Ngọn cờ tình nguyện - Bài 1: Áo xanh về bản

VĂN HÀO 03/09/2014 08:49

Mặc cho những cơn mưa rừng xối xả, chuyến tình nguyện dài ngày đến những bản làng khó khăn do các Huyện đoàn Nam Giang, Tây Giang tổ chức với những công trình, hoạt động thiết thực càng khẳng định vai trò xung kích của tuổi trẻ miền ngược.

Giúp dân làm cầu

Chuyến tình nguyện kéo dài một tuần lễ diễn ra đầu tháng 8.2014 của các tình nguyện viên huyện Nam Giang đã để lại nhiều tình cảm tốt đẹp trong lòng người dân xã vùng biên Chơ Chun. Sáng sớm, từ trung tâm huyện, hơn 40 đoàn viên thanh niên (ĐVTN) đeo ba lô lỉnh kỉnh đồ đạc vượt rừng hành quân vào xã. Trời mưa, con đường đất trở nên lầy lội, do đó phải đến 13 giờ chiều đoàn tình nguyện mới đặt chân tới trung tâm xã. Lấm lem bùn đất, đoàn tình nguyện tiếp tục lội bộ 6 cây số để đến thôn A Sò.

Tuổi trẻ Tây Giang giúp nhân dân thôn Dầm 2, xã Tr’Hy khai hoang lúa nước. Ảnh: V.HÀO
Tuổi trẻ Tây Giang giúp nhân dân thôn Dầm 2, xã Tr’Hy khai hoang lúa nước. Ảnh: V.HÀO

Dù đường xa, nhưng nỗi mệt nhọc dường như tan biến trong những bài ca tình nguyện của các bạn trẻ hát vang giữa đại ngàn. Bí thư Đoàn xã Chơ Chun - Pơloong Póp cho biết, cuộc sống của người dân thôn A Sò còn rất nhiều khó khăn, đường sá cách trở, nhất là vào mưa. “Chuyến tình nguyện này, cùng với nhiều hoạt động khác, phần việc cấp bách chúng tôi phải thực hiện là làm 2 cây cầu gỗ bắc qua các con suối phục vụ việc đi lại cho bà con. Trước đây, người dân trong thôn phải lội suối hay đi trên những cây cầu tạm bằng đoạn cây bắc ngang chông chênh, luôn tiềm ẩn nhiều bất trắc, nhất là đối với các em nhỏ đi học” - anh Pơloong Póp chia sẻ.

Hôm sau, mặt trời còn chưa nhô khỏi đỉnh núi, đoàn tình nguyện đã chia thành từng tốp nhỏ bắt tay vào công việc. Người vào rừng lấy gỗ, người đo đạc, cắm mốc làm cầu. Không khí lao động rất khẩn trương, mặc cho những cơn mưa rừng bất chợt ập đến. Trực tiếp chỉ đạo chiến dịch tình nguyện, anh Nguyễn Văn Phi - Phó Bí thư Huyện đoàn Nam Giang cho biết: “Cùng với lực lượng tại chỗ, có đến gần 100 ĐVTN tham gia chiến dịch nên công việc diễn ra rất mau lẹ, sôi nổi. Hoạt động đã đi vào chiều sâu với ý nghĩa thiết thực, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho bà con, đồng thời rèn luyện ĐVTN tinh thần biết vượt khó cũng như khát khao cống hiến sức trẻ”.

Thanh niên Nam Giang vác ván giúp dân làm cầu tại thôn A Sò, xã Chơ Chun.
Thanh niên Nam Giang vác ván giúp dân làm cầu tại thôn A Sò, xã Chơ Chun.

Sau nhiều ngày làm việc cật lực với tinh thần trách nhiệm cao của tuổi trẻ, 2 cây cầu gỗ đã hoàn thành trong niềm vui khôn tả của người dân A Sò. Ông Coor Dây - Trưởng thôn A Sò xúc động nói: “Thấy đoàn tình nguyện về giúp dân làm cầu qua suối, ai nấy cũng phấn khởi. Những cây cầu này đã giải tỏa được nỗi lo trong việc đi lại của thôn, nhất là khi mùa mưa lũ đang đến gần. Mong rằng tuổi trẻ tiếp tục phát huy tinh thần để chia sẻ cái no, cái ấm với bà con”. Chiến dịch tình nguyện tại A Sò khép lại với nhiều hoạt động thiết thực in đậm dấu ấn tuổi trẻ Nam Giang như: san đắp mặt bằng 2 tuyến đường liên thôn A Sò - Grát và liên xã A Sò - Pà Ooi (xã La Êê), tạo mặt bằng sân vui chơi cho trẻ em, khám bệnh cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 100 đối tượng, tặng quà…

Mở đất trồng lúa

Chủ đề của chiến dịch thanh niên tình nguyện hè 2014 là “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”. Theo đó, từ đầu năm đến nay, tuổi trẻ Quảng Nam đã giúp dân xây dựng được 7 chiếc cầu, trong đó có 5 cầu gỗ; hỗ trợ xây dựng 32 nhà văn hóa, điểm vui chơi thiếu nhi, xây mới và sửa chữa 23 nhà nhân ái, nhà tình thương; làm mới và sửa chữa 41km đường giao thông; nạo vét 21km kênh mương nội đồng…

Từ 21 đến 23.8, Huyện đoàn Tây Giang phối hợp 10 Đoàn xã và các chi đoàn cơ quan, ban ngành trên địa bàn huyện tổ chức ra quân giúp người dân thôn Dầm 2 (xã Tr’Hy) khai hoang 6ha để trồng lúa nước. Theo chân đoàn tình nguyện, chúng tôi “hành quân” vào thôn Dầm 2 giữa cơn mưa rừng trắng xóa. Giữa lưng chừng núi, thôn Dầm 2 có 19 nóc nhà, người dân luôn đối mặt với nỗi lo thiếu cái ăn trong mùa giáp hạt. Già Coor Hạt - Bí thư Chi bộ thôn Dầm 2 cho biết, vùng này giao thông cách trở, đất đai khô cằn, bà con chủ yếu làm rẫy nên lương thực dự trữ trong những mùa mưa bão, giáp hạt luôn là vấn đề nan giải. “Nhận được tin tuổi trẻ huyện nhà về địa phương triển khai chiến dịch tình nguyện hè, dân làng rất mừng! Ngoài việc tạo điều kiện để các cháu tình nguyện có nơi ăn, chốn ngủ, điều kiện sinh hoạt, thanh niên trong làng cũng sẽ chung sức để mở mang diện tích đất trồng lúa nước, tăng gia sản xuất” - già Coor Hạt nói.

Trong những ngày cuối tháng 8, hơn 50 ĐVTN của các chi đoàn trực thuộc Thành đoàn Tam Kỳ tham gia hành trình tình nguyện “Về với Nam Trà My”, địa phương kết nghĩa với TP.Tam Kỳ, góp phần thắt chặt tinh thần đoàn kết gắn bó 2 miền xuôi ngược. Ngay sau khi đặt chân đến trung tâm huyện Nam Trà My, đoàn tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ với học sinh Trường Tiểu học xã Trà Mai và khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho đồng bào. Nhiều bà con ở các nóc Tăk Chươm , Tăk Nầm,  Tăk  Râu của xã Trà Mai đã băng rừng, vượt suối lặn lội đến trụ sở UBND xã từ sớm để được khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí. Anh Hồ Văn Rơm - Bí thư Đoàn xã Trà Mai cho biết, đa số bà con ở đây là người dân tộc Co, Xê Đăng, Ca Dong, ít có điều kiện khám chữa bệnh tại cơ sở y tế, bệnh viện. Chính vì thế, những năm qua, chúng tôi thường xuyên phối hợp với các đoàn bác sĩ tình nguyện của Thành đoàn Tam Kỳ đến khám chữa bệnh cho đồng bào. Đây là hoạt động rất có ý nghĩa đối với bà con. Thay mặt đoàn xã Trà Mai, chúng tôi rất chân thành cảm ơn sự giúp đỡ nhiệt tình của các anh chị tình nguyện viên của đơn vị kết nghĩa Thành đoàn Tam Kỳ.
Dịp này, Thành đoàn Tam Kỳ đã trao tặng 200 con gà giống cho các trường tiểu học và THCS bán trú của Nam Trà My để chăn nuôi, góp phần cải thiện chất lượng bữa ăn. Đoàn cũng đã tặng 20 suất quà cho gia đình chính sách (300 nghìn đồng/suất), tặng 20 suất quà gồm sách vở, dụng cụ học tập (trị giá 200 nghìn đồng) cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.(HOÀNG BIN)

Sáng sớm, khí trời se lạnh, mây giăng cả núi rừng. Hơn 50 ĐVTN cùng với hàng chục người dân mang theo cuốc, xẻng, rựa, xà beng… đi bộ 2 cây số đến địa điểm khai hoang. Trước đó, trời còn tờ mờ, một số già đã đến làm nghi lễ cúng bái với niềm tin vào những vụ mùa bội thu. Đến nơi, mọi người bắt tay ngay vào việc. Mỗi nhát cuốc bổ xuống vỡ đất là thêm một niềm tin về những mầm xanh sẽ vươn lên trên mảnh đất này. Các bạn trẻ hăng hái vỡ đất khai hoang đến đầu giờ chiều mới nghỉ tay dùng cơm trưa, bởi ở đây thường có mưa chiều, sợ ảnh hưởng đến tiến độ công việc. Dù đã dự lường, thời gian triển khai chiến dịch vẫn phải lùi thêm một ngày so với kế hoạch. Lom khom đào cuốc đất giữa bốn bề rừng núi, những chiếc áo xanh thấm đẫm mồ hôi. Bù lại bao mệt nhọc là những thửa ruộng mới được hình thành. Kết thúc chiến dịch, nhìn 6ha đất được khai hoang bằng phẳng chờ ngày xuống giống, nụ cười hạnh phúc sáng bừng trên gương mặt các chiến sĩ tình nguyện và người dân thôn Dầm 2. Chị Bríu Thị Sen - Bí thư Huyện đoàn Tây Giang cho hay, sắp tới Huyện đoàn sẽ phối hợp với chính quyền xã Tr’Hy cung cấp giống cũng như hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc lúa nước cho bà con. “Phát huy vai trò xung kích, đặc biệt trong Năm thanh niên tình nguyện 2014, tuổi trẻ Tây Giang đã thực hiện nhiều chiến dịch vì cộng đồng, chia sẻ khó khăn với đồng bào. Căn cứ vào địa hình cũng như tính đặc thù vùng núi, chúng tôi sẽ tiếp tục chú trọng trong việc giúp dân khai hoang đất trồng lúa nước, làm đường bê tông nông thôn, dựng gươl làng…” - chị Sen cho biết. Nói về phong trào thanh niên tại địa phương, ông Phạm A - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang chia sẻ, trên tinh thần Nghị quyết số 13 của huyện, thanh niên đã và đang là một trong những lực lượng nòng cốt thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới. Thời gian qua, các hoạt động tình nguyện của tuổi trẻ Tây Giang ngày càng đi vào chiều sâu, đem lại ý nghĩa thiết thực.

VĂN HÀO

VĂN HÀO