Mùa trăng tháng Tám

TÂM AN 05/09/2014 10:39

Chúng tôi mang những món quà trung thu góp nhặt từ tấm lòng của rất nhiều người lên xã Trà Cang (Nam Trà My) khi trăng tháng Tám còn lấp ló đợi ngày tròn. Trăng trên núi dường như gần và sáng hơn. Niềm vui được đón Tết Trung thu sớm của các em khiến chúng tôi xúc động.
Thầy giáo Nguyễn Khắc Điệp - Hiệu trưởng Trường THCS nội trú Trà Cang nói miền núi buổi chiều hay có mưa, vậy nhưng các em học sinh khi nghe tin sẽ có “Đêm hội trăng rằm” thì háo hức lắm, rủ nhau đi kiếm củi khô đốt lửa cho đêm hội. Ngay cả bản thân thầy cũng cảm thấy hồi hộp không khác gì học trò. Ngày nghỉ lễ, thầy cứ không yên tâm phải lên trường sớm để chuẩn bị. Gần 7 giờ tối, xe quà Tết Trung thu cùng đoàn múa lân của chúng tôi mới vừa tới cổng trường sau một đoạn đường dài oằn mình leo dốc. Theo thầy Nguyễn Khắc Điệp, toàn trường có tổng cộng 339 em học sinh. Nhưng số lượng học sinh đang chờ đợi trong sân trường hình như… đông hơn rất nhiều. Hỏi mới biết do các em học sinh tiểu học nội trú ở gần đó hay tin cũng theo anh chị đến trường vui Tết Trung thu. Vậy là “Đêm hội trăng rằm” trở thành dạ hội chung cho cả làng khi phụ huynh nghe nói có Tết Trung thu cũng đến trường chung vui. Quà chúng tôi mang lên lần này còn có đầy đủ bộ lân để phục vụ cho trẻ nhỏ. Đối với trẻ em miền núi, được xem múa lân và cùng vui hội múa lân thực sự là món quà đến từ cung trăng. Các thầy cô giáo nói, rất hiếm khi trẻ em ở miền núi Nam Trà My được biết đến múa lân là gì, có lẽ đây chỉ là lần thứ 2 các em được tham gia lễ hội múa lân ở trường. Chưa tới phần nhận quà bánh, ai cũng giơ tay đăng ký được làm thành viên của đội lân sư. Đứa múa đầu, đứa múa đuôi, không phân biệt nam nữ, chỉ có tiếng cười giòn tan khi thầy tổng phụ trách hô bắt đầu đêm hội múa lân. Mượn trống trường cất lên hồi trống giục, bộ lân sư gồm hai con lân lớn, hai lân con cùng đoàn “tùy tùng” soi đuốc bắt đầu tiến về sân chính. Em Hồ Văn Xuyên (lớp 9/1) năm nay thích thú trong vai ông Địa bụng tròn. Nhưng Xuyên lại lóng ngóng với cách dùng quạt ba tiêu gọi lân chạy theo mình cùng bộ trang phục dành riêng cho ông Địa. Thế nên thỉnh thoảng Xuyên lại hé mặt nạ để hỏi ý kiến bạn bè. Xuyên nói: “Năm ngoái em cũng làm ông Địa nhưng không được mặc bộ đồ này. Bây giờ vui hơn vì lân nhiều hơn, bánh kẹo cũng nhiều hơn nên làm ông Địa rất vui”. Cùng với hội lân, những chiếc đèn ông sao do chính các em học sinh miền núi Trà Cang làm cũng được “triển lãm” dưới ánh sáng của trăng và lửa hội. Điện tắt, chỉ có ánh sáng của trăng, ánh lửa đêm hội và ánh mắt trong veo thích thú như những vì sao sáng của các em học sinh ở xã Trà Cang. Thầy giáo Nguyễn Khắc Điệp nói: “Nhà trường luôn cố gắng tạo mọi điều kiện để các em học sinh miền núi được hưởng không khí ấm áp của Tết Trung thu. Với các em, những đêm như thế này thực sự đáng quý. Vì trẻ em nào cũng như nhau, nên số lượng học sinh tham gia mới vượt nhiều hơn so với dự kiến”.

Say sưa xem múa lân.
Say sưa xem múa lân.

Chỉ toàn kẹo bánh nhưng thực sự là cái tết đối với trẻ em. Và cả người lớn cũng thấy mình trẻ thơ khi vui cùng đêm hội. Bánh trung thu thơm ngon được chia nhiều phần, một suất quà được tự mỗi em chia nhỏ để san sẻ với người bạn bên cạnh. Ông Nguyễn Đỗ Trí - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Cang phát biểu: “Đáng quý nhất giành cho trẻ em miền núi không phải là quà, bánh kẹo mà là không khí được sống trong cái tết thực sự của trẻ em. Ngay cả người lớn chúng ta, Tết Trung thu chưa bao giờ hết mới lạ”.

 “Triển lãm” đèn ông sao do chính các em học sinh làm. Ảnh: T.A
“Triển lãm” đèn ông sao do chính các em học sinh làm. Ảnh: T.A

Trong “Đêm hội trăng rằm” ở Trường THCS nội trú xã Trà Cang, điều làm chúng tôi xúc động là sự có mặt của các em nhỏ mồ côi trong bài viết “Bốn đứa trẻ Xê Đăng mồ côi” đăng trên Báo Quảng Nam số thứ Sáu ngày 22.8.2014 mục Địa chỉ từ thiện. Ngoài những phần hỗ trợ từ bạn đọc, những nhà hảo tâm, các thầy cô giáo của nhà trường gần như “cưu mang” các em trước cảnh mất cha, mất mẹ. “Thông qua kênh từ thiện xã hội của Báo Quảng Nam cùng các mạnh thường quân, nhà hảo tâm khác, chúng tôi làm cho các em một sổ tiết kiệm cho đến khi các em 18 tuổi. Hoặc nếu vận động đủ số tiền sẽ xây lại nhà cho ông bà nội và các cháu hiện nay đã gần như rách nát” - thầy Điệp cho biết”. Em Hồ Thị Vong - chị lớn nhất trong 4 chị em mồ côi năm nay chỉ mới 10 tuổi. Cùng các bạn tham gia “Đêm hội trăng rằm”, nhận một phần quà là bánh trung thu, Vong nói sẽ mang về nhà dành cho các em nhỏ, còn Vong thấy rất vui vì được tham gia múa lân cùng bạn bè, các anh chị ở trường.

Cùng nhảy theo điệu nhạc quanh đống lửa giữa sân trường, chúng tôi thấy mình như trẻ nhỏ đợi mỗi mùa trăng tháng Tám về để vui hội Trung thu. Trăng ở núi lên cao và sáng tỏ. Những đốm lửa vẫn còn bập bùng theo tiếng cười rộn rã.

TÂM AN

TÂM AN