Kiên trung trên đất anh hùng

DIỄM LỆ 29/08/2014 09:17

Truyền thống cách mạng của gia đình bà Nguyễn Thị Thi và ông Nguyễn Văn Chiến (thôn Vĩnh Đại, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành)- 3 đời có 5 mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH), 11 liệt sĩ (LS)- luôn là điểm tựa cho bao thế hệ con cháu.
Điểm tựa cách mạng

Những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thế trận lòng dân là điểm mạnh của cách mạng. Những người dân Núi Thành như gia đình ông Chiến, bà Thi là địa điểm nuôi giấu cách mạng, tiếp tế lương thực trong suốt thời gian dài trước khi bị phát hiện. Nhà bà Thi thời ấy vườn rộng nên được trồng rất nhiều khoai bồ. Ở dưới những luống khoai xanh tốt kia là hệ thống hầm hào bí mật, cán bộ và bộ đội ban ngày ẩn nấu, ban đêm hoạt động. Cả gia đình bà Thi gồm 9 người con phụ giúp cha mẹ ban ngày trồng khoai, làm lúa. Đến đêm, những đôi tay lại nhịp nhàng tiếng chày giã gạo, làm sao cho đủ lượng gạo để cách mạng tiếp tế cho tiền tuyến. Vừa giã gạo, họ vừa làm nhiệm vụ cảnh giới, để bộ đội họp bàn phương án đánh giặc.

Đại tướng Lê Hồng Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước thăm gia đình Mẹ VNAH Lương Thị Hân. Ảnh: D.L
Đại tướng Lê Hồng Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước thăm gia đình Mẹ VNAH Lương Thị Hân. Ảnh: D.L

Mẹ VNAH Lương Thị Hân nhớ lại: “Hồi đó, nhà bà nội Thi cũng như nhà của tất cả những người con trai của bà đã ra ở riêng sau khi có gia đình đều là cơ sở cách mạng. Tôi không thể quên được chồng tôi là LS Nguyễn Sum đã bị đánh đến chết mà vẫn không khai. Các chú thím, anh chị trong gia đình đều một lòng một dạ bảo vệ cách mạng, đã ngầm thề hứa với nhau dù có chết khi bị phát hiện thì cũng không có việc khai báo”. Gia đình Mẹ Hân bị phát hiện sau một đợt tuần tra. Lúc này, cán bộ và bộ đội đã được báo động từ trước đó một hôm nên khi địch đến, người và khí tài đều đã thoát ra an toàn. Nhưng ông Sum thì bị bắt. Những người con của ông Sum vào thăm, đau đớn nhìn cha thân thể đầy vết thương do bị tra tấn, máu ướt đỏ cả người. Dù vậy, ông Sum vẫn bảo các con, nếu có bị tra hỏi cũng trả lời là “Không biết”. Ông dặn dò các con chỉ bao nhiêu đó, trước khi bị đánh đến gần chết mới được thả về nhà. Ông về chưa được một ngày thì mất.

Tiếp bước

Trong thời gian từ năm 1961 đến 1973, gia đình bà Thi liên tục nhận tin báo tử. Những cái tin ấy vẫn không làm sờn ý chí của những người tiếp sau, họ vẫn tiếp bước cha, chú, anh để đi về phía cách mạng, nơi cách mạng cần. Bà Thi có 9 người con thì 2 người hy sinh khi kiên quyết bảo vệ cơ sở cách mạng là LS Nguyễn Mậu và Nguyễn Cư. Vợ của 2 LS này là bà Nguyễn Thị Huynh và bà Võ Thị Rớt tiếp tục sống, nuôi con, làm cơ sở cách mạng. Rồi những người mẹ lại tiễn đưa con thoát ly tham gia cách mạng để khỏi bị bắt đi lính. Sau khi chồng là LS Nguyễn Mậu hy sinh, bà Huynh lại nhận tin báo tử của con trai Nguyễn Ngọc Hoàng, lúc đó là bộ đội thuộc Sư đoàn 2, đang chiến đấu tại huyện Thăng Bình. Bà Rớt vợ LS Nguyễn Cư dù chồng đã hy sinh, vẫn tiễn đưa 3 người con trai đi bộ đội, rồi đón nhận những cái tin sét đánh báo về từ tiền tuyến khi cả ba đều hy sinh. Tiếp tục đến người con dâu thứ ba của bà Thi là bà Thái Thị Lược tiễn chồng và 3 con trai tham gia cách mạng. Rồi đến bà Hân là cháu dâu lại dâng hiến cả sự sống của gia đình, chồng con mà tâm không hề nao núng, bởi lúc đó chỉ có một ý nghĩ duy nhất, sống vinh quang thì chết phải vẻ vang, sống cuộc sống dành cho cách mạng thì phải sống cho trọn vẹn lời thề.

Ông Nguyễn Văn Chung - cháu nội bà Thi, tâm sự: “Lúc còn sống, thím Lược chỉ còn một mong ước chưa trọn, đó là tìm được hài cốt của 3 người chú. Gia đình đã tìm bằng mọi cách, nhưng vẫn chưa thể thấy hài cốt của các chú”. Bây giờ, gia đình bà Thi có 4 người mẹ đã được công nhận Bà mẹ VNAH là Mẹ Lược, Mẹ Rớt, Mẹ Huynh, Mẹ Hân (người duy nhất còn sống), riêng bà Thi đã hội đủ điều kiện được công nhận danh hiệu vinh dự Bà mẹ VNAH, hồ sơ đang trình lên Chủ tịch nước xem xét công nhận trong đợt 2.9 này. “Mong ước của gia đình là xây được một nhà thờ chung, trong đó sẽ lưu giữ toàn bộ truyền thống cách mạng vẻ vang của gia đình, làm nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ con cháu và cả các cháu thanh thiếu niên của xã, huyện. Nhưng đó vẫn chỉ là mong ước, bởi hiện tại gia đình chưa đủ điều kiện để thực hiện điều ấy” - ông Chung nói.

DIỄM LỆ

DIỄM LỆ