Đường binh nghiệp của Vệ úy Võ Văn Tây
Nhớ sự mách bảo của người quen có hiểu biết về Hán Nôm, kể cả những cơ duyên như là một sự tình cờ mà tôi phát hiện được một số sắc phong của triều đình nhà Nguyễn cho một số người quê Quảng Nam có nhiều thành tích trong lực lượng thủy binh. Sắc phong cho ông Võ Văn Tây, người xã Hòa Thanh, tổng An Hòa, huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa tỉnh Quảng Nam (nay là TP.Tam Kỳ) là một trong số những trường hợp như vậy. Hiện gia tộc ông Võ Văn Tây còn lưu giữ 5 sắc phong cho biết quá trình công vụ của ông trong lực lượng thủy binh triều đình và những thăng tiến ông đạt được.
Sắc phong của ông Võ Văn Tây, niên hiệu Thiệu Trị thứ 5 (1844). |
Dưới triều Nguyễn, kể từ thời Gia Long, lính thủy ở trung ương là Kinh kỳ thủy sư gồm Trung doanh, Tả doanh và Hữu doanh, mỗi doanh có 5 vệ, mỗi vệ có 10 đội lính thủy. Trung doanh lấy lính ở các tỉnh Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam. Tả doanh và Hữu doanh lấy lính Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Như vậy, cả 3 doanh đều lấy lính quê Quảng Nam. Về quan chức thì toàn bộ thủy binh đặt dưới quyền chỉ huy của Thủy sư Đô thống (hàm nhất phẩm). Doanh do quan Đô thống chỉ huy; Vệ thì chỉ có 1 vệ đặt chức Chưởng vệ, 4 vệ còn lại đều đặt chức Vệ úy (tùng nhị phẩm), 1 Phó Vệ úy (tùng tam phẩm); Đội có Cai đội (ngũ phẩm), Suất đội (ngũ phẩm), Chánh đội trưởng (lục phẩm), Đội trưởng (thất, bát, cửu phẩm). Lực lượng thủy binh được dùng để đi tuần tiễu ngoài biển. Sách “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” của nội các triều Nguyễn cho biết, vua Minh Mạng có Dụ cho các thuyền này, trong khi tuần thám “nếu thấy thuyền dị dạng của người nước Thanh lảng vảng trên mặt biển, thì lập tức dựng cờ chiêu tập cùng đến vây bắt. Nếu thuyền nào bó tay chịu phép, xét đúng là thuyền buôn, thì lập tức cho đi… Chiếc thuyền nào dám kháng cự lại, thì lập tức vây bắt, cho kỳ được để nghiêm trị”. Ngoài nhiệm vụ tuần duyên vùng biển đảo ven bờ, thủy quân còn phái thuyền binh hợp cùng binh dân các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định ra quần đảo Hoàng Sa để thực thi các hoạt động chủ quyền.
Quay lại với các sắc phong của ông Võ Văn Tây. Sắc ngày 8 tháng 12 niên hiệu Minh Mạng thứ 20 (1839) cho biết ông ở tại đội quân số Một, vệ quân thứ Hai, doanh quân Hữu thuộc Thủy sư Kinh kỳ. Nội dung sắc phong dịch nghĩa như sau:
“Sắc phong
Đội trưởng Võ Văn Tây người gốc tại phường Trung, xã Hòa Thanh, tổng An Hòa, huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa, tỉnh Quảng Nam ở đội quân số Một, vệ quân thứ Hai, doanh quân Hữu thuộc Thủy sư Kinh kỳ, trước đây đã từng được sắc chỉ bổ nhiệm làm Chánh đội trưởng suất đội, được cấp trên đề đạt, nay phê chuẩn cho Võ Văn Tây chức Chánh đội trưởng đội quân số Tám thuộc đơn vị cũ, dưới sự quản lý nhân sự của cấp trên tại chỗ. Nếu không làm tốt chức vụ thì chiếu quân pháp xử lý.
Hãy cung kính chấp hành!”
Đến sắc phong ngày 16 tháng 4 năm Thiệu Trị thứ 5 (1844) cho biết, ông được phê chuẩn làm chức Hiệp quản Vệ Hai, doanh Trung, vẫn ở đơn vị cũ. Nội dung sắc phong như sau:
“Sắc phong
Cai đội Võ Tây đang công tác tại đội Tám vệ Hai thuộc doanh quân Hữu thuộc Thủy sư Kinh kỳ, trước đây đã từng được chiếu chỉ bổ chức Thành thủ úy làm Hiệp quản Thủy sư, theo đề nghị của Bộ binh, nay phê chuẩn Võ Tây làm chức Hiệp quản Vệ Hai, doanh Trung, đơn vị cũ, tiếp tục tuân thủ lệ cũ mà làm việc. Nếu không làm tốt chức vụ thì chiếu quân pháp xử lý. Hãy cung kính chấp hành!
Niên hiệu Thiệu Trị thứ 5 (1844), tháng 4, ngày 16”.
Sang thời Tự Đức, do có thâm niên, lại hoàn thành tốt chức trách nên Võ Văn Tây lại được thăng chức Quản kỳ, chỉ huy các Hiệp quản trong vệ. Năm 1850, qua một cuộc sát hạch ông được các quan đại thần trong hội đồng quản lý Thủy sư chấm đạt hạng nhất và đề cử thăng lên chức Phó vệ úy chỉ huy vệ Hai doanh quân Trung. Chỉ một năm sau đó, xét thấy ông đã có nhiều thành tích và lại đang lâm bệnh nặng nên triều đình chuẩn thuận cho ông được thăng chức Vệ úy thực thụ trước khi về dưỡng bệnh.
Với những sắc phong trên cho thấy ông Võ Văn Tây là người tòng quân lâu năm trong thủy quân, từ doanh Hữu sang doanh Trung thuộc Thủy sư Kinh kỳ, chức vụ trải từ Chánh đội trưởng suất đội (hàm lục phẩm) lên Hiệp quản vệ hai doanh Trung (như chức Chính ủy hiện nay), rồi đến Phó Vệ úy và cuối cùng là Vệ úy thực thụ (hàm nhị phẩm) chỉ huy hơn 500 quân (theo biên chế của vệ Hai doanh Trung bấy giờ có 527 quân).
NGÔ VĂN MINH