Mỹ Sơn trong mắt học trò
Mười năm đưa chương trình giáo dục di sản vào trường học đã tạo sự chuyển biến lớn về ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị tại Duy Xuyên.
Những “họa sĩ” và “hướng dẫn viên” triển vọng
Không khó để tìm thấy những bức tranh về Mỹ Sơn dưới nhiều góc độ khác nhau hay những thuyết trình viên học sinh bé nhỏ có thể kể vanh vách về di sản văn hóa thế giới như một hướng dẫn viên thực thụ tại các trường học ở Duy Xuyên. Nhìn tác phẩm “Mỹ Sơn trong tim em” của Nguyễn Thị Lệ Xuân (lớp 4A, Trường Tiểu học số I Duy Nghĩa) với nét màu cổ kính, rêu phong trên từng viên gạch đỏ, không ai có thể nghĩ rằng cô học trò này chưa một lần được đến Mỹ Sơn. Xuân nói em không được nhìn thấy Mỹ Sơn bằng mắt, nhưng qua các sách, bài giảng ở trường, các cuộc thi tìm hiểu về di sản, em đã có thể vẽ nên bức tranh đầy màu sắc này.
Bức tranh Mỹ Sơn được vẽ bởi các em thiếu nhi. Ảnh: H.T |
Em Võ Hồng Nhung, học sinh lớp 9/3, Trường THCS Phan Châu Trinh (Duy Châu) được xem là một trong những hướng dẫn viên Mỹ Sơn nhí triển vọng. Cô bé có đôi mắt tròn xoe, “mơ mộng” này đã rất nhiều lần tham gia các hoạt động ngoại khóa và thi thực hành hướng dẫn viên tại Mỹ Sơn. Nhung nói nhiều học sinh ở Duy Xuyên đã tham gia tham quan và tìm hiểu Mỹ Sơn, biết rất nhiều điều về giá trị các di tích tại địa phương thông qua các bài giảng và học tập ngoại khóa. Những chuyến đi, bài học mang lại nhiều điều bổ ích. Những câu chuyện về Mỹ Sơn đã được kể cho khá nhiều bạn bè cùng lứa. Tất cả đều háo hức bước qua khỏi ngưỡng cửa trang sách để đến với vùng đất “kỳ bí” này.
Không chỉ hai em Xuân và Nhung, nhiều học sinh khác của vùng đất di sản này đã “manh nha” thành “họa sĩ” và “hướng dẫn viên” đầy triển vọng. Theo Phòng GD-ĐT Duy Xuyên, trong vòng 10 năm qua, chương trình giáo dục di sản đã lồng ghép được 14.123 tiết học về Mỹ Sơn ở khối tiểu học, 8.530 tiết ở khối THCS và 350 lần tuyên truyền tại các trường học. Thông qua 200 chuyến tham quan, 250 cuộc thi tìm hiểu, 255 lần thi vẽ tranh, 20 lần thực hành hướng dẫn viên du lịch, 37 lần thi thuyết trình tiếng Anh, 39 lần thi sáng tác thơ ca về Mỹ Sơn… nhiều lớp hậu bối Duy Xuyên đã có thêm hiểu biết về Mỹ Sơn; khá nhiều em có thể “hóa thân” thành những hướng dẫn viên “chuyên nghiệp”. Thể hiện rõ nhất là các học sinh tại các trường khu vực gần Mỹ Sơn, có điều kiện trực tiếp tham quan tìm hiểu.
Sức lan tỏa của chương trình
Chương trình giáo dục di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn trong trường học ở Duy Xuyên có sức lan tỏa rất lớn. Những năm đầu thực hiện chương trình chỉ có một số ít trường trên địa bàn các xã gần khu di tích như: Duy Phú, Duy Tân, Duy Thu, Duy Hòa đưa học sinh trực tiếp vào Mỹ Sơn tìm hiểu, tham quan. Năm năm trở lại đây, hầu hết các trường tiểu học, trung học cơ sở tại Duy Xuyên đều thường xuyên tổ chức các đoàn học sinh đến Mỹ Sơn, mở những cuộc thi tìm hiểu lịch sử, giá trị văn hóa di tích, vẽ tranh, nặn tượng… dần bổ sung kiến thức cho học sinh. Thầy giáo Phạm Phú Cường - Tổng phụ trách đội Trường THCS Nguyễn Chí Thanh cho biết, hoạt động ngoại khóa về Mỹ Sơn thu hút rất đông các em học sinh tham gia. Chỉ cần nghe thông báo của nhà trường về hoạt động ngoại khóa tại mỹ Sơn là các em tình nguyện đăng ký rất đông. Trường đã thành lập một đội tuyên truyền di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn đến các lớp và cộng đồng dân cư rất hiệu quả.
Từ hai bộ tài liệu “Giáo dục về di sản văn hóa Mỹ Sơn trong nhà trường” và “Thiết kế hoạt động dạy học, hoạt động tập thể trong chương trình giáo dục về di sản văn hóa Mỹ Sơn” gồm 9 thiết kế bài giảng cho 9 khối lớp từ lớp 1 đến lớp 9, xen kẽ với một số thiết kế cho hoạt động tập thể về chủ đề di sản, các trường trên địa bàn huyện đã không ngừng tìm tòi, sưu tầm các tư liệu giáo dục về di sản, tìm ra những phương pháp sáng tạo, phù hợp để nâng cao hiệu quả giảng dạy cụ thể qua mỗi giờ lên lớp. Ông Lê Trung Thiêng - Phó Trưởng phòng GD-ĐT Duy Xuyên khẳng định, 10 năm thực hiện chương trình giáo dục di sản trong trường học tại huyện đã bước đầu thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức của giáo viên và học sinh cũng như cộng đồng về giá trị di sản.
GIA BẢO