Chứng tích Khánh Thọ

TAM THĂNG (lược ghi) 25/08/2014 09:16

Chứng tích Khánh Thọ là một quần thể văn hóa có từ thời phong kiến, được xây dựng trong giai đoạn cách mạng 1945-1954, gồm: đình làng Khánh Thọ Tây, đình làng Khánh Thọ Đông; chùa làng Khánh; giỏ ngói Khánh Xuân; Trường Tam Kỳ II, Trường Lớp bốn xây dựng năm 1949.

Cuối năm 1955, bọn ngụy quyền Tam Kỳ dưới quyền chỉ huy trực tiếp của quận trưởng Quốc dân đảng Phan Thiệp đã mang theo tiểu đoàn bảo an số 74 cùng một bộ phận công an của quận kéo về chiếm, đóng trụ sở khu Tây tại làng Khánh Thọ. Chúng đã chiếm trường Lớp bốn làm cơ quan hành chính, sử dụng làm nơi tra tấn cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. Sau đó đưa về giỏ ngói Khánh Xuân giam giữ, phân loại rồi đưa ra đình Khánh Thọ Đông để tra tấn.

Chứng tích Khánh Thọ là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ Phú Ninh.Ảnh: T.THĂNG
Chứng tích Khánh Thọ là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ Phú Ninh.Ảnh: T.THĂNG

Tại đình Khánh Thọ Đông, địch thử nghiệm tất cả loại hình tra tấn hết sức dã man suốt thời gian dài. Mỗi buổi sáng, chúng bắt cán bộ, đảng viên từ giỏ ngói Khánh Xuân ra đình Khánh Thọ Đông chào cờ ba que, xé cờ Đảng, ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bắt quỳ trên bàn đinh, gai mít, nền sỏi, tay nâng cao một vật nặng trong nhiều giờ liền để gọi là “sám hối”, bắt ly khai Đảng. Những cán bộ, đảng viên vẫn giữ vững ý chí, kiên định đấu tranh, không khai báo, ban đêm, chúng áp tải vào giữa khu dân cư để đánh đập. Tiếng roi vọt, tiếng dùi cui, các miếng đòn khủng bố tinh thần… không làm cán bộ cách mạng kiên trung khiếp sợ mà còn tiếp thêm sức mạnh cho những người cộng sản kiên trung. Do không khai thác được, chúng liệt vào danh sách “cộng sản cứng đầu”, đưa lên rừng chùa Khánh Thọ để thủ tiêu. Trong rừng còn có một cái giếng sâu dùng để lấy nước sinh hoạt, nằm khuất kín bên cạnh cây cốc cổ thụ. Địch chọn giỏ ngói Khánh Xuân làm nhà giam, chiếm đình Khánh Thọ Đông làm nơi tra tấn “sám hối”; biến khu rừng chùa Khánh Thọ trở thành nơi chôn xác những người cộng sản.

Những chiến sĩ cách mạng kiên trung bất khuất, đấu tranh với địch tại trại cải huấn của các khu, các huyện bị địch liệt vào danh sách “cộng sản cứng đầu” đều đưa lên đây để giết hại. Nhằm che đậy tội ác và tránh sự phẫn nộ của nhân dân, chúng thủ tiêu cán bộ ta chủ yếu vào ban đêm bằng hành động giết người như thời trung cổ. Về sau chúng thuê 2 tên đao phủ là người địa phương dùng dây thừng đưa vào cổ siết cho đến chết và chôn ở các giao thông hào, hầm trú ẩn, hoặc vứt xác xuống giếng phi tang. Năm 1958, chúng thẳng tay bắn giết tập thể; cán bộ, đảng viên, quần chúng trung kiên của huyện Tam Kỳ và các huyện khác bị địch bắt, giam giữ khai thác mà không thu được kết quả, thì chúng mang ra rừng chùa Khánh Thọ trói chân tay, thả giếng, chôn sống từng hầm 5 đến 10 đồng chí.

Từ năm 1954 đến năm 1960, tại khu Tây, địch đã bắt giam cầm, tra tấn hơn 4.300 lượt cán bộ, đảng viên và quần chúng trung kiên của huyện Tam Kỳ và ở các huyện khác; trong đó đã sát hại, thủ tiêu hơn 251 người, và tội ác của kẻ địch đã gây căm phẫn trong cán bộ và nhân dân Tam Thái, huyện Tam Kỳ nói riêng và nhân dân cả tỉnh chung. Hành động của ngụy quyền tại Khánh Thọ nhằm uy hiếp, đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân. Nhưng địch đã thất bại trước ý chí kiên cường của quân và dân ta.

TAM THĂNG (lược ghi)

TAM THĂNG (lược ghi)