Nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội

KIẾN TÂN (Tổng hợp) 03/09/2014 08:46

Hoạt động giám sát của Quốc hội (QH) cần phải tiếp tục được đổi mới và tăng cường nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của bộ máy nhà nước, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Thực hiện chức năng giám sát tối cao của QH là nhằm bảo đảm cho các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước thi hành nghiêm chỉnh Hiến pháp, luật và nghị quyết của QH, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ QH. Đồng thời thông qua hoạt động giám sát, QH nắm bắt được tình hình triển khai thi hành văn bản quy phạm pháp luật do QH, Ủy ban Thường vụ QH ban hành, từ đó kịp thời phát hiện những vướng mắc để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản, bao gồm việc bổ sung, hoàn thiện những quy định hiện hành, bãi bỏ những quy định không còn phù hợp, quyết định những lĩnh vực cần xây dựng mới văn bản... Toàn bộ hoạt động giám sát của QH đều hướng đến việc bảo đảm cho các văn bản quy phạm pháp luật của QH được thi hành nghiêm chỉnh, đồng thời xem xét trách nhiệm pháp lý của đối tượng chịu sự giám sát nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và xử lý theo quy định những vi phạm có thể xảy ra.

Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Nam giám sát tình hình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công trên địa bàn huyện Phước Sơn giai đoạn 2011 - 2015, vào ngày 29.8. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Nam giám sát tình hình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công trên địa bàn huyện Phước Sơn giai đoạn 2011 - 2015, vào ngày 29.8. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Giám sát chuyên đề

Những năm qua, bên cạnh hoạt động giám sát tối cao qua việc xem xét báo cáo của các cơ quan, cá nhân theo quy định, QH cũng đã quan tâm giám sát tối cao theo chuyên đề. Hoạt động giám sát theo chuyên đề, với nội dung giám sát chuyên sâu, đã giúp cho việc hoạch định những chính sách vĩ mô và quyết định những vấn đề quan trọng trong những lĩnh vực nhất định sát hợp hơn với thực tiễn, với yêu cầu, đòi hỏi của xã hội. Thông qua hoạt động giám sát chuyên đề, QH kiểm nghiệm, đánh giá những quy định của pháp luật, bổ sung cho việc thực hiện chức năng lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng trong những lĩnh vực đó. Nhiều nội dung giám sát được QH thể hiện ý chí bằng việc ban hành nghị quyết, trong đó nêu rõ yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể mà đối tượng chịu sự giám sát và các cơ quan liên quan phải tập trung thực hiện.

Trong các hình thức giám sát, chất vấn được coi là một công cụ giám sát mạnh và có hiệu quả của QH, đại biểu QH. Trong những năm gần đây, hoạt động chất vấn của QH luôn được đổi mới để nâng cao chất lượng, nhất là đổi mới cách thức tiến hành phiên chất vấn, như trả lời chất vấn theo nhóm vấn đề, hạn chế đến mức thấp nhất thời gian trả lời bằng văn bản... Số lượng và chất lượng câu hỏi chất vấn của đại biểu QH ngày càng được nâng cao. Việc tổng hợp kiến nghị của cử tri, theo dõi việc thực hiện lời hứa của chủ thể trả lời chất vấn... được thực hiện một cách thường xuyên, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn. Thực tế cho thấy, hoạt động chất vấn thời gian qua luôn thu hút được sự quan tâm, theo dõi của cử tri, góp phần tích cực giải quyết những vấn đề bức xúc của cuộc sống đặt ra, có tác động thiết thực, thúc đẩy các cơ quan nhà nước khắc phục những thiếu sót, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Những kết quả đó góp phần vào việc tăng cường chất lượng, hiệu quả của công tác giám sát của QH.

Triển khai toàn diện

So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp 2013 đã có sự điều chỉnh theo hướng quy định việc QH chỉ bầu Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của QH; còn các Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc và các Ủy viên, các Phó Chủ nhiệm các Ủy ban và các Ủy viên Ủy ban do Ủy ban Thường vụ QH phê chuẩn (các điều 70, 75, 76); việc thành lập, giải thể Ủy ban của QH do QH quyết định (Ðiều 76). Quy định này một mặt vẫn bảo đảm được vị thế của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH, mặt khác bảo đảm tính chủ động, kịp thời, không phức tạp về quy trình, thủ tục trong trường hợp cần có sự điều chỉnh về nhân sự do yêu cầu của thực tiễn. Đồng thời Hiến pháp 2013 quy định rõ hơn về quyền yêu cầu cung cấp thông tin và bổ sung quyền yêu cầu giải trình của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH (Điều 77).

Một trong những hoạt động giám sát quan trọng của QH là giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Đây là công việc được thực hiện thường xuyên, liên tục, nhằm bảo đảm các văn bản pháp luật được ban hành kịp thời, phù hợp với Hiến pháp, luật, nghị quyết của QH, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ QH; qua đó, phát hiện những nội dung chưa rõ ràng, áp dụng chưa thống nhất để kịp thời xử lý. Hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật bên cạnh việc giám sát thường xuyên cũng được QH kết hợp trong quá trình giám sát chuyên đề. Việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật đã góp phần tích cực vào việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Bên cạnh hoạt động giám sát của QH, hoạt động giám sát của các cơ quan của QH, Đoàn đại biểu QH cũng được tiến hành tích cực, chủ động, có nhiều chuyển biến tích cực. Ủy ban Thường vụ QH, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH đã tiến hành giám sát khá toàn diện các lĩnh vực; quan tâm đổi mới nội dung và hình thức giám sát, có sự kết hợp hài hòa giữa giám sát chuyên đề và giám sát thường xuyên. Trong đó, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH đã tổ chức hoạt động giải trình tại Hội đồng, các Ủy ban của QH. Đây được coi là điểm mới trong phương thức tổ chức hoạt động ở các cơ quan của QH và đã phát huy tác dụng tích cực. Các Đoàn đại biểu QH cũng đã phối hợp tốt trong việc giám sát chuyên đề theo chương trình giám sát của QH, Ủy ban Thường vụ QH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH. Công tác phối hợp với các cơ quan hữu quan trong hoạt động giám sát được tăng cường hơn. Các đại biểu QH đã tích cực tham gia hoạt động giám sát, như tham gia hoạt động của các đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ QH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH và Đoàn đại biểu QH.

HỎI - ĐÁP HIẾN PHÁP

- Hỏi: Vị trí, cơ cấu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được quy định như thế nào?

- Trả lời: Hiến pháp năm 2013 quy định về vị trí, cơ cấu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội như sau:

1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội.
2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên.

3. Số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Quốc hội quyết định. Thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể đồng thời là thành viên Chính phủ.

4. Ủy ban Thường vụ Quốc hội của mỗi khóa Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

- Hỏi:Cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của các Ủy ban của Quốc hội được quy định như thế nào?

- Trả lời: Hiến pháp năm 2013 quy định về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của các Ủy ban của Quốc hội như sau:

1. Ủy ban của Quốc hội gồm Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên. Chủ nhiệm Ủy ban do Quốc hội bầu; các Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên Ủy ban do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn.  

2. Ủy ban của Quốc hội thẩm tra dự án luật, kiến nghị về luật, dự án khác và báo cáo được Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao; thực hiện quyền giám sát trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn do luật định; kiến nghị những vấn đề thuộc phạm vi hoạt động của Ủy ban.

3. Việc thành lập, giải thể Ủy ban của Quốc hội do Quốc hội quyết định.

- Hỏi: Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có thẩm quyền về giám sát các cơ quan nhà nước như thế nào?

- Trả lời: Thẩm quyền về giám sát các cơ quan nhà nước của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội được Hiến pháp năm 2013 quy định như sau:

1. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có quyền yêu cầu thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước và cá nhân hữu quan báo cáo, giải trình hoặc cung cấp tài liệu về những vấn đề cần thiết. Người được yêu cầu có trách nhiệm đáp ứng yêu cầu đó.  

2. Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm nghiên cứu và trả lời những kiến nghị của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.
                                                            (BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG)

KIẾN TÂN (Tổng hợp)

KIẾN TÂN (Tổng hợp)