Quảng Nam "khai sinh" đã có Hoàng Sa

PGS-TS. NGÔ VĂN MINH 08/09/2014 09:01

Vào đầu tháng 8 này, ngay sau khi Trung Quốc cho phát hành cuốn sách “Bàn về lịch sử, địa vị và tác dụng của Đường 9 đoạn” do một số học giả, quan chức viết nhằm khẳng định “Trung Quốc có chủ quyền, quyền chủ quyền, chủ trương quyền quản hạt ở Nam Hải được hình thành trong quá trình phát triển lâu dài; từ triều Hán hơn 2.000 năm trước đã bắt đầu phát hiện và từng bước hoàn thiện việc quản lý đối với Nam Hải, đặc biệt là các đảo bãi Nam Sa (Trường Sa) và vùng biển liên quan”, thì cũng chính tại Trung Quốc lại có sự lên tiếng phản bác của học giả Oa Đằng trong bài viết “Nam Hải từ xưa đến nay là của Trung Quốc ư?”. Học giả này cho biết, chính trong quyển sách “Tổng hội yếu” viết năm 1018 ghi lời sứ giả Chiêm Thành đi sứ Trung Quốc có kể rằng thuyền của họ trên đường đi Quảng Châu bị gió thổi trôi đến Thạch Đường và cho biết Thạch Đường trên biển cách Nhai Châu 700 dặm, chìm dưới nước 8 - 9 thước. Qua miêu tả cho thấy, Thạch Đường chính là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hiện nay. Nhưng vì “đoạn văn tự này do người Trung Quốc ghi lại, nên các chuyên gia Trung Quốc liền cho rằng đó là một chứng cứ lịch sử rằng Hoàng Sa là của Trung Quốc, nhưng họ cố tình không chịu hiểu là: phía Trung Quốc chỉ là người ghi chép lại, còn người Chiêm Thành mới là bên cung cấp thông tin, sự việc được ghi lại chính là: người Chiêm Thành đã đến quần đảo Hoàng Sa”. Học giả Oa Đằng đi đến khẳng định: “Nếu lấy ghi chép trong sử liệu làm chuẩn, người Chiêm Thành phát hiện ra Hoàng Sa sớm nhất, vương quốc Champa là một bộ phận của Việt Nam ngày nay. Xét về quan hệ kế thừa chủ quyền, chính người Việt Nam chứ không phải Trung Quốc đã phát hiện ra quần đảo Hoàng Sa đầu tiên”.

Bản đồ của Đỗ Bá (bên trái, có 3 chữ Nôm Bãi Cát Vàng ở phía dưới) và bản đồ đường qua xứ Quảng Nam đời Lê theo Thiên Nam lộ đồ vẽ lại năm 1741 có vẽ Bãi Cát Vàng kéo dài từ cửa Đại Chiêm đến cửa Sa Kỳ (bản sao chép của Dumoutier, có chú thêm chữ Quốc ngữ).
Bản đồ của Đỗ Bá (bên trái, có 3 chữ Nôm Bãi Cát Vàng ở phía dưới) và bản đồ đường qua xứ Quảng Nam đời Lê theo Thiên Nam lộ đồ vẽ lại năm 1741 có vẽ Bãi Cát Vàng kéo dài từ cửa Đại Chiêm đến cửa Sa Kỳ (bản sao chép của Dumoutier, có chú thêm chữ Quốc ngữ).

Đọc hồi ký của các nhà hàng hải phương Tây chúng ta cũng thấy họ khẳng định Paracel hay Pracel vốn thuộc vương quốc Champa. Bản đồ Đông Nam Á do người phương Tây vẽ năm 1606, Pracel được ghi thuộc Champa tại vị trí trong đất liền giữa Cinoa (Thuận Hóa) và Champa là Cofta de Pracel (bằng tiếng Latin). Trong bản đồ do Jean-Baptiste Nolin vẽ năm 1687, quần đảo này được ghi chú là “Baixos de Chapar ou de Pulls Scir”, tức là Bãi cát Chămpa (bãi đá ngầm), nằm trong vịnh Cochinchine (Golfe de la Cochin Chine). Một số nhà hàng hải phương Tây về sau cũng căn cứ vào sự xác định này để ghi chú cho bản đồ hàng hải mình vẽ, như bản đồ châu Á I’ Asia do Homann Heirs vẽ năm 1744, quần đảo Hoàng Sa (bao gồm cả Trường Sa) được ghi chú I’Ciampa (viết tắt của chữ Islands Ciampa, nghĩa là “quần đảo thuộc Champa”.

Trong tiến trình lịch sử Việt Nam, năm 1306 đánh dấu vùng đất phía bắc sông Thu Bồn hiện nay, nguyên là đất thuộc châu Lý của vương quốc Champa, được vua Chế Mân lấy làm quà sính lễ cưới công chúa Huyền Trân, lần đầu tiên được sáp nhập vào quốc gia Đại Việt, đổi tên thành Thuận Châu. Đến năm 1401 thời Hồ Quý Ly mới mở rộng vào đến huyện Tư Nghĩa của tỉnh Quảng Ngãi hiện nay. Đến năm 1471, với cuộc nam chinh của vua Lê Thánh Tông, biên giới của quốc gia Đại Việt trên thực tế đã đến tận đèo Cù Mông phía nam tỉnh Bình Định hiện nay. Nhà vua lấy phần đất từ phía nam sông Thu Bồn trở vào đặt thành thừa tuyên thứ 13 của quốc gia Đại Việt với tên gọi Quảng Nam. Tên gọi Quảng Nam chính thức ra đời và gắn với một đơn vị hành chính như cấp tỉnh bây giờ, kể từ đây. Và cũng từ đây, Bãi Cát Vàng - tên gọi Nôm, hay Hoàng Sa theo cách gọi Hán Việt, và Paracel, Pracel, Paracelso, theo cách gọi của người phương Tây bấy giờ, hay Thạc Thạch Đường theo cách viết trong sách cổ của người Trung Quốc thời nhà Tống, cũng được người Việt tiếp quản từ người Chăm và cho thuộc vào Thừa tuyên Quảng Nam. Nói rộng ra, Bãi Cát Vàng kéo dài mấy mươi dặm giữa biển Đông được quốc gia Đại Việt kế thừa từ chủ quyền của vương quốc Champa cũng kể từ đó.

Triển lãm bản đồ và tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” do Bộ Thông tin và truyền thông tổ chức mới đây tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Nam cho thấy quá trình xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong đó có các châu bản triều Nguyễn (từ triều Gia Long đến triều Bảo Đại) ban hành liên quan trực tiếp đến vấn đề khai thác, quản lý, xác lập và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đặc biệt, 4 cuốn atlas do nhà Thanh và chính phủ Trung Hoa Dân quốc xuất bản gồm: Trung Quốc địa đồ (xuất bản năm 1908), Trung Quốc toàn đồ (xuất bản năm 1917), Trung Hoa bưu chính dư đồ (xuất bản năm 1919) và Trung Hoa bưu chính dư đồ (xuất bản năm 1933) càng khẳng định rằng, cho đến khi nhà Thanh phát hành các atlas này vào năm 1908 và sau này chính quyền Trung Hoa Dân quốc tái bản vào các năm 1917, 1919 và 1933, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm ngoài “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc.

Chính phần thứ ba của Hồng Đức bản đồ (Hồng Đức là niên hiệu của vua Lê Thánh Tông từ 1460 - 1497) đã ghi chép những thông tin về Bãi Cát Vàng (chữ Nôm, tức quần đảo Hoàng Sa) để về sau Đỗ Bá mới trên cơ sở đó mà đưa vào “Toản tập An Nam lộ” hoàn thành vào niên hiệu Chính Hòa thứ bảy (1686). Trong đó Đỗ Bá đã vẽ Bãi Cát Vàng và chú thích khá cụ thể về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của quần đảo này, cũng như chủ quyền của chúa Nguyễn được xác lập ở đó. Phần chú chữ Nôm của Đỗ Bá trên trang bản đồ phủ Thăng Hoa và phủ Quảng Ngãi có đoạn: “Bãi Cát Vàng phỏng dài 400 dặm, rộng 20 dặm, ở giữa biển khoảng từ cửa biển Đại Chiêm [tức Cửa Đại - Hội An] kéo đến cửa Quyết Mông. Gió tây nam thuyền đi phía trong sẽ dạt lại đó. Gió đông bắc mà thuyền đi cũng bị tắc lại đấy, đều bị chết đói, của cải phải bỏ lại. Mỗi năm đến tháng cuối đông [chúa Nguyễn] đưa 18 chiếc thuyền đến đó nhặt vàng bạc…”.

Do Hoàng Sa nằm án ngữ trên con đường biển ngang qua Quảng Nam của Đại Việt nên nhà sư Thích Đại Sán (Trung Quốc) đã từng theo thuyền ngang qua đây để đến Hội An nhằm thực hiện công cuộc hoằng dương Phật giáo cho xứ Đàng Trong theo lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu, đã ghi chép lại trong sách Hải ngoại kỷ sự như sau: “Cách Đại Việt 7 ngày đường, chừng bảy trăm dặm. Thời Quốc vương trước [tức chúa Nguyễn], hằng năm sai thuyền đánh cá đi dọc theo bờ bãi cát, lượm vàng bạc khí cụ các thuyền hư tấp vào”.

Sách “Giao châu dư địa chí” biên soạn vào thời Lê, ở tờ bản đồ Quảng Nam tam phủ cửu huyện có ghi 3 chữ “Bãi Sa Vàng”, có chỗ ghi “Cát Vàng xứ”, hoặc “xứ Cát Vàng”, lại có chỗ ghi “Hoàng Sa môn”. Sách “Giao Châu dư địa đồ” biên soạn thời Lê, phần trước bản đồ Quảng Nam tam phủ cửu huyện cũng có vẽ Bãi Cát Vàng.

Như vậy, những tư liệu Hán Nôm trên cho biết quần đảo Hoàng Sa đã nằm trong “sổ đỏ” của đơn vị hành chính thừa tuyên Quảng Nam cả một thời gian dài cho đến khi Nguyễn Ánh cắt riêng hai phủ Thăng Hoa và Điện Bàn đặt làm dinh Quảng Nam vào năm 1801 thì nó mới thuộc về dinh Quảng Ngãi. Nhưng rồi về sau Hoàng Sa lại được chuyển về trong “sổ đỏ” của tỉnh Quảng Nam một lần nữa trong khoảng thời gian từ năm 1961 cho đến hết năm 1996, để rồi chuyển sang TP.Đà Nẵng kể từ ngày 1.1.1997 cho đến nay. Những con người xứ Quảng - cả lúc còn là thừa tuyên Quảng Nam cũng như cho đến khi đã là tỉnh Quảng Nam, và cả hiện nay đã gắn bó với vùng biển đảo này không chỉ khai thác hải sản mà còn trong công vụ bảo vệ chủ quyền mà chúng tôi sẽ có dịp giới thiệu với quý độc giả một số sắc phong của triều đình cho thấy điều đó.

PGS-TS. NGÔ VĂN MINH

PGS-TS. NGÔ VĂN MINH