộc phải có cộng đồng tham gia từ khâu đấu thầu đến giám sát thực hiện. Việc lập kế hoạch, tổ chức thực hiện đến giám sát, vai trò của cộng đồng được phát huy tối đa.

Giảm nghèo và phát triển bền vững

Tại hội nghị khởi động Dự án, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đinh Văn Thu khẳng định Dự án được thực hiện là sự quan tâm đối với Quảng Nam, giúp Quảng Nam có thêm cơ hội, điều kiện để phát triển ở khu vực giáp ranh Tây Nguyên. Đây là cơ hội và cũng là trách nhiệm lớn, cụ thể là ở Ban quản lý Dự án các huyện Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, cũng như Ban phát triển của 15 xã hưởng lợi. Dự án vừa giúp phát triển kinh tế - xã hội vừa nâng cao năng lực cộng đồng trong vùng Dự án. Các địa phương phải tuyên truyền, phổ biến mục tiêu, ý nghĩa của Dự án tới cộng đồng, quản lý và thực hiện tốt các mục tiêu. Khi thực hiện quy trình xây dựng công trình cộng đồng phải hết sức chặt chẽ, giám sát cộng đồng đảm bảo tuyệt đối chất lượng công trình, đảm bảo lòng tin của nhân dân và Ban quản lý Dự án cấp trung ương, cũng như cơ quan tài trợ thực hiện.

Đối với Quảng Nam, Dự án được thực hiện trên địa bàn 3 huyện Nam Giang, Nam Trà My, Phước Sơn từ tháng 7.2014. Ông Nguyễn Hoàng Thanh - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, kiêm Giám đốc Ban quản lý Dự án cấp tỉnh, thông tin: “Đây là 3 huyện giáp ranh với Tây Nguyên, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Dự án được triển khai tại Quảng Nam sẽ giúp cho sự phát triển của địa phương, đặc biệt là cộng đồng dân cư được hưởng lợi trực tiếp. Các hoạt động của Dự án đều được đảm bảo sẽ xuất phát từ nhu cầu của cộng đồng, cộng đồng được hưởng lợi, mang lại hiệu quả thiết thực nhất trong thời gian thực hiện Dự án”. Qua nhu cầu thực tế của cộng đồng, các loại hình sinh kế được lựa chọn ở Quảng Nam sẽ là trồng lúa, bắp, rau và chăn nuôi gia súc, gia cầm có sự hỗ trợ đắc lực của khoa học kỹ thuật, giúp tăng năng suất, hiệu quả và chất lượng của các loại cây, con, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng Dự án. Đồng thời từ nguồn vốn của Dự án, 3 huyện được phân bổ nguồn vốn vay cụ thể để thực hiện các hoạt động của Dự án. Có 30 công trình mang tính cộng đồng cao như đường giao thông, thủy lợi, trường học… sẽ được đầu tư xây dựng trong 18 tháng đầu thực hiện Dự án tại đây.

Ông Thái Minh Hoàng - Giám đốc Ban quản lý Dự án huyện Nam Giang, chia sẻ: “Chúng tôi sẽ tập trung thực hiện những mô hình sinh kế phù hợp như thâm canh tăng năng suất, chất lượng cây lúa nước, phục tráng và nâng cao chất lượng các loại cây màu. Đồng thời đồng hành, giúp người dân ổn định sản xuất, tạo điều kiện cho gia đình nghèo phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Những loại cây trồng, con vật nuôi phù hợp với địa phương sẽ được phát huy tối đa trong hỗ trợ sinh kế”.

DIỄM LỆ

DIỄM LỆ