Dầu ăn bẩn gây rúng động Trung Quốc

KIM OANH 09/09/2014 11:33

Chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) vừa phanh phui một vụ sản xuất và mua bán dầu ăn bẩn quy mô lớn gây rúng động dư luận. Đây cũng là một trong hàng loạt các vụ bê bối thực phẩm tại Trung Quốc khiến người tiêu dùng phẫn nộ.

Cuối tuần qua, cơ quan chức năng ở Đài Loan bắt giữ 6 nghi phạm trong đó có chủ tập đoàn Chang Guann, chủ nhà máy chế biến dầu ăn, ông Kuo Lieh-chen vì liên quan đến việc sản suất và mua bán dầu ăn bẩn. Đồng thời, chính quyền sở tại ra lệnh đến hết ngày hôm qua (8.9) phải ngừng buôn bán, thu hồi toàn bộ sản phẩm và thực phẩm chế biến của hơn 200 doanh nghiệp địa phương vì đã sử dụng sản phẩm dầu ăn trên. Trước đó, ngày 1.9, cảnh sát Đài Loan phát hiện hơn 240 tấn dầu ăn được tái chế từ rác thải và da lợn do một nhà máy không phép ở huyện Bình Đông, TP.Cao Hùng sản xuất do ông Kuo Lieh-chen làm chủ và bán cho tập đoàn Chang Guann - một nhà chuyên cung cấp dầu ăn cho hàng trăm công ty sản xuất thực phẩm, trường học và nhà hàng ở 22 thành phố và quận huyện của Đài Loan. Chính quyền Đài Loan khẳng định loại dầu ăn bẩn này chắc chắn gây hại sức khỏe cho người tiêu dùng. Đến nay, có khoảng 200 công ty thực phẩm thừa nhận sử dụng mỡ lợn nhiễm độc được sản xuất từ lô dầu ăn bẩn tại Đài Loan.

Một chủ hộ sản xuất dầu ăn bẩn bị phát hiện tại Trung Quốc.
Một chủ hộ sản xuất dầu ăn bẩn bị phát hiện tại Trung Quốc.

Vụ bê bối dầu ăn nói trên một lần nữa khiến không ít người tiêu dùng, nhất là tại Trung Quốc lo ngại bởi trước đây, hàng loạt vụ hay công nghệ chế biến dầu ăn bẩn đã bị phát hiện. Như vào cuối năm 2013, Business Insider - trang thông tin điện tử có uy tín đặt trụ sở tại New York (Mỹ) chuyên cung cấp các phân tích về kinh doanh và công nghệ đã lật tẩy công nghệ làm dầu ăn “siêu bẩn” của nhiều hộ, nhà máy sản xuất tại Trung Quốc với những công đoạn chế biến dầu bẩn rất rõ ràng. Business Insider cho rằng, những loại dầu tái chế như thế này chỉ có thể được dùng trong công nghiệp sản xuất xà phòng, cao su nếu dùng chế biến thành dầu ăn, có thể thu lợi nhuận lớn nhưng tác hại sức khỏe mà người sử dụng gặp phải thì không lường.

Trước đó, năm 2012, đài truyền hình trung ương Trung Quốc tiết lộ hàng loạt các bức ảnh thu được từ cuộc truy quét 13 cơ sở sản xuất dầu ăn bẩn từ rác thải, thức ăn thừa và thậm chí là động vật chết tại 6 tỉnh thành là Chiết Giang, An Huy, Thượng Hải, Giang Tô, Trùng Khánh, Sơn Đông, bắt giữ hơn 100 người và hơn 3.200 tấn dầu bẩn đã bị thu hồi và tiêu hủy. Sau khi chiết xuất, loại dầu ăn này đã được các con buôn bán cho nhà bếp của nhà hàng, khách sạn hoặc các quán hàng vỉa hè với giá thành thấp.

Các cơ quan chức năng tại Việt Nam cho biết, đến nay trên thị trường nước ta chưa phát hiện sản phẩm hay dầu ăn nào liên quan đến loạt dầu bẩn mới bị phát hiện tại Đài Loan. Tuy nhiên, người tiêu dùng được cảnh báo hết sức cẩn thận, nhất là khi hiện nay trên thị trường tại nhiều nơi xuất hiện những chai dầu ăn giả rất rẻ nhưng lại không có nhãn mác.

KIM OANH

KIM OANH