Nét đẹp của tục giữ rừng

TRẦN HỮU 05/09/2014 09:17

Ở miền núi, trung du trong tỉnh, nhiều nơi vẫn còn giữ được phong tục bảo vệ rừng nghiêm ngặt với sự đa đạng hệ sinh học rừng rất cao, trở thành “chỗ dựa tinh thần” cho người dân bản địa.

Rừng thiêng

Những tia nắng không thể xuyên qua dưới các tàn cây rậm rạp khi chúng tôi lọt thỏm trong rừng Miếu Cấm (thuộc thôn Nghi Sơn, xã Quế Hiệp, Quế Sơn). Nếu không có người dân địa phương chỉ đường, không dễ gì len lách vào được rừng. Thảm thực vật nơi đây rất phong phú với vô số cây cổ thụ quý ôm một vòng tay không xuể. Từ lâu, dân làng bảo vệ rừng bằng những quy định ghi rõ trong hương ước như tuyệt đối không chặt phá cây lấy gỗ; nếu bị phát hiện sẽ xử phạt nặng. Thời chiến, Miếu Cấm là khu “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, bom đạn hủy diệt nhiều cây. Tuy nhiên, sau ngày giải phóng, khu rừng đã bắt đầu hồi sinh mạnh mẽ. Hương ước của làng Nghi Sơn quy định: cấm cư dân trong làng vào rừng chặt củi đốt lấy than. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt. Nhẹ thì cảnh cáo, nặng thì đòn roi, nghiêm trọng hơn thì đuổi ra khỏi làng. Ngoài ý thức giữ rừng, bây giờ làng Nghi Sơn còn nổi tiếng trong việc phủ xanh đồi trọc bằng những dự án trồng rừng. Theo chính quyền xã Quế Hiệp, dù rừng Miếu Cấm chỉ rộng khoảng 10ha nhưng lại rất có giá trị với người dân, vì rừng giữ được nguồn nước. Toàn bộ gần 50ha lúa bậc thang trên địa bàn thôn phụ thuộc hoàn toàn nước trời, nhưng sản xuất nông nghiệp ổn định, nhiều gia đình khá giả. Trong vòng mấy chục năm nay, Miếu Cấm không xảy ra một vụ phá rừng nào, ngay cả các lâm tặc khét tiếng cũng không dám lui tới nơi cấm kỵ này.

Cán bộ kiểm lâm đi tuần tra rừng. Ảnh: T.H
Cán bộ kiểm lâm đi tuần tra rừng. Ảnh: T.H

Ngược lên vùng cao Tây Giang, nhiều người vô cùng thích thú trước cánh rừng pơmu cổ thụ tuyệt đẹp. Dù người Cơ Tu không có hương ước cụ thể, nhưng những nguyên tắc giữ rừng đã truyền nhau qua nhiều thế hệ. Theo thống kê, Tây Giang có 51.000ha rừng, trong đó có gần 300ha rừng pơmu cổ thụ với trên 1.000 cây quý hiếm. Đặc biệt, cây có đường kính từ 1 - 2,5m, cao từ 30 - 40m khá phổ biến; cây đã được đánh số thứ tự để bảo vệ. Cánh rừng pơmu trùng điệp nhất tập trung ở thôn Ganil (thuộc xã AXan, Tây Giang), gần như bảo tồn nguyên vẹn rừng nguyên sinh. Vì gỗ pơmu nằm trong nhóm quý hiếm, nên lâm tặc luôn tìm cách triệt hạ. Vì vậy, thời gian qua, chính quyền huyện Tây Giang dựng lán trại ngay trong rừng và thành lập tổ bảo vệ rừng thôn Ganil với 29 thành viên. Hàng tuần, kiểm lâm địa bàn phối hợp với tổ bảo vệ rừng cơ sở tuần tra, kiểm tra. Theo ông Từ Văn Khánh, Trưởng phòng Quản lý - bảo vệ rừng (thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh), cánh rừng pơmu nhiều năm qua ít bị tàn phá là do ý thức bảo vệ đã ngấm sâu vào máu thịt của đồng bào Cơ Tu. Những năm gần đây, nhờ nhân rộng các mô hình phát triển lúa nước nên người dân không còn phá rừng, khai thác gỗ bừa bãi để làm rẫy.

Tục giữ rừng

Theo ông Phan Tuấn – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, công tác bảo tồn đa dạng sinh học rừng có hiệu quả hay không phụ thuộc rất lớn vào ý thức của cộng đồng dân cư và sự quan tâm của chính quyền sở tại. Do vậy, khi tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng, cán bộ kiểm lâm phải hiểu rõ văn hóa bản địa; trong đó kêu gọi đồng bào phát huy các tập quán tốt đẹp về giữ rừng truyền thống và tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.

Trước đây, người Cơ Tu quan niệm giữ rừng rất cụ thể: mỗi khoảnh, mỗi con suối đều có chủ riêng để quản lý, khai thác, săn bắt. Luật tục Cơ Tu cấm đốt phá rừng đầu nguồn, vì với họ rừng đầu nguồn là mạch nguồn nuôi sống con người, nếu phá thì trong làng dễ xảy ra dịch bệnh. Do vậy, ai phá rừng đầu nguồn phải chịu một khoản chi phí cho làng cúng. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, trước khi phát rừng làm nương rẫy, người Cơ Tu thường chọn ngày lành tháng tốt để cúng xin thần rừng. Họ đến địa điểm dự định chọn phát rẫy và mang theo một con gà trống hoặc một quả trứng, rồi làm lễ cúng xin thần đất thần rừng cho gia chủ được phát rẫy trong năm đó với diện tích, vị trí nhất định. Những người từ nơi khác đến, luật bất thành văn là… “mua” rừng.

Nhiều ngôi làng ở vùng cao còn quan niệm, sở hữu đất và rừng của cộng đồng người Cơ Tu được xác lập theo cơ chế tự quản, được các cộng đồng lân cận khác thừa nhận. Theo ông Đỗ Tài – Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, khi Nhà nước tính toán việc chia rừng cho đồng bào giữ, nguyên tắc nhất quán phải tôn trọng ý kiến của già làng, dựa theo tập quán thói quen “làm chủ” rừng trước đây của họ. Vị trí, ranh giới, cột mốc được giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho người dân phải được xác định rõ ràng. Hiện nay, một số nơi, người Cơ Tu vẫn còn giữ gìn tập quán giữ rừng truyền thống. Thực tế, nơi nào còn giữ được những quy định nghiêm ngặt về khai thác, bảo vệ, quản lý thì nơi đó còn nguyên vẹn những khu rừng nguyên sinh và phát triển tốt vốn rừng.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU