Bước chuyển xây dựng đời sống văn hóa
Qua 5 năm triển khai thực hiện, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn huyện Thăng Bình đã đạt được nhiều kết quả khả quan.
NĂM 1998, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đã xác định toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa là giải pháp lớn để thực hiện mục tiêu “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Từ cơ sở này, ngày 28.11.2008, Huyện ủy Thăng Bình ban hành Nghị quyết số 07/NQ-HU để đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn giai đoạn 2008 - 2015. Từ đây, các cấp, ngành có sự tập trung cao để thực hiện tốt các nội dung của phong trào, qua đó tiếp tục góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Từ đó đến nay, cùng với xây dựng môi trường văn hóa trên địa bàn lành mạnh hơn thì đời sống vật chất và tinh thần của từng gia đình, thôn xóm, làng xã cũng được nâng cao.
Hát bả trạo tại lễ hội văn hóa thể thao miền biển huyện Thăng Bình. Ảnh: HUỲNH ĐỊNH |
Nền tảng văn hóa
Tại buổi tọa đàm về đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được tổ chức mới đây, ông Phan Văn Khánh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thăng Bình khẳng định, những năm qua phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội trên địa bàn. Trong 5 năm qua, đại bộ phận các gia đình của huyện đã tích cực hưởng ứng và có những việc làm thiết thực để xây dựng gia đình văn hóa. Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi xuất hiện và nhân rộng. Phong trào giúp nhau làm kinh tế phát huy hiệu quả. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã lan tỏa rộng khắp ở các địa phương, cơ quan, đơn vị. Nhiều gia đình hơn 10 năm liền đạt danh hiệu gia đình văn hóa.
Cùng với xây dựng gia đình văn hóa, phong trào xây dựng tộc họ văn hóa cũng đã thu được nhiều thành quả. Trong những năm qua, nhiều tộc họ trên địa bàn đã vận động bà con trong dòng tộc tăng cường tình đoàn kết cộng đồng, xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài và giúp nhau phát triển kinh tế. Nhiều tộc họ đã có những mô hình, việc làm thiết thực như đăng ký thoát nghèo con cháu không vi phạm luật giao thông, không sinh con thứ ba… Đến thời điểm này, toàn huyện đã có hơn 60 tộc đạt danh hiệu văn hóa. Nhiều tộc họ được huyện biểu dương như tộc Ngô (Bình Trung), tộc Nguyễn Đình (Bình Giang), tộc Đoàn (Bình Chánh)… Số gia đình và tộc họ văn hóa ngày càng tăng đồng nghĩa với việc xây dựng thôn, tổ văn hóa cũng thu được nhiều thành công. Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Thăng Bình có hơn 30 thôn, tổ dân phố được công nhận danh hiệu thôn, tổ dân phố văn hóa. Trong số đó, các thôn An Bình, thôn 4 (Bình Chánh), Cẩm Sơn (Bình Lãnh) đạt danh hiệu thôn văn hóa 6 năm liền. Các thôn Cây Mộc (Bình Dương), Long Hội Hiệp (Bình Chánh) đạt danh hiệu 5 năm liên tục. Tổ 3 (thị trấn Hà Lam), thôn Long Hội (Bình Phú) đạt 4 năm liên tục.
Gắn với xây dựng nông thôn mới
Các mục tiêu cụ thể trong xây dựng đời sống văn hóa của huyện Thăng Bình đến năm 2015 là 80% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 70% số thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, khu thể thao hoạt động có hiệu quả; 80% số xã, thị trấn có thiết chế văn hóa - thể thao theo quy định; 30% thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu thôn, tổ dân phố văn hóa; 30% tộc, họ đạt danh hiệu “tộc văn hóa”; 90% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 100% các xã đã phát động xây dựng nông thôn mới đăng ký xây dựng “xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”. |
Có thể nhận thấy, trong bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa được cụ thể trong 2 tiêu chí số 6 và 16 về văn hóa và thiết chế văn hóa. Ngoài ra các nội dung khác như giáo dục, y tế, giao thông… cũng đều nằm trong các hoạt động của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Gắn kết như vậy nên trong thời gian qua, xây dựng đời sống văn hóa của huyện Thăng Bình luôn đồng hành với xây dựng nông thôn mới. Ông Trần Văn Thức - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, đến nay các xã trên địa bàn đều thực hiện tốt công tác vận động nhân dân thực hiện các nội dung, tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đến thời điểm này, địa phương đã có 5 xã đạt từ 10 tiêu chí trở lên, 3 xã đạt từ 8 - 9 tiêu chí, 6 xã đạt từ 6 - 7 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Ông Phan Hòa - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Thăng Bình khẳng định, trong 5 năm qua, công tác xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Dân chủ trên các lĩnh vực văn hóa - xã hội được mở rộng, dân trí được nâng cao. Việc xây dựng gia đình, tộc họ, thôn, tổ, cơ quan văn hóa đã tác động tích cực đến đời sống văn hóa cơ sở, khơi dậy truyền thống yêu nước cũng như đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Môi trường văn hóa được cải thiện, thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư gắn với xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, đời sống tinh thần, khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa nông thôn với đô thị, giữa các tầng lớp nhân dân còn chênh lệch... “Để nâng cao chất lượng đời sống văn hóa trên địa bàn, thời gian đến, huyện chủ trương gắn chặt xây dựng văn hóa với xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó là đẩy mạnh vận động nhân dân trong thôn, tổ dân phố phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong mọi sinh hoạt. Huyện khuyến khích phát triển kinh tế hộ, đầu tư phát triển các mô hình kinh tế gia đình, kinh tế trang trại, đồng thời mở rộng phát triển làng nghề truyền thống” - ông Hòa nói.
NGUYỄN QUANG VIỆT