Tưởng niệm 127 năm ngày mất Chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu

QUỐC HẢI 08/09/2014 10:21

(QNO) - Sáng nay (8.9), đúng dịp rằm Tháng Tám, UBND TP.Hội An tổ chức lễ viếng 127 năm ngày mất Chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu (Đinh Hợi 1887 - Giáp Ngọ 2014) tại tượng đài, phần mộ và nhà thờ chí sĩ.

Chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu sinh năm 1847 tại ấp Bến Trễ, làng Thanh Hà (nay là thôn Bến Trễ, xã Cẩm Hà, TP.Hội An). Năm 1876, ông đậu cử nhân, ba năm sau đậu Phó bảng, được bổ nhiệm chức Phụ đạo Giảng tập ở Dưỡng Thiện Đường dạy Hoàng tử Ưng Đăng (sau này là vua Kiến Phúc).

Dâng hương tại nhà thờ (thôn Bến Trễ, xã Cẩm Hà)
Dâng hương tại nhà thờ (thôn Bến Trễ, xã Cẩm Hà)

Gặp biến cố lịch sử, Nguyễn Duy Hiệu xin từ chức về quê tìm cơ hội chống Pháp. Sau khi kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi xuất bôn, vua Đồng Khánh lên thay. Ông đã bí mật phụng chỉ cần vương của vua Hàm Nghi, khẩn trương tổ chức công cuộc cần vương chống Pháp tại Quảng Nam. Sau khi Tiến sĩ Trần Văn Dư thọ nạn, ông thay thế lãnh đạo phong trào Nghĩa hội Quảng Nam. Chỉ hơn 2 năm, Nghĩa hội đã lập được nhiều chiến công vang dội và gây cho giặc nhiều tổn thất nặng nề, nhưng tình hình Nghĩa hội ngày một thế cô, Nguyễn Duy Hiệu quyết định giải tán Nghĩa hội và tự nhận hết “tội lỗi” về mình.

Tuổi trẻ Hội An ngưỡng vọng công đức của chí sĩ.
Tuổi trẻ Hội An ngưỡng vọng công đức của chí sĩ.

Tên tuổi của Chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu gắn liền với phong trào Nghĩa hội Quảng Nam (1885 - 1887). Ông không chỉ là vị chỉ huy kiệt xuất với những trận đánh lẫy lừng, mà còn là một hội chủ có tài thao lược cả về quân sự, chính trị, xã hội, văn hóa... Ông bị Pháp hành hình tại pháp trường An Hòa - Huế ngày 1.10.1887, đúng ngày rằm Trung thu.

Phần mộ chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu tại Bến Trễ.
Phần mộ chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu tại Bến Trễ.

Theo chí sĩ, thất bại chưa hẳn là không anh hùng, mà anh hùng là những người biết làm theo chính nghĩa, biết vì quốc gia, dân tộc, không xu nịnh mãi quốc cầu vinh, ấy mới thật sự là anh hùng.

QUỐC HẢI

QUỐC HẢI