Nâng cao chất lượng giáo dục

K. KHIÊM - P. LỘC 28/08/2014 09:54

Bước vào năm học mới, huyện Điện Bàn đã tập trung mọi nguồn lực nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.

Nâng cao chất lượng

Nói về kết quả nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục, thầy giáo Nguyễn Tấn Ngọc - Trưởng phòng Giáo dục đào tạo Điện Bàn cho hay, các trường mầm non, mẫu giáo hay cơ sở giáo dục mầm non tư thục (có giấy phép hoạt động) đều đã tổ chức bán trú. Điều đáng mừng là việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới, tổ chức giảng dạy bằng giáo án điện tử và áp dụng triệt để chuyên đề “Phát triển vận động của trẻ trong trường mầm non” và bộ chuẩn 5 tuổi; đưa 120 chỉ số vào 10 chủ đề để đánh giá các chỉ số đạt được trên trẻ triển khai một cách hiệu quả và chính xác. Nhà trường đã phối hợp với các trạm y tế xã khám bệnh cho trẻ theo định kỳ, thực hiện tiêm chủng đầy đủ và kiểm tra bằng sổ theo dõi sức khỏe. Các cháu được nuôi dạy chăm sóc tốt, không có trường hợp gây thương tích cho trẻ, các dịch bệnh không xảy ra, không có trẻ bị ngộ độc thức ăn. Trong năm học 2013 - 2014 vừa qua, Trường Mẫu giáo Phan Triêm (xã Điện Quang) đạt kiểm định chất lượng mức độ 3.

Xã hội hóa giáo dục đang được huyện Điện Bàn đẩy mạnh. Ảnh: P.L
Xã hội hóa giáo dục đang được huyện Điện Bàn đẩy mạnh. Ảnh: P.L

Chú trọng nâng cao giáo dục ở các bậc học, các trường tiểu học và THCS ở Điện Bàn đã có nhiều bước tiến mới trong dạy và học. Đối với bậc tiểu học, việc tổ chức dạy 2 buổi/ngày và trên 5 buổi/ tuần được mở rộng làm chất lượng giáo dục tăng lên rõ rệt và giảm áp lực học sinh phải học thêm ở nhà. Nỗ lực đó của cán bộ và giáo viên được ghi nhận khi học sinh giỏi môn Tiếng Việt tăng 2,4%, môn Toán tăng 2,8%. Năm học 2013 - 2014, huyện tiếp tục có 2 trường đạt kiểm định chất lượng mức độ 3. Trong khi đó, công tác tuyển sinh tại bậc THCS đạt hiệu quả cao và huy động tất cả học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6. Thầy giáo Nguyễn Tấn Ngọc cho biết, mối liên hệ giữa nhà trường với gia đình, các hội, đoàn thể, ban ngành tại địa phương cũng như Ban nhân dân các thôn ngày thêm thắt chặt. Nhờ vậy, trường quản lý tốt hơn sự chuyên cần và nắm bắt tình hình học sinh bỏ học nhiều ngày, kịp thời vận động giúp đỡ những em có nguy cơ bỏ học và bỏ học giữa chừng ra lớp. Hầu hết cán bộ và giáo viên thực hiện đổi mới phương pháp và thực hiện dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Cuối năm học có 2.751 em tốt nghiệp THCS; đạt tỷ lệ 99,85%, tăng 0,15% so với năm học trước.

Xã hội hóa giáo dục

Cuối năm học 2013 - 2014, Điện Bàn được công nhận 1 trường mẫu giáo đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; 2 trường THCS đạt chuẩn quốc gia theo quy định mới. Ngoài ra, huyện còn có 5 trường tiểu học đang đề nghị tỉnh kiểm tra công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và mức độ 2. Tính đến nay, Điện Bàn có 62/68 trường công lập trực thuộc được tỉnh kiểm tra công nhận đạt chuẩn quốc gia, là một trong những đơn vị dẫn đầu cả tỉnh về số lượng trường đạt chuẩn quốc gia. Các xã, thị trấn đã hoàn thành phổ cập mẫu giáo 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi ở mức độ 2; phổ cập THCS đúng độ tuổi và phổ cập bậc trung học các trình độ học vấn.

Xã hội hóa giáo dục ở Điện Bàn được phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu là điều ai cũng thừa nhận. Nhiều nguồn lực được huy động từ xã hội để đầu tư phát triển cơ sở vật chất cho giáo dục mang lại nhiều kết quả tích cực. Một số xã, thị trấn còn mở đại hội giáo dục hoặc hội nghị bàn về công tác xây dựng và phát triển giáo dục, nhằm đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Bằng nhiều hình thức khác nhau, các trường đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương vận động các lực lượng đóng góp xây dựng, tu sửa cơ sở vật chất phòng lớp, mua sắm trang thiết bị, máy móc phục vụ dạy học. Điển hình mới đây, Trường Mẫu giáo Điện Tiến (cơ sở 2) đã được xây dựng mới với kinh phí gần 2,2 tỷ đồng. Trong đó, bà Nguyễn Thị Thu Cúc (Việt kiều Pháp), người con quê hương Điện Bàn tài trợ 1,52 tỷ đồng. Công trình này được đưa vào sử dụng sẽ cải thiện điều kiện học tập và giảng dạy theo yêu cầu đổi mới giáo dục; góp phần tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Ở Điện Bàn, nhiều cá nhân, tổ chức cũng rất quan tâm đến “kích cầu” thi đua trong trường học. Thầy giáo Đỗ Hữu Tào - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Thanh (Điện Quang) cho hay, nhân lễ bế giảng và phát thưởng năm học 2013 - 2014, nhà trường đã nhận được nhiều sự quan tâm của các tổ chức, bà con đồng hương. Trong đó, Ban đại diện cha mẹ học sinh, Ban khuyến học tộc Phan Bảo An, Hội đồng hương Điện Quang tại TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất - kinh doanh tổng hợp Điện Quang, cựu học sinh Trường Tiểu học Bảo An - Phú Tân tại Đà Nẵng, gia đình các ông Phan Diễn, Phan Như Thạch, Phan Triêm, Lê Việt Tấn, Trần Công Châu, Phan Xuân Cáo… trao tặng gần 30 triệu đồng để khen thưởng cho giáo viên, học sinh đạt thành tích cao. Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tâm sự, những phần thưởng đó dành cho các thầy giáo, cô giáo và học sinh là rất xứng đáng. Đó là ghi nhận sự nỗ lực của thầy và trò, là chất xúc tác thúc đẩy giáo dục ngày càng phát triển đi lên.

K. KHIÊM - P. LỘC

K. KHIÊM - P. LỘC