Trăn trở với năng lực cạnh tranh - Kỳ 2: Giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh

ĐĂNG QUANG 27/08/2014 16:10

(QNO) - Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Quảng Nam trong những năm gần đây tiếp tục duy trì ở nhóm Khá, Tốt. Vì vậy, con đường để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, vươn lên nhóm Rất Tốt  là hành trình dài, đầy khó khăn và thử thách. 

  • Trăn trở với năng lực cạnh tranh - Kỳ 1: Nhận diện
Đầu tư mạnh vào dịch vụ logistics sẽ tăng tính cạnh tranh của tỉnh.
Đầu tư mạnh vào dịch vụ logistics sẽ tăng tính cạnh tranh của tỉnh.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Để cải thiện chỉ số PCI, nâng cao vị thứ trên bảng xếp hạng, Quảng Nam cần có sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đối với các sở, ban, ngành, các địa phương về việc đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường tuyên truyền chủ trương, cơ chế chính sách của tỉnh về phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn mới. Trong 2 năm qua, Quảng Nam đã tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như tích cực thực hiện các nghị quyết  của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh  cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư; làm tốt công tác xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, chú trọng đào tạo nghề cho lao động...

Trên thực tế ở một số lĩnh vực cụ thể đã đạt được những kết quả tích cực như giảm bớt các thủ tục giấy tờ, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính; số hội chợ thương mại do tỉnh tổ chức trong năm tăng… Nhờ vậy, phân tích PCI năm 2012 và 2013 cho thấy một số chỉ số thành phần đã được cải thiện và tăng điểm so với các năm trước. Cần tiếp tục phát huy tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh; hoàn thiện thiết chế pháp lý; tăng tính minh bạch trong tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất. Các trang thông tin, cổng thông tin điện tử của tỉnh cùng cơ quan truyền thông đại chúng như Đài Phát thanh truyền hình Quảng Nam, Báo Quảng Nam cần tiếp tục đăng tải thông tin cần thiết cho doanh nghiệp. (Hiện Báo Quảng Nam, cơ quan ngôn luận của Tỉnh ủy đã có chuyên mục Cải cách hành chính và đặc biệt là phụ trang Đầu tư – Du lịch bằng tiếng Anh trên báo điện tử để góp phần quảng bá môi trường đầu tư Quảng Nam).

Kết quả từ PCI năm 2012 và 2013 không lạc quan, song cũng có những tín hiệu tốt cần phát huy. Đặc biệt, chỉ số Tính minh bạch và tiếp cận thông tin tăng điểm (0,12 điểm) là điều đáng mừng. Bởi theo thống kê của các nhóm nghiên cứu PCI, việc tăng một điểm của chỉ số Tính minh bạch trong PCI sẽ giúp tăng 13% số doanh nghiệp trên 1.000 dân, 17% đầu tư bình quân đầu người và 62 triệu đồng lợi nhuận trên mỗi doanh nghiệp. (Như vậy, có thể tính mức tương ứng của Quảng Nam, tăng hơn 1,3% số doanh nghiệp, hơn 1,7% đầu tư bình quân đầu người và hơn 6,2 triệu đồng trên mỗi doanh nghiệp).  

Khắc phục điểm yếu

Các chỉ số thành phần trong PCI năm 2013 đã giảm điểm là: Chi phí gia nhập thị trường; Chi phí không chính thức; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; Đào tạo lao động. Để cải thiện và khắc phục điểm yếu ở các chỉ số này, cần chú trọng các mặt sau:

Trong công tác cải cách thủ tục hành chính nói chung và thủ tục liên quan đến đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng cần thực hiện tốt cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp; phổ biến rộng rãi và niêm yết công khai tại công sở các quy chế, quy trình và các thủ tục hành chính, nhằm giảm thiểu thời gian tìm hiểu cũng như chi phí gia nhập thị trường cho các nhà đầu tư. Thực hiện tốt các nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường và phát triển doanh nghiệp.

THACO Trường Hải - doanh nghiệp đóng góp ngân sách hàng đầu cho Quảng Nam.
THACO Trường Hải - doanh nghiệp đóng góp ngân sách hàng đầu cho Quảng Nam.

Các sở, ban, ngành và các địa phương cần tăng cường sự phối hợp trong việc hoạch định, thực thi chính sách, quy hoạch, kế hoạch và xúc tiến đầu tư. Chú trọng khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động, nhất là đưa các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động phổ thông về khu vực nông thôn, miền núi, các cụm công nghiệp. Làm tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Có chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng để khuyến khích và huy động các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Song hành với những giải pháp trên, cần phải tăng cường công tác giám sát việc thực hiện quy trình, quy định ở cơ quan, đơn vị để không gây cản trở đối với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ công chức, duy trì cơ chế gặp mặt đối thoại thường xuyên giữa chính quyền và doanh nghiệp, trong đó chú trọng đến việc đối thoại theo từng lĩnh vực.

"Xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút các dự án là một trong 3 nhiệm vụ đột phá được Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo quyết liệt. Trên tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 4.5.2009 của Tỉnh ủy về xây dựng, cải thiện môi trường đầu tư, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện; nhờ đó, môi trường đầu tư có những cải thiện đáng kể. Tỉnh đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó có chính sách ưu tiên đối với dự án thu hút đầu tư; công tác cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh; công khai, minh bạch thông tin cho doanh nghiệp; xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại; tiến hành định kỳ tiếp xúc giữa lãnh đạo các ngành với doanh nghiệp, tháo gỡ những khó khăn, động viên khen thưởng kịp thời những đơn vị sản xuất kinh doanh có hiệu quả, thực hiện tốt những nghĩa vụ với Nhà nước... Qua đó, môi trường đầu tư của tỉnh đã được cải thiện, phần nào tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh tại Quảng Nam”.

(Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải)

Chỉ số thành phần mới bổ sung trong PCI năm 2013 về “cạnh tranh bình đẳng”,  nhằm phản ánh yêu cầu của cộng đồng doanh nghiệp về một môi trường kinh doanh bình đẳng, chú trọng đến những lĩnh vực quản lý quan trọng đối với doanh nghiệp và cần cải cách. Ở chỉ số này, yêu cầu cần tiếp tục xử lý, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, tiếp tục tổ chức cổ phần hóa các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần giữ cổ phần chi phối để tạo ra “sân chơi” bình đẳng trong kinh doanh. (Năm 2013, với con số 31% doanh nghiệp trong toàn quốc cho biết việc các doanh nghiệp nhà nước được ưu ái trong lĩnh vực tiếp cận đất đai, tín dụng và mua sắm công là một trở ngại lớn cho hoạt động của họ, là điều đáng cảnh báo).

Trên cơ sở bảng xếp hạng PCI 63 tỉnh, thành trong cả nước, Quảng Nam cần tham khảo và có sự phân tích kỹ hơn các nhóm, hướng đến nhóm Tốt và Rất Tốt, qua đó xem xét học hỏi những điểm hay, vượt trội của các tỉnh bạn (nhất là Đà Nẵng và Quảng Ngãi liền kề) nhằm rút ra kinh nghiệm cho mình.

Chỉ số PCI của tỉnh Quảng Nam trong nhiều năm qua đều nằm ở tốp Khá và Tốt. Điều đó khẳng định, sau khi tái lập tỉnh đến nay, Quảng Nam luôn chú trọng đến công tác thu hút đầu tư, xem các doanh nghiệp là nhân tố quyết định đến phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, do nhiều khó khăn khách quan lẫn chủ quan, việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh có lúc có nơi chưa được như ý muốn, môi trường đầu tư đã cải thiện nhưng chưa đạt như mong mỏi. Do vậy, cần chú trọng hơn đến các chỉ số trong PCI, với những giải pháp đề xuất trên đây, nhằm thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư đến với tỉnh; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đưa Quảng Nam  “cơ bản thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”.

ĐĂNG QUANG

ĐĂNG QUANG