Thiên tai phủ bóng mây kinh tế vùng Nam Á

QUỐC HƯNG 10/09/2014 10:56

Lở đất và lũ lụt nghiêm trọng làm ít nhất 300 người thiệt mạng tại khu vực Kashmir của cả hai bên do Ấn Độ và Pakistan kiểm soát. Công tác cứu hộ đang được chính phủ hai nước tăng cường nhằm giảm bớt thiệt hại và cứu trợ kịp thời trong đợt thiên tai tồi tệ nhất trong vòng 50 năm qua.

SAU khi tàn phá hàng trăm làng mạc, nước xoáy từ những con sông tràn bờ đang lan ra khắp thủ phủ mùa hè Srinagar của vùng Kashmir, nhấn chìm toàn bộ nhà cửa, bệnh viện, căn cứ quân đội…, thành phố 900 nghìn dân này trở thành tâm điểm của các hoạt động cứu hộ trong những ngày qua. Các máy bay trực thăng của không lực cứu người từ mái nhà, các binh sĩ biệt động hải quân tham gia chiến dịch và tàu thuyền được đưa vào từ Delhi hỗ trợ sơ tán. Song việc cứu hộ không phải dễ dàng trong một khu vực kẹt giữa các ngọn núi cao. Tình hình trở nên xấu hơn khi đường dây viễn thông bị đứt, mực nước dâng cao.

Lực lượng cứu hộ cứu vớt những nạn nhân bị cô lập tại khu vực Kashmir. (Ảnh: NYTimes)
Lực lượng cứu hộ cứu vớt những nạn nhân bị cô lập tại khu vực Kashmir. (Ảnh: NYTimes)

Tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát đã có gần 200 người thiệt mạng. Hàng trăm nhân viên cứu hộ liên bang cùng hàng nghìn cảnh sát và binh lính tham gia giải cứu người còn bị mắc kẹt trong khu vực bị cô lập. Sau khi thị sát khu vực bị thiên tai tàn phá, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thông báo rằng, đây là thảm họa cấp quốc gia nên chính phủ đang sát cánh cùng người dân và chính quyền địa phương. 11 tỉ rupi được chính phủ  thông viện trợ không đủ để đáp ứng các yêu cầu của một thảm họa quy mô lớn. Vì vậy, nhà lãnh đạo Ấn quyết định bổ sung thêm 11 tỉ rupi như một khoản hỗ trợ đặc biệt cho chính quyền Kashmir và Jammu - nơi lũ tàn phá phá nghiêm trọng.

Báo cáo mới của Ngân hàng Phát triển châu Á công bố hồi tháng 8 vừa qua, Nam Á - khu vực chiếm 1/5 tổng dân số thế giới dễ bị tổn thương bởi các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như: lũ lụt theo mùa, lốc xoáy và hạn hán, nguyên nhân gây tàn phá phần lớn diện tích đất nông nghiệp và khiến hàng trăm nghìn người mất nhà cửa mỗi năm. Biến đổi khí hậu sẽ gây thiệt hại đối với tăng trưởng kinh tế khu vực Nam Á gần 9% mỗi năm nếu các chính phủ không nỗ lực hơn nữa trong việc đối phó tình trạng ấm lên toàn cầu. Chi phí chống biến đổi khí hậu ở Nam Á cũng tăng dần theo thời gian và về lâu dài sẽ lên tới mức cao không thể ngăn chặn được.

Cũng liên quan đến công tác phòng chống thiên tai tại châu Á, tại thủ đô Bangkok (Thái Lan) mới đây đã diễn ra hội nghị Bộ trưởng các nước khu vực châu Á về giảm nhẹ thiên tai, khoảng 3 nghìn đại biểu đại diện các chính phủ, các chuyên gia hàng đầu khu vực chia sẻ kinh nghiệm. Nước chủ nhà Thái Lan khi đó nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp hành động giữa các nước châu Á trong phòng tránh giảm nhẹ thiên tai. Bởi, châu Á hiện là khu vực chịu tác động nặng nề nhất của thiên tai, với số người bị ảnh hưởng của thiên tai nhiều nhất thế giới. Riêng con số thiệt hại do thiên tai tại châu Á trong năm ngoái ước tính lên tới 54 tỷ USD, chiếm gần một nửa tổng thiệt hại toàn cầu.

QUỐC HƯNG

QUỐC HƯNG