Indonesia - nền kinh tế lớn nhất ASEAN
(QNO) - Indonesia tiếp tục giữ vững vị thế của nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á (ASEAN), theo báo cáo mới nhất của Ban thư ký ASEAN.
Lao động giá rẻ và thị trường tiêu thụ dồi dào giúp Indonesia thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Tribunnews |
Số liệu thống kê về thành tựu kinh tế của ASEAN năm 2013 của Ban thư ký ASEAN cho biết, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của toàn ASEAN tăng lên 2.400 tỷ USD, từ mức 2.300 tỷ USD của năm 2012, trong đó GDP của Indonesia đạt cao nhất, với 863 tỷ USD. Đáng chú ý, GDP bình quân đầu người trong khu vực tăng từ 3.761 USD lên 3.837 USD và đứng đầu khối là Singapore với 55.183 USD, tiếp theo là Brunei với 39.677 USD.
Bất chấp nhiều nước, trong đó có các nền kinh tế lớn gặp nhiều khó khăn và chao đảo trong bối cảnh hệ lụy của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Indonesia vẫn được đánh giá là nền kinh tế phát triển và năng động nhất khu vực. Các chuyên gia kinh tế lý giải, kinh tế Indonesia đã phát triển vượt bậc trong suốt nhiều năm qua một phần nhờ vào tỷ lệ dân số đông nhất khu vực với gần 250 triệu người và tầng lớp trung lưu phát triển rất nhanh, nguồn nhân công dồi dào và giá rẻ, thị trường tiêu thụ rộng lớn.
Ngoài ra, Indonesia đang đẩy mạnh sản xuất nội địa, hạn chế xuất khẩu và trải thảm đỏ thu hút đầu tư nước ngoài Indonesia. Chính phủ Indonesia nỗ lực thực hiện hiện đại hóa các ngành công nghiệp dầu mỏ, khai khoáng và khí đốt. Với những thế mạnh như vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Indonesia sẽ lọt vào danh sách top 10 những nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030.
Dù phải đối mặt khó khăn và thách thức nhưng với ưu thế của một khu vực có dân số trẻ, giá nhân công thấp, sức tiêu dùng cao... nhiều nước thành viên ASEAN hiện trở thành điểm đến ưu tiên của nhà đầu tư nước ngoài. Về tổng quan, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ASEAN tăng từ 114 tỷ USD năm 2012 lên 122 tỷ USD năm 2013. Cũng theo số liệu báo cáo của Ban thư ký ASEAN, giai đoạn 2011-2013, ASEAN nhận được FDI nhiều nhất từ EU và Nhật Bản, chiếm gần 40% tổng vốn FDI của ASEAN.
Tuy nhiên, trong báo cáo triển vọng kinh tế 2014 được công bố trong tháng 7 vừa qua, Ngân hàng phát triển châu Á hạ thấp dự báo về tăng trưởng kinh tế khu vực ASEAN năm 2014 từ mức dự đoán tăng 5% đưa ra hồi tháng 4 xuống 4,7%, do diễn biến chính trị phức tạp tại một số quốc gia, cũng như nhu cầu nhập khẩu từ ngoài khu vực giảm. Nhất là vào quý I.2014, tăng trưởng kinh tế Indonesia chậm lại ở mức 5,2%, trong bối cảnh giá cả hàng hóa toàn cầu tụt thấp và các lệnh cấm xuất khẩu tạm thời đối với một số mặt hàng khoáng sản khiến hoạt động xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nề.
Dẫu vậy, với sự ra đời của Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015, theo kế hoạch mà khối ASEAN đề ra, được dự báo có thể tạo thêm được 14 triệu việc làm mới và thúc đẩy nhịp độ tăng trưởng hằng năm của khu vực ASEAN lên 7,1% vào năm 2025. Khối ASEAN đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu kế hoạch và hy vọng đón nhận nhiều tín hiệu lạc quan cho kinh tế khu vực.
QUỐC HƯNG