5 năm vườn xanh đất học
Quỹ Ươm mầm tài năng đất Quảng do Báo Quảng Nam sáng lập đã tròn 5 tuổi. Tặng thưởng này có thể xem là nguồn tiếp sức cho những gương mặt xuất sắc trên các lĩnh vực học tập, nghiên cứu sáng tạo, thành tích thi đấu thể dục thể thao… Như ngày nắng ấm sẽ ươm thành mùa quả ngọt, hạt hy vọng dành cho những tài năng của đất Quảng tiếp tục được gieo xuống ở “Đất học Quảng Nam”…
Mục đích sáng lập Quỹ Ươm mầm tài năng đất Quảng là vun trồng cho những hạt mầm tài năng xanh tốt. Qua 5 năm, giải thưởng đã trở thành một vườn ươm xanh.
“Ai cũng là một ngôi sao sáng”
Nhớ lại năm đầu tiên khi chương trình bắt đầu thực hiện, có 15 gương mặt tiêu biểu, xuất sắc vượt qua khó khăn để nhận tặng thưởng trị giá 2 triệu đồng/suất ngay trong chương trình “Giai điệu đất học”, chúng tôi đã đọc trong mắt các em niềm tin như được thắp sáng. Lại nhớ câu nói để đời của Mahatma Gandhi “Ai cũng là một ngôi sao sáng. Chỉ có những người không biết đọc bầu trời mà thôi”, những người làm chương trình những năm sau đó hiểu rằng sẽ phải “vượt khó” như những gương mặt của Quỹ Ươm mầm tài năng đất Quảng. Tặng thưởng tăng lên 5 triệu đồng/suất, nhưng giá trị của tặng thưởng không nằm ở con số, mà nhiều hơn thế, là sự chờ đợi vào những tài năng. Nói như nhà báo Lê Văn Nhi - Tổng biên tập Báo Quảng Nam - đơn vị sáng lập Quỹ Ươm mầm tài năng đất Quảng về mục đích của chương trình: “Quỹ là sự chung tay của cả cộng đồng, thể hiện giá trị nhân văn của vùng đất nghèo hiếu học và gợi lên niềm tự hào về truyền thống để đi tới tương lai, chắp thêm đôi cánh cho các em học sinh, sinh viên”.
Trao thưởng Ươm mầm tài năng đất Quảng năm 2012. Ảnh: XUÂN PHÚ |
Từ đó đến nay, đã gần 100 gương mặt được tặng thưởng Ươm mầm tài năng đất Quảng. Nhìn theo “chiều thẳng đứng” của sự học, chúng tôi thấy được bên cạnh niềm đam mê, sự sáng tạo của những tài năng còn là câu chuyện của hoàn cảnh và số phận. Hay đáng nói hơn nữa là những phấn đấu không mệt mỏi để khẳng định tên mình khi theo dõi bước đi của các tài năng từng được nhận thưởng tại Báo Quảng Nam. Những cái tên như Nguyễn Thành Phi, Dương Quốc Tín, Thủy Ngọc Phong, Thái Nguyên Dung, Phan Thế Hoàng… thỉnh thoảng lại xuất hiện trên truyền thông một cách đầy hãnh diện vì những thành tích mới. Hoặc ít ra, quá trình phấn đấu, những ghi dấu nho nhỏ về kết quả nỗ lực được các bạn viết lại trên trang cá nhân mạng xã hội cũng khiến nhiều người ngưỡng mộ. Nguyễn Thành Phi nói sẽ tiếp tục ở Mỹ sau khi tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Kinh tế quản trị tại Đại học Mount Ido, Newton bang Massachusetts để tiếp tục tìm kiếm cơ hội học tập và phấn đấu. Phan Thế Hoàng trên con đường trở thành tiến sĩ nghiên cứu tại Úc vẫn thích thú với những sân chơi thể thao, tìm kiếm tài năng. Hay Thủy Ngọc Phong - cậu sinh viên của Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh vẫn miệt mài với những sáng tạo robocon, thủ lĩnh cho các nhóm yêu thích kỹ thuật robot, giới thiệu các em học sinh ở Quảng Nam đến với những sân chơi trong khu vực và toàn quốc… Tất cả điều này, chúng tôi đọc được từ những ngôi sao sáng trong vườn ươm tài năng đất Quảng trong suốt 5 năm qua.
Hoa trên đất học
Từ mục đích đề ra ban đầu là bảo trợ cho các tài năng trẻ của đất Quảng, sau 5 năm, Quỹ Ươm mầm tài năng đất Quảng đã có một vườn xanh đất học và những bông hoa mới. Ngoài những ngôi sao tài năng và nhiều hoàn cảnh của số phận, “khu vườn này” có cả những tấm lòng thơm thảo biết chia sẻ với cộng đồng. Võ Thị Như Trang (được nhận thưởng năm 2012) năm nay lại đem đến cho những người làm chương trình sự xúc động khi trong hồ sơ của em thêm nhiều dấu gạch đầu dòng thành tích. Trong đó, đáng chú ý nhất là lời hứa của em trong chương trình trao thưởng Quỹ Ươm mầm tài năng đất Quảng 2 năm trước, nay đã thành hiện thực: Sáng lập ra Câu lạc bộ nhân ái giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, đậu đại học và vượt qua bệnh tật. Như Trang đã hoàn thành hết những lời hứa này với một ý chí phấn đấu không ngừng. Nhưng Như Trang nói, chưa dừng lại ở đó, những mơ ước của Trang còn nhiều hơn, xa hơn kể từ khi được nhận tặng thưởng Ươm mầm tài năng đất Quảng.
Một nhà tài trợ đã đồng hành với Quỹ Ươm mầm tài năng đất Quảng của Báo Quảng Nam phát biểu: “Mong ước của chúng tôi là được chắp cánh cho những tài năng hôm nay sẽ trở thành nhân tài cho mai sau. Hẳn nhiên, con đường từ tài năng trở thành nhân tài sẽ rất gian lao và nhiều thử thách. Nhưng chúng tôi đặt niềm tin ở các bạn”. Và cùng những người đồng hành với chương trình trong suốt 5 năm qua, Quỹ Ươm mầm tài năng đất Quảng luôn kỳ vọng, và cũng chưa bao giờ vơi nhiệt huyết trên con đường tìm kiếm tài năng của đất Quảng.(BÌNH ANH)
Cho tôi biết ước mơ
Năm 2012, tôi chỉ là một cô gái bệnh tật biết vươn lên kiếm tìm sự sống cho mình. Những trang viết đầy tình người trong khoảng thời gian tôi chống chọi với căn bệnh ung thư đã mang lại cho tôi một số giải thưởng vinh dự. Và Quỹ Ươm mầm tài năng đất Quảng là một trong số đó. Sau khi được ban điều hành trao thưởng và được vinh danh trong top 17 gương mặt tiêu biểu, tôi không chỉ có thêm niềm tin mà còn biết nuôi nấng ước mơ: Chiến thắng bệnh tật và làm những điều ý nghĩa. Từ những cái vỗ vai, những lời động viên chân tình của ban đại diện Quỹ Ươm mầm tài năng đất Quảng năm ấy, tôi tự nhủ càng phải cố gắng nhiều thêm nữa để không phụ lòng mọi người. Chuỗi ngày điều trị tại nhà, tôi đã cố gắng tập trung ôn lại kiến thức phổ thông để tham dự kỳ thi đại học năm 2012. Cuối cùng, những nỗ lực của tôi cũng kết thành quả, tôi thi đỗ vào ngành văn học, khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng.
Nhà tôi vốn đã nghèo, thương ba mẹ tần tảo, khổ cực làm lụng dưới nắng mưa, tôi dặn lòng không để phiền lòng các đấng sinh thành. Vừa học, tôi vừa dạy thêm, viết bài gửi cộng tác các tòa soạn báo. Tôi mang kết quả học tập của mình đi săn học bổng phi lợi nhuận ở nước ngoài. Tháng 5.2014 vừa qua, tôi vinh dự được nằm trong danh sách 21 tấm gương được vinh danh trong chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt do Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam - Ban Thanh thiếu niên VTV6, Báo Thanh niên và Tập đoàn Hoa Sen phối hợp thực hiện. Trong lần trao giải thưởng Quỹ Ươm mầm tài năng đất Quảng năm 2012, tôi có nói đến nguyện vọng và mục tiêu trong tương lai, đó là thành lập nên CLB Nhân ái Quảng Nam để có thể vận động các bạn học sinh, sinh viên tham gia, tổ chức chương trình giúp đỡ bà con nghèo trên chính quê hương mình. Đồng thời tôi cũng nói đến ước mơ sẽ tiếp tục trên bước đường học tập bằng cách này hay cách khác, dù là con đường ngắn hay dài… Và sau hai năm, những mục tiêu, nguyện vọng và ước mơ ấy trở thành hiện thực.( VÕ THỊ NHƯ TRANG)
“Vàng” của thể thao Việt
Gọi vận động viên (VĐV) Taekwondo Phạm Thị Thu Hiền là tài năng của thể thao Việt Nam chắc không phải đợi đến khi Hiền đoạt Huy chương Vàng (HCV) SEA Games.
Bởi cô gái ở phường Hòa Thuận (TP.Tam Kỳ) đến với võ thuật không sớm nhưng tài năng lại phát triển vượt trội. Năm 2009, cô bé 15 tuổi Thu Hiền bắt đầu làm quen với Taekwondo cùng huấn luyện viên Nguyễn Ngọc Đình tại Trường Năng khiếu nghiệp vụ TD-TT Quảng Nam. Chưa đến nửa năm tập luyện, Hiền được các nhà tuyển trạch gọi vào đội tuyển trẻ quốc gia. Có thể nói, đường đến đội tuyển trẻ quốc gia của cô gái người Quảng Nam khá nhanh và suôn sẻ mà ít có VĐV nào có được. Tháng 5.2013, khi vừa bước sang tuổi 18, Phạm Thị Thu Hiền cũng trưởng thành về mặt chuyên môn khi thuyết phục được ban huấn luyện chuyển lên đội tuyển quốc gia để chuẩn bị cho đấu trường quan trọng của thể thao nước nhà là SEA Games 27.
Con đường khá bằng phẳng và dường như không có chông gai nào của cô gái trẻ đất Quảng làm không ít người tỏ ra lo ngại. Bởi, hành trang đến với SEA Games 27 của Hiền không có thành tích nào đáng nói, thậm chí là… quá xoàng! Thành tích cao nhất cũng không mấy người nhớ bởi chỉ là tấm huy chương đồng giải vô địch quốc gia năm 2012. Tuy nhiên, Thu Hiền lại bất ngờ tỏa sáng trong lần đầu tiên thi đấu SEA Games trên đất Myanmar khi đoạt HCV nội dung đối kháng hạng cân 62kg. Rõ ràng, khâm phục “con mắt tinh đời” khi quyết định chọn Phạm Thị Thu Hiền xung trận tại SEA Games 27 của ban huấn luyện đội tuyển Taekwondo quốc gia bao nhiêu thì càng nể phục tài năng và bản lĩnh của VĐV 18 tuổi này bấy nhiêu. Lần đầu tiên bước ra đấu trường lớn với nhiều sức ép, đặc biệt khi phải lần lượt đối đầu nhà vô địch thế giới người Thái Lan ở trận bán kết và VĐV nước chủ nhà trong trận chung kết, thế nhưng cô gái trẻ đất Quảng đã xuất sắc vượt qua để đăng quang.
Tại lễ khai mạc Đại hội TD-TT tỉnh Quảng Nam lần thứ VII năm 2014, Thu Hiền vinh dự được cầm ngọn đuốc rước từ Đài lửa Bảo tàng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh về thắp sáng đại hội. Không chỉ đem về cho đất nước tấm HCV SEA Games 27 danh giá vừa qua, cô gái Quảng Nam còn được coi là “vàng” của thể thao Việt Nam khi thuộc lứa VĐV trẻ tài năng quốc gia đang được tập trung đào tạo bài bản dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Hàn Quốc nhằm hướng đến các giải đấu tầm cao hơn, chẳng hạn như ASIAD.(TƯỜNG VY)
Ước mơ không dừng lại
Những ngày này, cậu học trò Đoàn Nguyễn Thành Lương (cựu học sinh Trường THCS Lý Tự Trọng, TP.Tam Kỳ) đã trở lại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP. Đà Nẵng) để theo học. Món quà cho tuổi 16 của cậu học trò xứ Quảng là giải Nhất phần thi lập trình cứng Hội thi tin học trẻ không chuyên toàn quốc lần thứ XX do Trung ương Đoàn tổ chức, bổ sung vào bảng thành tích dày cộm: Huy chương Vàng môn Tin học kỳ thi Olympic 30.4 lần thứ XX năm học 2013-2014; Huy chương Vàng Olympic Chuyên khoa học tự nhiên, cùng hàng loạt giải thưởng cấp thành phố và cấp tỉnh với môn Toán, môn Tin học và các sản phẩm phần mềm do mình tự lập trình. Một bộ sưu tập thành tích đáng mơ ước của cậu học trò chỉ mới đang học lớp 11.
Đoàn Nguyễn Thành Lương (ngoài cùng bên phải) tại lễ tuyên dương của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. |
Lương kể, hồi tiểu học Lương khá yêu thích lịch sử nên có thử dùng máy tính để tìm hiểu về các danh nhân và sự kiện. Lương đã gõ tên một vị vua vào trang tìm kiếm Google và vô cùng ấn tượng với các thông tin hiện ra, rất phong phú và sinh động, không sách vở nào có được nhiều thông tin như vậy. Sau khi đọc các nội dung về tiểu sử của ông, Lương còn thử click vào một trò chơi điện tử liên quan đến ông và rất ngưỡng mộ những kỹ sư lập trình đã tạo ra trò chơi đó. Từ đó, cậu học trò bắt đầu dành nhiều thời gian sử dụng máy tính và tìm tòi nguyên lý hoạt động của các phần mềm, với một tâm trạng nóng lòng muốn tạo ra những sản phẩm công nghệ bằng chính sức mình. “Phần mềm đầu em lập trình thành công là một chương trình download... các bài nhạc tính phí trên mạng. Dù có vẻ mang tính “tội phạm” nhưng em vẫn được bạn bè dùng thử ủng hộ và động viên. Sau này nhớ lại cũng thấy hơi kỳ kỳ”- Lương cười.
Đoạt giải Nhất phần thi lập trình phần cứng Hội thi Tin học trẻ không chuyên toàn quốc lần thứ XX là một bất ngờ với Lương và các bạn trong nhóm. Bởi đây là năm đầu tiên kỳ thi này bổ sung thêm bảng E thi lập trình phần cứng, và việc phổ biến cũng được thực hiện khá muộn nên Lương hầu như khá bị động khi được Sở GDĐT thông báo rằng em được chọn dự thi. Đến giờ, cậu học trò nhỏ vẫn còn nhớ cảm giác hân hoan và tự hào khi được Bí thư Trung ương Đoàn trao tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ sáng tạo”.
Vượt qua nhiều hồ sơ tham dự giải thưởng “Ươm mầm tài năng đất Quảng” của Báo Quảng Nam, Lương chia sẻ rằng em rất vui vì những cố gắng của mình lại một lần nữa được ghi nhận. “Em mong rằng giải thưởng ý nghĩa này sẽ tiếp tục được duy trì, cũng như tăng thêm số lượng giải được trao bởi em thấy trong số bạn bè của em có rất nhiều người tài giỏi về khoa học, kỹ thuật và thật tuyệt nếu ai trong họ cũng được trao giải để động viên, khích lệ tinh thần học tập”- Lương cho biết.
Lương nói rằng ước mơ của em là trở thành ông chủ của một công ty về công nghệ để những ý tưởng và sáng tạo của mình có thể ứng dụng vào thực tế. Hành trình phía trước đang còn dài, và với Lương, giải thưởng do Báo Quảng Nam trao tặng lần này sẽ là một động lực ươm mầm cho những cố gắng và nghị lực của cậu học trò vươn xa…(PHƯƠNG GIANG)
Đội ngũ say mê Sử học
Một điều khá thú vị trong hồ sơ tham gia giải thưởng “Ươm mầm tài năng đất Quảng” lần này là có ba đồng môn, cùng đồng hạng giải Nhì môn Lịch sử tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2013 - 2014: Trịnh Nhật Tường Vy, Bùi Thị Tường Vi và Nguyễn Thanh Phong.
Ba đồng môn của đội Sử cùng thầy giáo chụp hình lưu niệm với Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Ngọc Hoàng tại lễ nhận giải, tuyên dương học sinh giỏi quốc gia tại Hà Nội. |
Bùi Thị Tường Vi nhỏ nhắn, lanh lợi và khá hoạt ngôn. Cô bé lớp chuyên Sử Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm nuôi lý tưởng khá lớn với môn học em đang theo. “Ban đầu em chọn môn Sử bởi vì đơn giản là tự hào tinh thần cách mạng của dân tộc Việt Nam. Nhưng sau khi được sự rèn luyện và chỉ bảo từ thầy cô, đặc biệt là thầy Khoa, em đã hiểu rõ hơn lịch sử thật sống động và tiềm ẩn vô vàn điều thú vị. Em chọn môn Sử và trở nên mạnh mẽ hơn nhờ nó”- Tường Vi cho biết. Trong kỳ thi vượt cấp lớp 12, em xuất sắc lọt vào đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia của tỉnh, và cũng là em út của đội tuyển năm này. Không hề thua kém các anh chị, bằng bản lĩnh và kiến thức trau dồi được với một cách học hợp lý, Bùi Thị Tường Vi - ngay trong lần đầu tiên thử sức ở cuộc thi quy mô quốc gia, đã mang giải Nhì về cho Quảng Nam.
Danh sách 14 gương mặt tiêu biểu ghi tên “hạt giống tài năng” trong lần trao thưởng Ươm mầm tài năng đất Quảng lần thứ 5. 2014 1. UNG TẤN ĐỨC (TAM KỲ) 2. VÕ QUANG HƯNG (PHÚ NINH) 3. TRẦN THỊ DIỆU HÒA (TAM KỲ) 4. NGÔ ĐÌNH HY (DUY XUYÊN) 5. PHẠM THỊ THU HIỀN (TAM KỲ) 6. ĐOÀN NGUYỄN THÀNH LƯƠNG (TAM KỲ) 7. BÙI NHƯ MỸ (NÚI THÀNH) 8. PHAN THỊ HỒNG NHÂN (PHÚ NINH) 9. NGUYỄN THANH PHONG (TAM KỲ) 10. LÊ BẢO TRANG (NÚI THÀNH) 11. VÕ THỊ NHƯ TRANG (ĐIỆN BÀN) 12. TRỊNH NHẬT TƯỜNG VY (TAM KỲ) 13. BÙI THỊ TƯỜNG VI (TAM KỲ) 14. MAI THỊ XÍ (HỘI AN) |
Riêng với Trịnh Nhật Tường Vy, cô gái này lại chọn cho mình con đường truyền cảm hứng và tình yêu môn Sử đến với các thế hệ tương lai. Còn hơn 1 tuần nữa là Vy khăn gói vào Nam theo học tại Trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh, chuyên ngành Sư phạm Sử. “Môn lịch sử không phải môn học thuộc bài, nếu đam mê thật sự thì khi đọc Sử sẽ hiểu ý nghĩa từng loại sự kiện, từng mốc thời gian và sẽ có những liên tưởng thú vị đến hiện tại và tương lai” - Vy nói. Chọn cách trở thành một cô giáo dạy Sử, Vy mong muốn bằng tình yêu với bộ môn này, em sẽ tìm cách để ý nghĩa của những sự kiện lịch sử len lỏi đến với mỗi thế hệ học trò trong tương lai.
Còn Nguyễn Thanh Phong - chàng trai quê xứ biển khiến ai cũng thán phục khi nhìn vào bảng thành tích. Lớp 10, Phong được Huy chương Vàng Olympic toàn miền Nam Bộ môn Sử, lớp 11, môn Sử tiếp tục mang đến cho em Huy chương Bạc Olympic toàn miền Bắc. Năm học vừa rồi, Nguyễn Thanh Phong giành được giải Nhất kỳ thi HSG cấp tỉnh, và ẵm luôn giải Nhì quốc gia bộ môn này. Hoàn cảnh gia đình khá đặc biệt, khi cả ba mẹ em đều làm nghề nông và nuôi 4 anh chị em đang trong tuổi đến trường. Phong chọn cho mình vào Trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh, trong khi anh trai của em cũng đang chuẩn bị hành lý để nhập học Học viện Biên phòng tại Hà Nội. Không nói nhiều về hoàn cảnh gia đình, cuộc gặp gỡ với Phong chừng như xoay quanh ý chí, nỗ lực của người anh cả: Nguyễn Thanh Châu. Phong nói, mọi thành tích Phong có được hôm nay, ngoài đam mê, còn được tiếp thêm ý chí từ người anh trai mình. Châu hơn Phong 2 tuổi, học xong THPT, Châu chọn con đường nhập ngũ để ba mẹ đỡ bớt lo toan. Trong quân đội, tranh thủ những giờ nghỉ, Châu ôn luyện và trúng tuyển vào Học viện Biên phòng. Chọn một ngôi trường quân đội, phần vì yêu thích, thêm phần nữa, ấy là vì khi học trường này, ba mẹ sẽ không phải lo về học phí, sinh hoạt cho anh trai, Phong nói vậy. Còn Phong, khi được hỏi gia đình đã chuẩn bị gì để em khăn gói vào Nam sắp tới, em cho biết, hiện tại vì 2 cậu em út đã khai giảng, nên mọi kinh phí dành cho em đi học vẫn chưa có. “Suất học bổng Ươm mầm tài năng do Báo Quảng Nam trao tặng, em sẽ để dành làm học phí đến trường đại học”- Phong nói.(LÊ QUÂN)