Mốc son Hiệp định Genève tại Phú Ninh

XUÂN NGHĨA 25/08/2014 09:20

Cuộc đấu tranh hào hùng 60 năm trước tại Chiên Đàn - An Lâu của cán bộ, nhân dân Phú Ninh cùng các địa phương trong tỉnh đòi thi hành Hiệp định Genève có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng góp phần làm nên đại thắng 1975 thống nhất đất nước.

Miếu Trắng - Chiên Đàn

Cùng chúng tôi đến dâng hương tại di tích lịch sử đấu tranh Chiên Đàn, ông Nguyễn Sỹ Túc, 88 tuổi, cán bộ lão thành cách mạng, 65 năm tuổi Đảng, hiện ở thôn Thạch Hòa 1, xã Tam Đàn kể chuyện 60 năm trước. Khi đó, ông được Chi bộ Chiên Đàn phân công làm nhiệm vụ vận động người dân các xã vùng đông Tam Kỳ không lên khu vực Miếu Trắng - Chiên Đàn đấu tranh mà quay về để bảo vệ an toàn tính mạng cho nhân dân và cán bộ cách mạng. Lúc này, nhiều học sinh Trường Phan Châu Trinh, phân hiệu 2, đóng tại chùa Từ Long, xã Tam Phước do thầy Quách Xân dẫn đầu cũng kéo xuống ngã ba Chiên Đàn đấu tranh phản đối hành động của kẻ thù vi phạm Hiệp định Genève, vi phạm quyền tự do dân chủ, khủng bố nhân dân. Đoàn người biểu tình đưa ra hai yêu cầu: Thả tự do cho những người bị bắt, xây dựng lại các tấm bia, viết lại các khẩu hiệu. Mặc dù quần chúng nhân dân kiên trì đấu tranh ôn hòa, nhưng địch vẫn ngoan cố và quyết đàn áp.

Tuổi trẻ Phú Ninh đến di tích lịch sử Chiên Đàn để hiểu hơn về cuộc đấu tranh thi hành Hiệp định Genève đầu tiên tại Quảng Nam. ảnh: X.N
Tuổi trẻ Phú Ninh đến di tích lịch sử Chiên Đàn để hiểu hơn về cuộc đấu tranh thi hành Hiệp định Genève đầu tiên tại Quảng Nam. ảnh: X.N

Trước tình hình diễn biến phức tạp, Huyện ủy tổ chức cuộc họp tại nhà bà Trương Thị Nghị, thôn Thạnh Mỹ (nay thuộc thôn Thạnh Hòa 2, xã Tam Đàn), dưới sự chủ trì của đồng chí Huỳnh Hòa, Bí thư Huyện ủy Tam Kỳ cùng các đồng chí Nguyễn Tráng, Nguyễn Du, Đinh Niệm. Huyện ủy chủ trương vận động nhân dân thay đổi phương thức đấu tranh nhằm tránh gây thương vong như: Cử người đại diện viết đơn khiếu kiện gửi lên Ủy ban giám sát thực thi hiệp định của quốc tế đóng tại Đà Nẵng yêu cầu can thiệp, ngăn chặn hành động khủng bố, đàn áp của địch, chỉ đạo hạn chế tập trung đông người. Ngày 28.9.1954, cuộc đấu tranh biến thành cuộc biểu tình với quy mô lớn. Cuộc đấu tranh kéo dài đến ngày thứ 3, để tránh sự tổn thất không cần thiết, Huyện ủy Tam Kỳ chỉ đạo kiên quyết vận động nhân dân chuyển hướng cuộc đấu tranh.

Cuộc đấu tranh ngã ba An Lâu

“Cuộc đấu tranh tại Chiên Đàn - ngã ba An Lâu đòi thực thi Hiệp định Genève vào năm 1954, tuy diễn ra trong thời gian ngắn và bị địch đàn áp dã man, nhưng đã thể hiện tinh thần yêu nước mạnh mẽ, truyền thống đấu tranh anh dũng của nhân dân Phú Ninh nói riêng trong việc bảo vệ thành quả cách mạng. Đó cũng là bài học sâu sắc về hình thức đấu tranh của nhân dân ta chống lại kẻ thù trong hoàn cảnh Đảng ta phải rút vào hoạt động bí mật và không có lực lượng vũ trang hỗ trợ. Cuộc đấu tranh ở Chiên Đàn -  ngã ba An Lâu là lời cảnh báo đanh thép đối với bọn tay sai; đồng thời tạo nền tảng để nhân dân ta tiếp tục đấu tranh và giành thắng lợi sau khi Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng khóa II ra đời”.
Ông Huỳnh Kim Kính, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND Phú Ninh.

Cùng với các địa phương khác của huyện Tam Kỳ cũ; Đảng ủy và nhân dân xã Tam Lãnh quyết tâm thực hiện các điều khoản đã ký kết của Hiệp định Genève; bố trí, sắp xếp lại tổ chức đảng, thành lập chi bộ mới. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền về đường lối, phương châm đấu tranh của Đảng cho quần chúng, hướng dẫn nhân dân đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Genève; treo khẩu hiệu, dựng bia tuyên truyền tại những nơi đông dân cư. Nhưng địch cố tình phá bỏ các điều khoản đã ký kết của hiệp định, cho quân đóng các đồn xung quanh ngã ba An Lâu, tổ chức lùng sục khắp nơi bắt những đảng viên ở lại hoạt động bí mật, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động của nhân dân trong xã.  

Bức xúc sự ngang ngược, trắng trợn vi phạm hiệp định của địch, nhân dân xã Tam Lãnh nổi dậy đấu tranh. Cụ Phạm Chánh, hơn 70 tuổi, nguyên là lý trưởng làng An Lâu, đại diện cho nhân dân trực diện đấu tranh, yêu cầu địch phải thi hành các điều khoản của Hiệp định Genève. Tuy nhiên, bọn chúng không những không chấp hành mà dùng gậy gộc đánh đập và bắt bớ, đàn áp nhân dân; đánh chết cụ Phạm Chánh, gây trọng thương cho các ông Lê Trinh, Phạm Ninh, Phạm Tuân (ông giáo Hai) và bắt tra tấn ông Nguyễn Cược, bà Lê Thị Bán. Trước tình hình này, chi bộ các thôn An Lâu, Trung Đàn, Bồng Miêu, Phước Lợi tổ chức huy động hơn 400 người dân với công nhân xưởng hóa chất H51 của Liên khu V đóng ở khu vực Trà Sung, Bồng Miêu tập trung về ngã ba An Lâu tiếp tục đấu tranh.

Sau khi Hiệp định Genève có hiệu lực, đây là hai cuộc đấu tranh chính trị đầu tiên có quy mô lớn của nhân dân huyện Phú Ninh. Qua cuộc đấu tranh này, Huyện ủy Tam Kỳ rút ra nhiều bài học kinh nghiệm trong việc chỉ đạo chi bộ các địa phương tổ chức cho quần chúng đấu tranh với địch phải có phương pháp vừa kiên quyết, vừa mềm dẻo góp phần cùng các lực lượng tỉnh và cả nước làm nên đại thắng mùa xuân 1975, thống nhất đất nước.

XUÂN NGHĨA

XUÂN NGHĨA