(QNO) - Từ khi có ánh sáng của cách mạng, có Đảng và Bác Hồ lãnh đạo, người Bh’noong tại Quảng Nam đã đứng lên cùng các dân tộc anh em một lòng đi theo Đảng đấu tranh giành lại độc lập cho Tổ quốc. Trong quá trình đó, người Bh’noong vinh dự lấy họ Hồ làm họ của mình. Đối với đồng bào Bh’noong, được mang họ của Bác Hồ kính yêu là một niềm tự hào và là tài sản tinh thần quý báu của cả cộng đồng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.Là một nhánh của người dân tộc thiểu số Gié Triêng, người Bh’noong tại tỉnh Quảng Nam sống chủ yếu tập trung ở huyện Phước Sơn. Trước đây, người Bh’noong không có họ mà chỉ có quy ước nếu là con trai sẽ gọi thêm chữ đầu là “A”, còn con gái sẽ gọi thêm chữ đầu là “Y”.
Đồng bào Bh’noong giã gạo chuẩn bị ăn Tết rẫy. Ảnh: Gia Ly
Huyện Phước Sơn có 12 xã và thị trấn với dân số hơn 24.590 người gồm nhiều thành phần dân tộc khác nhau cùng chung sống; trong đó người Bh’noong chiếm khoảng 65% dân số toàn huyện. Tới thăm các thôn bản của người Bh’noong ở huyện Phước Sơn trong dịp Quốc khánh năm nay, đâu đâu cũng thấy rực rỡ cờ đỏ sao vàng treo trang trọng trên những cây cột cao trước những ngôi nhà của người dân nơi đây.Chúng tôi tìm đến nhà ông Hồ Văn Nhun, 69 tuổi, một trong những người con ưu tú của đồng bào Bh’noong- người đầu tiên mang họ Hồ. Ông Nhun cho biết, khi còn niên thiếu, ông đã tham gia hoạt động cách mạng làm liên lạc cho cán bộ nằm vùng và đã từng được nhìn thấy ảnh của Bác Hồ. Năm 1960 khi 15 tuổi, ông được cử ra Thủ đô Hà Nội học tại Trường Văn hóa dân tộc Trung ương. Hai năm sau, ông Nhun cùng những học sinh miền Nam được tới Quảng trường Nhà Hát lớn trong dịp Tết Trung thu và bất ngờ được gặp Bác Hồ, được Bác hỏi thăm và phát kẹo. Lần đầu tiên được gặp Bác, ông rất hồi hộp, cảm động và cảm thấy Bác rất gần gũi như người cha, già làng của mình. Trong quá trình học tập 6 năm ở Hà Nội, ông còn có dịp gặp lại Người khi Bác tới thăm Trường Văn hóa dân tộc Trung ương.Hai lần được gặp Bác là một niềm tự hào rất lớn đối với chàng trai người Bh’noong. Năm 1965, ông Hồ Văn Nhun được phân công về làm công tác đoàn thanh niên vùng Quảng Đà. Khi trở về quê hương công tác, chàng thanh niên Hồ Văn Nhun đã kể cho đồng bào mình nghe về Bác Hồ, về tình cảm của Bác đối với đồng bào các dân tộc thiểu số. Và theo lời mách bảo của trái tim, ông đã quyết định lấy họ Hồ là họ của mình với tên đầy đủ là Hồ Văn Nhun.Là cán bộ Đoàn khi xuống thôn bản để dạy chữ và xây dựng phong trào thanh niên, bà con ở các thôn bản khi ấy rất ngạc nhiên vì ông Nhun có họ Hồ. Khi ông giải thích về ý nghĩa của họ mình, bà con đồng bào Bh’noong ai cũng muốn được mang họ Hồ như ông, nhất là khi bà con ở đây đã biết đọc, biết viết.Đối với đồng bào Bh’noong ở Phước Sơn, việc được mang họ Hồ là một vinh dự rất lớn. Già làng Hồ Văn Ngòi, ở thôn 4B, xã Phước Thành, huyện Phước Sơn cho biết: Bà con ở đây đi đâu cũng tự hào vì mình mang họ của Bác Hồ. Nhờ có Đảng, có Bác Hồ mà đất nước mới được độc lập, tự do, các dân tộc anh em đoàn kết một lòng, thương yêu nhau. Ngày nay, bà con mình một lòng đi theo Đảng, theo cách mạng để cùng nhau xây dựng quê hương, bản làng ngày càng ấm no xứng đáng là người Bh’noong mang họ Hồ.Những thế hệ trẻ người Bh’noong hôm nay đang được những thế hệ đi trước bồi đắp và truyền lại niềm tự hào về dòng họ Hồ của dân tộc mình. Em Hồ Thị Thủy Yên, học sinh lớp 9/2, Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Phước Sơn cho biết: Ngay từ khi còn nhỏ, chúng em đã được ông bà kể những câu chuyện về Bác Hồ, về dòng họ mình và về tình cảm của đồng bào Bh’noong đối với Bác. Đây là một động lực rất lớn để chúng em phấn đấu học tập, sau này góp phần nhỏ bé của mình vào sự phát triển của quê hương.Những năm qua cùng với các dân tộc anh em khác, đồng bào Bh’noong đã góp phần tích cực vào sự phát triển của mảnh đất Phước Sơn. Hiện nay, thu nhập bình quân theo đầu người của huyện đạt gần 8 triệu đồng/ người/ năm; tỷ lệ nghèo hàng năm giảm gần 5%. Đồng bào các dân tộc nơi đây đã tập trung khai hoang, cải tạo đồng ruộng mở rộng diện tích lúa nước lên hơn 800 ha. Nhiều công trình thủy lợi vừa và nhỏ được đầu tư xây dựng tạo điều kiện để bà con sản xuất mỗi năm 2 vụ lúa nước. Huyện Phước Sơn hiện có 100% trường học, trạm y tế xã được kiên cố hóa; 95% thôn, bản có công trình nước sinh hoạt và 93% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia…Đây là những tiền đề quan trọng để bà con các dân tộc huyện Phước Sơn nói chung và đồng bào Bh’noong nói riêng phấn đấu trong thời gian tới xây dựng huyện nhà ngày càng phát triển.ĐỖ TRƯỞNG