Thúc đẩy liên kết và hội nhập kinh tế khu vực
Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) mới đây nhất trí tiếp tục thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực và khởi động thành lập Khu thương mại tự do (FTA) nhằm tạo điều kiện đảm bảo cho sự phát triển kinh tế của khu vực. Nội dung việc thành lập FTA khu vực sẽ được thảo luận tại Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC vào tháng 11 tới đây ở Bắc Kinh (Trung Quốc). APEC - với 21 thành viên, hiện đóng góp khoảng 57% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu và 46% thương mại thế giới. Việc thiết lập FTA khu vực do vậy được hy vọng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho các nền kinh tế thành viên và thúc đẩy thương mại thế giới, bởi APEC được ví như đầu tàu hay động lực thúc đẩy nền kinh tế thế giới trong thế kỷ XXI.
Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) theo kế hoạch ra đời cuối năm 2015. |
Trong khi đó, từ ngày 1 đến 10.9 tới, tại Hà Nội sẽ diễn ra phiên đàm phán cấp Trưởng đoàn Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tại đây, các đoàn tham gia sẽ tập trung thảo luận những vấn đề còn tồn tại liên quan tới các lĩnh vực tiếp cận thị trường hàng hóa và dịch vụ, quyền sở hữu trí tuệ, đầu tư, môi trường, doanh nghiệp nhà nước, môi trường pháp lý và tiến hành các cuộc trao đổi song phương. Phiên đàm phán lần này được kỳ vọng sẽ đạt được nhiều đột phá, tạo đà cho việc sớm kết thúc đàm phán được khởi động từ nhiều năm qua. Với 12 quốc gia hai bờ Thái Bình Dương, tổng dân số 790 triệu người, tổng giá trị kinh tế khoảng 28 nghìn tỷ USD vào năm 2012, TPP được kỳ vọng sẽ dẫn tới một Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương, thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực.
Kể từ ngày 1.1.1993 các nước khu vực Đông Nam Á cùng nhau thỏa thuận xây dựng khối mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), với mục tiêu là thực hiện giảm thuế quan đối với các hàng hóa sản xuất trong nội bộ khối xuống tới mức 0 - 5% vào năm 2003. Việc thực hiện AFTA góp phần tích cực vào tăng cường khả năng cạnh tranh của ASEAN trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và ngược lại, củng cố và thúc đẩy tiến trình nhất thể hóa trong khu vực, đưa tới sự phát triển năng động hơn nữa của mỗi thành viên. Không dừng lại đó, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) dự kiến ra đời vào cuối năm 2015, đang được coi là một bước ngoặt đánh dấu sự hội nhập toàn diện các nền kinh tế ASEAN. AEC sẽ hòa trộn nền kinh tế của 10 quốc gia thành viên thành một khối sản xuất thương mại và đầu tư, tạo ra thị trường chung của một khu vực có dân số 600 triệu người và tổng sản phẩm quốc nội toàn khổi hàng năm đạt khoảng 2 nghìn tỷ USD.
FTA là một hiệp ước thương mại giữa hai hoặc nhiều quốc gia được thiết lập đã đồng ý để loại trừ thuế quan, hạn ngạch, và ưu đãi trong phần lớn trao đổi thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa các quốc gia trong nhóm. Tuy nhiên, những thành viên của FTA có thể duy trì những thuế quan riêng và hàng rào thương mại khác đối với thế giới bên ngoài.
NAM VIỆT