Khuyến học ở làng
Có lẽ ít một làng cổ nào mà nay trở thành một xã như làng Thanh Quýt (xã Điện Thắng Trung, Điện Bàn). Thật vậy, từ xưa (trước khi Dương Văn An soạn Ô châu cận lục năm 1555), làng khi đó mang tên Kim Quất, sau đổi thành Thanh Quất rồi Thanh Quýt như ngày nay. Từ 1954, làng cùng các làng lân cận thuộc xã Thanh Trường dưới chế độ miền Nam. Từ 1975, đổi thành xã Điện Thắng. Từ cuối thập niên 1990, Điện Thắng tách thành 3 xã, trong đó làng Thanh Quýt nằm gọn trong xã mới Điện Thắng Trung. Các nhà xã hội học gọi hiện tượng này là “nhứt xã nhứt làng”, một hình thái đặc trưng với nhiều thuận lợi về văn hóa, truyền thống xã hội, thuần phong mỹ tục…
Với thuận lợi đó, nhiều hoạt động văn hóa, xã hội của xã mới đã phát triển mạnh mẽ từ sự đồng thuận cao của người dân. Nổi bật nhất là công tác xây dựng, trùng tu các thiết chế văn hóa và khuyến học khuyến tài. Đình làng, nhà thờ tộc trở thành nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, khuyến học mang lại nhiều ý nghĩa sâu sắc. Các tộc Nguyễn Hữu, Trương Công, Lê Tự, Nguyễn Văn, Nguyễn Bá… trong thất tộc tiền hiền xưa nay vẫn là các tộc có dân số đông, nhiều sinh hoạt tộc họ nền nếp. Riêng công tác khuyến học, tộc nào cũng có các chi hội hoạt động bài bản. Hàng năm, trước mùa khai giảng, sau khi có kết quả thi tuyển đại học, cao đẳng, ở mỗi nhà thờ tộc lại vang vọng tiếng chiêng trống, rợp cờ hoa cho các buổi lễ tuyên dương con cháu có thành tích học tập tốt. Các cháu học sinh từ tiểu học trở lên, các cháu vừa thi đỗ vào đại học cao đẳng hoặc vừa tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ cùng phụ huynh lại tề tựu trước bàn thờ tổ tiên, thắp nén tâm nhang tưởng nhớ và báo công. Có cháu cho biết đã nhiều lần về nhà thờ, nhưng xúc động và tự hào nhất vẫn là trong dịp được tộc học khen thưởng do những nỗ lực nâng cao thành tích học tập… Năm nay, những tộc vừa kể chọn cùng ngày Chủ nhật 24.8 để tổ chức sự kiện ý nghĩa này, nên cả làng Thanh Quýt như một ngày hội học tập.
Ngoài sự đóng góp của các gia đình tộc viên sống ở địa phương, từ nhiều năm nay, tộc họ nào cũng nhận được tiền, quà của bà con trong tộc sống xa quê từ các thành phố lớn, các tỉnh và cả ở các nước như Mỹ, Úc, Pháp, Canada… gửi về để phát triển quỹ khuyến học. Mỗi tộc lại có những doanh nhân, trí thức thành đạt đóng vai trò hạt nhân trong phong trào, như tộc Nguyễn Hữu có bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, tộc Lê Tự có doanh nhân Lê Tự Kiện, tộc Trương Công có doanh nhân Trương Công Nam, Nguyễn Văn có thạc sĩ Nguyễn Văn Đoàn… Nhờ vậy, sau 10 năm hoạt động, Quỹ khuyến học của các tộc vẫn được duy trì và phát triển. Hằng năm, mỗi tộc có hàng trăm học sinh giỏi các cấp, 10 - 15 con em đậu đại học, cao đẳng, đạt huy chương trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp; người học xong cao học cũng được vinh danh, tặng quà lưu niệm trước tộc đường… tạo ra sức lan tỏa và động viên sâu rộng phong trào khuyến học, khuyến tài.
Từ phong trào khuyến học của tộc họ, đến nay ở xã Điện Thắng Trung đã xây dựng hoàn chỉnh 4 tổ chức cơ sở khuyến học hoạt động liên tục, nền nếp, gồm: tộc họ, thôn, xã, trường học. Phong trào khuyến học rộng khắp và đi vào thực chất đã tạo ra không khí thi đua học tập sôi nổi ở địa phương. Nhờ đó, nhiều gia đình nông dân, tuy cuộc sống còn khó nhọc vẫn chắt chiu lo cho con cháu ăn học đến nơi đến chốn để “nở mày nở mặt” với bà con, làng xã…
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG