Sau 5 năm đưa dân ca vào giảng dạy trong nhà trường: Kết quả chưa như mong đợi

XA VĂN HÙNG 07/09/2014 07:28

Dân ca xứ Quảng là tiếng mẹ ru - câu đồng dao thuở ấu thơ, giọng hò, điệu lý thấm đượm tình đời, được thể hiện bằng giai điệu mượt mà, lời ca sâu lắng, miên man, chất chứa nghĩa tình mộc mạc chân quê... tất thảy đã nuôi dưỡng biết bao thế hệ ở mảnh đất "chưa mưa đà thấm".

Học sinh tham gia hội thi hát múa dân ca.
Học sinh tham gia hội thi hát múa dân ca.

Dân ca xứ Quảng - một bộ phận cấu thành âm nhạc dân gian Quảng Nam, chứa đựng sâu sắc tâm tư, tình cảm, ước mơ hướng đến các giá trị cao quý của cuộc sống; xác lập những sắc thái riêng của một địa bàn cư dân giàu năng lực, có tính cách mạnh mẽ và đầy khát vọng luôn vươn tới những chân trời hạnh phúc. Được kết nối từ quá khứ đến tương lai một vẻ đẹp nội sinh, dân ca gìn giữ những giá trị văn hóa tinh thần của cha ông xưa từng nâng niu, bảo vệ. Mọi điều xảy ra trong xã hội, kể cả những trò chơi trẻ con đều có thể hát/kể đến các loại hình hát lúc làm việc, hát đối đáp… thành vè để truyền tụng dưới lũy tre làng, dưới bóng cây cổ thụ, dưới ánh trăng trên một sân đình cổ kính, với số lượng thính giả đông hoặc là một vài người, được truyền miệng từ đời này qua đời khác, giao thoa từ vùng miền này qua vùng miền khác, đã hình thành một loại hình âm nhạc dân gian thật cụ thể, sống động, gần gũi, khó quên.

Chính từ giai điệu âm nhạc dân gian bình dị đã nảy sinh những sự biến đổi mối quan hệ giữa con người trong xã hội. Từ những câu hát “kiến tại” thông qua những làn điệu hò khoan giữa những câu “trống - mái” trong những đêm trăng sáng: giã vôi, giã gạo, tát nước, đập lúa, hò chèo thuyền… của những nam thanh nữ tú để trở thành những cuộc tình duyên đầy hứa hẹn. Điều đặc biệt là tác giả làm nên những bài hát, những làn điệu dân ca Quảng Nam chính là những người dân lao động; họ đã sáng tác gắn liền với đời sống hàng ngày của người dân quê.

Trước xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu, dân ca xứ Quảng đã và đang có nguy cơ “bị làm mờ” bởi những luồng văn hóa ngoại lai, làm phai nhạt các giá trị tinh thần mang đặc trưng dân tộc cũng như mất dần chỗ đứng trong tâm thức người dân, hoặc biến thể, không còn giữ được giá trị nguyên gốc của nó. Năm 2009, Bộ VH-TT&DL đã có quyết định đưa dân ca vào giảng dạy trong nhà trường và chọn Quảng Nam làm thí điểm, với mục đích giúp các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh nâng cao vốn hiểu biết về hát dân ca, duy trì các bài hát dân ca, tạo nên một sức sống mới nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn bản sắc âm nhạc của dân tộc. Trong năm học 2009 - 2010, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện chủ trương này tại 4 trường THCS ở các huyện Thăng Bình (Trường Ngô Quyền, xã Bình Triều), Đại Lộc (Trường Trần Phú, xã Đại Hiệp), TP.Tam Kỳ (Trường Lê Lợi), và TP.Hội An (Trường Huỳnh Thị Lựu) học môn dân ca với các làn điệu của địa phương như bài chòi, hò ru con, vè Quảng và các điệu hò, điệu lý đặc trưng của xứ Quảng.

Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, qua thực tế khảo sát học sinh tại 4 trường THCS nêu trên, hầu như các trường đều tổ chức giảng dạy khá tốt. Từ kết quả và hiệu quả thực tiễn cho thấy chủ trương đưa âm nhạc dân ca dân gian Quảng Nam vào  giảng dạy trong nhà trường THCS được học sinh đón nhận một cách khá thích thú. Tuy nhiên, so với việc đầu tư thì hiệu quả đạt được còn ở mức độ khiêm tốn, chất lượng của phong trào mới chỉ dừng lại ở hoạt động bề nổi; còn về chiều sâu, chưa tạo ra được chuyển biến thực sự trong nhận thức, tình cảm và kỹ năng của học sinh về học hát dân ca. Có trường triển khai một cách chiếu lệ, hình thức để học sinh và giáo viên giải trí là chính. Các tiết mục hát dân ca Quảng Nam được lồng ghép trong chương trình văn nghệ nhằm bổ trợ cho nội dung để đi thi hoặc biểu diễn vào những ngày lễ hội. Hiệu quả dạy và học đến đâu, học sinh hiểu biết dân ca, yêu dân ca và biết hát dân ca đến mức độ nào chưa được các trường quan tâm đúng mức. Đó là chưa kể những trường hợp sử dụng những tập dân ca có nội dung chưa thật sự phù hợp để giảng dạy cho học sinh. Qua phản ánh của một số giáo viên dạy nhạc, thời gian học âm nhạc dành cho các trường quá ít. Đặc biệt, công tác dạy và học dân ca Quảng Nam không có trong chương trình chính khóa, nên giáo viên âm nhạc bị động trong việc bố trí thời gian. Thậm chí, giáo trình dạy dân ca Quảng Nam cũng như các phương tiện, nhạc cụ cần thiết để dạy dân ca hầu như không có, nên các giáo viên đều phải tự tìm tòi, mò mẫm, dẫn đến tình trạng dạy chay, hát chay là phổ biến.

Hiện nay, bên cạnh nhiều yếu tố âm nhạc dân gian cổ truyền được bảo lưu, nhiều yếu tố âm nhạc mới đã và đang thâm nhập nhanh chóng vào từng con người, gia đình, học đường, cộng đồng nên vấn đề đặt ra trong giai đoạn này là có nên “chuẩn hóa” các giá trị văn hóa dân gian để đưa vào giảng dạy hay là để tự nó phát triển tự nhiên? Vì vậy, các ngành chủ quản cùng với các cơ quan liên quan cần có sự đánh giá, tổng kết nhìn nhận về kết quả triển khai phong trào đưa dân ca vào trường học trong thời gian qua với tinh thần mạnh dạn nhìn thẳng vào sự thật, cùng trao đổi, bàn bạc để tìm ra những giải pháp khả thi có hiệu quả tốt nhất.

Thời gian gần đây, Bộ GD&ĐT đã có giải pháp cho vấn đề này, với chủ trương đưa văn hóa dân gian vào trường học nhằm góp phần bảo tồn phát huy vốn văn hóa dân tộc. Tiếp tục đưa các bài hát dân ca vào nhà trường đạt hiệu quả là việc làm có ý nghĩa quan trọng và cần thiết trong việc trao truyền cho thế hệ tương lai vốn âm nhạc dân gian cũng như tình yêu và trách nhiệm nhằm bảo tồn và phát huy để dân ca Quảng Nam hay nhất, đúng đắn nhất đối với di sản văn hóa của quê hương. Tuy nhiên, để hoạt động này thực sự mang lại hiệu quả là điều không dễ. Trước hết, cần phải có những giải pháp mang tính thực tiễn, khả thi và gắn kết, phối hợp đồng bộ nhằm tạo sự đồng thuận giữa các ngành chức năng và toàn xã hội. Cần phải có phương thức vận dụng cho thật tốt, thật phù hợp trong việc đưa loại hình âm nhạc dân tộc - hát dân ca xứ Quảng vào học đường để giảng dạy cho học sinh phổ thông hiểu được, diễn được và yêu thích âm nhạc dân tộc truyền thống. Qua đó, làm thế nào để các em học sinh sau khi tham gia sân khấu học đường sẽ là những người bảo vệ, quảng bá âm nhạc dân ca Quảng Nam; đồng thời cũng là khán giả tích cực của loại hình âm nhạc dân gian truyền thống này.

Về việc dạy - học âm nhạc dân ca Quảng Nam cần nghiên cứu cách “tích hợp” (lồng ghép). Cách làm này, nếu không khéo sẽ trở nên nhàm chán đối với học sinh, nhất là khi chương trình đào tạo đang được coi là “quá tải”. Thiết nghĩ công tác nghiên cứu, tìm hiểu, sưu tầm, giới thiệu cũng như công việc biên soạn tài liệu sáng tác mới những bài hát, lời ca mới mang âm hưởng âm nhạc truyền thống phục vụ cho công tác giảng dạy cần mang tính “khoa giáo”. Điều này giúp các đơn vị trường học chủ động trong việc đổi mới các hoạt động không bị lặp lại nhàm chán; tạo thế chủ động trong tiếp nhận, kích thích được sự sáng tạo của cả thầy lẫn trò, đảm bảo tính linh hoạt của âm nhạc dân gian - dân ca Quảng Nam khi đưa vào giảng dạy trong nhà trường.

XA VĂN HÙNG

XA VĂN HÙNG