Giải Việt dã truyền thống Báo Quảng Nam: Ấn tượng tuổi 18
Năm nay, giải Việt dã truyền thống Báo Quảng Nam (sẽ diễn ra vào ngày 10.9 tại Quảng trường 24.3 - TP.Tam Kỳ) bước vào tuổi 18. Có rất nhiều điều đáng nói về giải đấu này như quy mô, tính chuyên nghiệp, chất lượng chuyên môn...
Ấn tượng
Trong số các hoạt động thể thao của tỉnh, giải Việt dã truyền thống Báo Quảng Nam có nhiều điều khá đặc biệt thể hiện qua những con số ấn tượng. Trước hết, đây là giải đấu có truyền thống vào loại bậc nhất tỉnh khi bằng với số năm tái lập tỉnh - lần thứ 18. Cùng với đó, quy mô của giải liên tục được mở rộng khi thu hút gần 2.000 vận động viên (VĐV) góp mặt. Và cũng chưa có hoạt động thể thao nào mà thành phần tham gia tranh tài lại đa dạng như giải Việt dã truyền thống Báo Quảng Nam: tất cả đối tượng đang sinh sống, học tập và làm việc trên địa bàn tỉnh, từ học sinh, sinh viên, công nhân viên chức lao động, lực lượng vũ trang đến anh chị nam thanh nữ tú của các huyện, thành phố. Càng gần đến ngày tổ chức, không khí rộn ràng đã hiển hiện khá rõ khi nhiều tốp VĐV hăng say tập luyện. Cũng cần nói thêm, sau thời gian tạm nghỉ khi kết thúc Đại hội TD-TT tỉnh Quảng Nam lần thứ VII năm 2014, đây là giải đấu đầu tiên nên các địa phương, đơn vị đều tỏ ra quyết tâm để có được thành tích cao, tạo đà thuận lợi cho các giải tiếp theo.
Ông Võ Văn Lâm, nguyên Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Quảng Nam trao giải cho các vận động viên tại giải Việt dã truyền thống Báo Quảng Nam lần thứ VIII - 2004. |
Nhưng đáng nói nhất vẫn là tính chuyên nghiệp và tầm vóc của sân chơi này. Vốn là giải đấu phong trào dành cho các VĐV của tỉnh, bắt đầu từ năm 2011, những nhà tổ chức đã quyết định mở rộng đối tượng tham gia bằng việc mời VĐV năng khiếu của 7 tỉnh, thành phố tham gia gồm Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai và Kon Tum. Lần đầu tiên, một giải đấu phong trào không còn bó hẹp ở phạm vi của tỉnh mà mở rộng và nâng tầm sân chơi ra ngoài tỉnh với việc tham gia của các VĐV thành tích cao (cự ly 10.000m đối với nam và 5.000m đối với nữ như các giải việt dã chuyên nghiệp toàn quốc). Từ đó đến nay, uy tín giải được nâng cao khi liên tục có sự góp mặt của nhiều đoàn VĐV các địa phương, đơn vị trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Năm nay, dự kiến sẽ có 10 địa phương cử VĐV tham gia, trong đó đáng chú ý ngoài những đơn vị khá mạnh như Trung tâm Huấn luyện quốc gia Đà Nẵng, Phú Yên, Bình Định còn có sự tranh tài của các VĐV đến từ “cái nôi” việt dã của cả nước là Khánh Hòa. Điều này sẽ hứa hẹn cuộc so tài tại giải sắp tới thêm phần hấp dẫn, chất lượng.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, nguyên Tổng Biên tập Báo Quảng Nam trao giải cho các đơn vị đoạt giải Nhất, Nhì, Ba toàn đoàn tại giải Việt dã truyền thống Báo Quảng Nam lần thứ XII - 2008. |
Theo ông Nguyễn Thành Tự - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL kiêm Phó ban Tổ chức, bên cạnh những con số ấn tượng đã có, sân chơi việt dã luôn có nhiều cái mới và bất ngờ. Vì vậy, giải Việt dã truyền thống Báo Quảng Nam năm 2014 không chỉ có sự cạnh tranh quyết liệt và sức hấp dẫn tăng lên mà sẽ còn tạo nhiều ấn tượng đẹp trong lòng VĐV và khán giả.
Hướng đến cộng đồng
Giải năm nay sẽ diễn ra vào sáng ngày 10.9 tại Quảng trường 24.3 và được trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh truyền hình Quảng Nam, Đài Phát thanh truyền hình Đà Nẵng. Có gần 2.000 VĐV dự tranh tại 10 nội dung thi đấu, gồm khối đội tuyển các tỉnh, thành phố (nam 10.000m, nữ 5.000m); khối huyện đồng bằng, thành phố; khối huyện miền núi (nam 5.000m, nữ 3.000m); khối phòng GD-ĐT (nam 2.000m, nữ 1.500m); khối trường THPT (nam 3.000m, nữ 2.000m); khối cơ quan ban ngành, đoàn thể (nam 3.000m, nữ 1.500m); khối công nhân viên chức các huyện đồng bằng, thành phố; khối công nhân viên chức các huyện miền núi (nam 3.000m, nữ 1.500m); khối học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, lực lượng vũ trang tỉnh (nam 3.000m, nữ 1.500m); khối phong trào (nam 3.000m). |
Không ai phủ nhận giải đấu này là “sáng kiến” của Báo Quảng Nam nhưng lại là “sản phẩm” chung của 8 đơn vị, gồm Sở VH-TT&DL, Sở GD-ĐT, Liên đoàn Lao động tỉnh, Công an tỉnh, BCH Quân sự tỉnh, BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh, Tỉnh đoàn và đơn vị chủ công Báo Quảng Nam. Trong suốt 18 năm qua, các đơn vị đều đã có sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả, tạo cho giải ngày càng phát triển hoành tráng như hiện nay. Được coi là giải xã hội hóa khi các đơn vị tổ chức cùng tham gia đóng góp kinh phí bên cạnh nguồn kinh phí vận động từ các doanh nghiệp (giải năm nay do Ngân hàng NN&PTNT Quảng Nam tài trợ chính, Công ty CP Kính nổi Chu Lai và Ban Quản lý dự án thủy điện Đăk Mi 4 đồng tài trợ), thế nên những nhà tổ chức giải cũng đã dành sự quan tâm hướng đến cộng đồng. Dù giải Việt dã truyền thống Báo Quảng Nam không nằm trong hệ thống thi đấu cấp quốc gia nhưng kể từ khi được mời tham gia, các tỉnh, thành phố đều rất nhiệt tình góp mặt. Lý giải điều này, theo lãnh đạo các đoàn, đây là dịp rất tốt cho VĐV cọ xát, nâng cao trình độ chuyên môn. Hơn nữa, việc Ban tổ chức giải hỗ trợ kinh phí cho đoàn để có điều kiện tham gia khiến cho họ khó có thể …từ chối (mỗi năm Ban tổ chức giải hỗ trợ gần 70 triệu đồng cho các đoàn tỉnh, thành phố).
Giải Việt dã truyền thống Báo Quảng Nam qua các năm luôn diễn ra sôi nổi, hấp dẫn.Ảnh: TƯỜNG VY - PHƯƠNG THẢO |
Kết hợp cùng giải đấu trong những năm gần đây là công tác xã hội đầy ý nghĩa, tiết kiệm chi để có nguồn kinh phí dành tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi. Năm nay, 20 em có hoàn cảnh khó khăn của Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm và Lê Thánh Tông sẽ được nhận học bổng vào ngày giải diễn ra với số tiền 2 triệu đồng/suất. Đây rõ ràng là những phần quà hết sức ý nghĩa đối với học trò nghèo trước thềm khai giảng năm học mới 2014-2015.
TƯỜNG VY