Dấu ấn lịch sử

PHAN NGHĨA 03/09/2014 09:21

Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đất Quảng có nhiều chiến công oanh liệt, địa danh lẫy lừng, cuộc đấu tranh anh dũng… ghi đậm dấu ấn trong các trang sử cách mạng hào hùng. Một trong những sự kiện không thể nào quên là cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được (huyện Thăng Bình) vào đầu tháng 9.1954.

Bối cảnh lịch sử

Cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ hai của nhân dân ta kết thúc bằng Hiệp định đình chiến được ký kết tại Giơ-ne-vơ (ngày 20.7.1954). Theo hiệp định này, đất nước Việt Nam tạm thời chia làm hai miền Nam và Bắc, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới tạm thời. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, thế và lực của cách mạng có chiều hướng thay đổi. Từ chỗ đang làm chủ một vùng rộng lớn, có cơ sở cách mạng đều khắp các vùng nay phải bàn giao cho đối phương quản lý, chuyển lực lượng vũ trang đi tập kết. Từ đấu tranh vũ trang công khai chuyển sang đấu tranh chính trị đòi thi hành hiệp định, hoạt động công khai nay phải chuyển vào hoạt động bí mật. Thời gian chuyển hướng nhiệm vụ đấu tranh lại tiến hành khẩn trương, gấp rút. Trong khi đó, âm mưu của Mỹ là nhảy vào miền Nam, hất cẳng Pháp, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, chia cắt lâu dài đất nước ta. Cố tâm phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, ra sức đàn áp và thủ tiêu phong trào cách mạng của nhân dân ta, ngay từ những ngày đầu sau hiệp định, Mỹ - Diệm và Quốc dân đảng đã lùng sục, thanh trừng, bắn giết những người kháng chiến cũ và những người dân có tình cảm gắn bó với cách mạng, tìm cách phá hoại tài sản của nhân dân. Thăng Bình và các địa phương khác của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũng như miền Nam phải đối mặt với những âm mưu, thủ đoạn này.

Đài tưởng niệm cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được (thôn 3, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình). Ảnh: T.C. HÙNG
Đài tưởng niệm cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được (thôn 3, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình). Ảnh: T.C. HÙNG

Từ ngày 1.9.1954, địch đã tiếp quản vùng đất Thăng Bình, 5 tiểu đoàn đóng quân dã chiến trong những lều bạt xung quanh quận lỵ. Từ Hà Lam, Tiểu đoàn 611 nhanh chóng triển khai lực lượng chiếm đóng các đầu mối giao thông quan trọng ở Chợ Được, Kế Xuyên, Tuần Dưỡng… Chúng tổ chức tuần hành thị uy, tuyên truyền đề cao “chính nghĩa quốc gia”, nói xấu Đảng, kháng chiến, khủng bố đàn áp các đảng viên và nhân dân, gây thanh thế nhằm thiết lập bộ máy hành chính và cảnh sát nấp dưới lưỡi lê và súng đạn. Tập hợp, sử dụng các tay sai phản động, đặc biệt chúng đã câu kết, móc nối với bọn Quốc dân đảng vùng Kế Xuyên, Trường An, Đức An, Chung Phước… để lập bộ máy cai trị trong toàn quận. Địch lập ra 5 khu hành chính: khu I ở Chợ Được, khu II Hà Lam, khu III Việt An, khu IV Vinh Huy, khu V Kế Xuyên. Âm mưu và thủ đoạn của địch đã gieo thêm nhiều khó khăn cản trở cho phong trào cách mạng, thậm chí đè bẹp, thủ tiêu các cơ sở cách mạng của nhân dân ta, những người kháng chiến cũ, gây thêm biết bao đau thương tang tóc cho đồng bào.

Diễn biến cuộc đấu tranh

Vào sáng ngày 4.9.1954, chỉ 4 ngày sau khi tiếp quản, địch đã đưa quân đến gây sự bắn giết tàn sát bà con nhân dân ta ở khu Hà Lam - Chợ Được (Hà Lam thuộc xã Bình Nguyên, Tất Viên thuộc xã Bình Phục, Chợ Được thuộc xã Bình Triều), và từ đây nhân dân Thăng Bình khởi đầu cuộc đấu tranh với Mỹ - Diệm, cuộc đấu tranh chính trị phức tạp gay go trong khúc eo của một giai đoạn lịch sử.

Bọn lính Đại đội 4, Tiểu đoàn 611 đóng tại Chợ Được do tên Trần Hải - Đại đội trưởng chỉ huy, bố trí một trung đội lính kéo nhau lên Bàu Bàng (thôn Tất Viên, xã Bình Phục) chặt cây dương liễu của nhân dân để sửa chữa cầu Bàu Bàng trên đường 16 (106 cũ) nhằm thông tuyến về Hà Lam quận lỵ Thăng Bình. Anh Nguyễn Hề là chủ cây, được tin địch đốn cây dương liễu của mình liền chạy ra ngăn cản và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nhiều bà con đi chợ, những người làm ruộng chung quanh thấy hành động chướng mắt của bọn lính gây ra, tụ tập lại ngày càng đông, hiệp lực phản đối đấu tranh. Lúc đầu giữa hai bên lời qua tiếng lại, nhưng càng đối chất, chúng càng bị nhân dân dồn vào thế bí không trả lời được; dẫu biết rằng lý lẽ không thể thắng được nhưng chúng lại hăm dọa: “Bọn bay là Việt Minh hả, ta bắn nát đầu!”. Như lửa đổ thêm dầu, nhân dân càng căm phẫn và lên án hành động vi phạm hiệp định, phá hoại tài sản nhân dân, đấu tranh để bảo vệ hòa bình. Cuộc đấu tranh giằng co giữa hai bên mỗi lúc thêm căng thẳng. Lúc này, bọn lính đã nhảy lên cầu giăng thành hàng ngang tay cầm súng, tay mở lựu đạn. Tên Trần Hải chỉ huy trịch thượng hướng về phía bà con nhân dân, trả lời: “Cây đốn rồi không thể tháp lại được, muốn lấy tiền thì lên đồn mà lấy!”. Nhân dân phản đối quyết liệt và yêu cầu phải bồi thường ngay tại chỗ. Càng lúc bà con nhân dân tập trung về khu vực đấu tranh trực diện với bọn lính ngày càng đông, tiếng la hét chỉa thẳng vào bọn lính và làm vang động cả xóm làng.

Với bản chất hung hăng của kẻ đánh thuê thuộc đội quân lê dương, tên chỉ huy Trần Hải cầm khẩu 49 quét một loạt ngay vào đoàn người đấu tranh. Tiếp theo đó, tên trung sĩ Hoàng, trung sĩ Pho với khẩu FM3, hạ sĩ nhất Mai Lưu và Mai Lô với khẩu carbin… đồng loạt nổ súng. Say máu, tên Trần Hải rút súng ngắn bắn tiếp vào những người đang ẩn nấp quanh hai bên bờ ruộng. Anh Nguyễn Xin trúng đạn chết ngay tại chỗ; anh Phan Nghinh bị nhiều vết đạn xuyên qua đầu; chị Phạm Thị Thương bị lựu đạn nổ chết và đứa con đứng gần bị 5 mảnh đạn găm trên lưng; mẹ Nguyễn Thị Bùi đang cấy lúa bị trúng đạn chết ngay trên thửa ruộng; chị Nguyễn Thị Nguyên nằm chết trong vũng bùn tay còn cầm nắm mạ; gia đình anh Trần Chiêm có 3 người chết và 1 người bị thương… Trước cái chết đầy thương tâm của đồng bào, làn sóng đấu tranh ở Thăng Bình nói riêng và nhân dân toàn tỉnh nói chung phút chốc sôi sục dâng cao. Càng về chiều, nhân dân các huyện Quế Sơn, Tam Kỳ, Tiên Phước rầm rập kéo về Chợ Được. Bà con Quảng Ngãi ra bán hàng cũng hòa vào dòng người tham gia đấu tranh. Cuộc đấu tranh cao điểm lên đến 5.000 người. Căm giận, phẫn uất, đoàn người đấu tranh tiếp tục đông thêm tạo nên sức mạnh trong lúc này không gì ngăn cản nổi; họ đập phá hàng rào xông vào đồn bắt trói những tên lính, tịch thu súng, hốt cát bỏ vào nòng súng. Bọn lính trong đồn Chợ Được bị khống chế hoàn toàn.

Ngay sau khi những loạt súng giết người của địch nổ ra ở Hà Lam - Chợ Được, đồng chí Phan Tốn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, đại diện Tỉnh ủy cùng Huyện ủy Thăng Bình tổ chức họp khẩn, nhận định tình hình và chủ trương: phải rút kinh nghiệm cuộc đấu tranh ở Đà Nẵng, phải giải thích cho quần chúng nhân dân không được manh động, phải lãnh đạo cuộc đấu tranh đi đúng hướng, tránh để bị địch khiêu khích lợi dụng... Địch đã bị sức ép của đông đảo quần chúng biểu tình đấu tranh, co lại và chấp hành các điều kiện của ta nêu ra, đó là thắng lợi bước đầu… Huyện ủy cử cán bộ đi vận động thuyết phục quần chúng, vừa hướng dẫn nhân dân làm đơn kiện với Ủy ban quốc tế đóng tại Dốc Sỏi.

Sáng ngày 5.9.1954, 2 chiếc máy bay địch bay vào Chợ Được và vùng phụ cận thả truyền đơn dọa nhân dân, kêu gọi nhân dân giải tán; vừa yểm trợ cho bọn lính ở Hà Lam cùng quận trưởng dùng 4 xe GMC tiến xuống giải tỏa quân đồn trú ở Chợ Được. Nhưng chưa đến nơi, chúng đã bị nhân dân bao vây đấu tranh. Sau nhiều lần đại diện nhân dân đấu tranh với chỉ huy đồn, hai bên đã đồng thuận lập văn bản kiến nghị lên Ủy ban quốc tế, Tổ liên hợp đình chiến trên địa bàn Quảng Nam tại Dốc Sỏi. Tên Trần Hải phải cùng đi với 4 đại diện của nhân dân đến Dốc Sỏi yêu cầu cơ quan trách nhiệm đến hiện trường giải quyết. Đêm ngày 6.9, Tiểu đoàn trưởng 611 đưa quân lính từ Hà Lam xuống vây Chợ Được; 5 giờ sáng ngày 7.9, chúng nổ súng tấn công làm chết thêm 3 người và bắt tất cả binh lính của đơn vị đồn trú về quận xét hỏi vì tội bị Việt cộng đầu độc. Đại đội 4 bảo an đồn trú ở Chợ Được tan rã. Theo biên bản ngày 6.9.1954 giữa Tiểu đoàn lính 611 và nhân dân Chợ Được - Hà Lam, đến chiều ngày 6.9, địch đã thảm sát làm 43 người chết, 23 người bị thương nặng, ngoài ra còn bắt gần 100 người giam giữ, tra tấn. Cuộc đấu tranh kéo dài suốt 4 ngày đêm liên tục kiên trì quyết liệt, buộc địch phải nhượng bộ và nhận tội lỗi trước nhân dân, chịu chi phí cứu chữa người bị thương, chôn cất người chết và bồi thường thiệt hại cho thân nhân người bị hại.

Sau ngày giải phóng quê hương (26.3.1975), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thăng Bình đã cho xây dựng tượng đài và bia tưởng niệm những đồng bào đã hy sinh trong cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được, ngay tại nơi đồng bào đã anh dũng hy sinh.

PHAN NGHĨA
(Tỉnh ủy viên - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình)

PHAN NGHĨA