Tấm lòng người miền núi

ALĂNG NGƯỚC 19/08/2014 10:05

Những tấm lòng, hành động nghĩa hiệp của đồng bào Cơ Tu, Ve, Tà Riềng ở huyện miền núi Nam Giang trong những năm gần đây đã cổ vũ mạnh mẽ cho công cuộc đổi mới giáo dục, xây dựng buôn làng theo chương trình mục tiêu nông thôn mới.

Nghĩa cử cao đẹp

Không còn xa lạ, những cái tên: Coor Dênh, Arất Mông, Bh’nướch Agư, Zơrâm Hiếu,… đã trở nên thân thuộc với người dân Nam Giang mỗi khi nhắc đến. Bởi những gì họ đã làm, không chỉ là niềm tự hào đối với đồng bào các dân tộc Nam Giang, mà còn là nghĩa cử cao đẹp trong công cuộc đổi mới, xây dựng buôn làng, đẩy mạnh và phát huy tinh thần “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Từ ngày có cây cầu của Coor Dênh, học sinh thôn Vinh (xã Tà Pơơ) không còn lo mưa lũ mỗi khi đến trường.Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Từ ngày có cây cầu của Coor Dênh, học sinh thôn Vinh (xã Tà Pơơ) không còn lo mưa lũ mỗi khi đến trường.Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Những ngày này, hơn 100 gia đình ở làng Công Dồn (xã Zuôih, huyện Nam Giang) khấp khởi vui mừng đưa con đi học. Ngôi trường gỗ rộng hơn 100m2, thoáng mát vừa được gia đình anh Arất Mông (trú thôn Công Dồn) bỏ tiền riêng để xây dựng, giúp hàng chục em nhỏ tại địa phương có chỗ ăn học. Anh Mông chia sẻ, ý định xây trường cho dân bản của anh đã có từ lâu, nhưng chưa thể thực hiện được vì gia đình chưa có điều kiện. Phải đến khi có khoản đền bù dự án thủy điện Sông Bung 4, anh mới hiện thực được ước mơ của mình. “Lúc trước, mỗi khi nhìn mấy đứa nhỏ suốt ngày lấm lem bùn đất không có chỗ vui chơi, mình buồn lắm. Xây trường bởi mình muốn làm việc gì đó giúp cho làng, để các cháu đỡ thiệt thòi”- anh Mông bộc bạch. Ông TơNgôl Đa - Bí thư Đảng ủy xã Zuôih cho hay, ngôi trường được gia đình anh Mông xây dựng trên cơ sở nâng cấp điểm trường cũ, từ khoản tiền hỗ trợ đền bù của dự án thủy điện Sông Bung 4 với gần 70 triệu đồng. Ngoài ra, anh Mông còn tặng thêm một bộ bàn ghế đá, giúp các thầy cô giáo có nơi nghỉ ngơi, thư giãn.

Không chỉ anh Mông, những người có chung hành động nghĩa hiệp ở Nam Giang còn phải kể đến Coor Dênh, ở thôn Vinh (xã Tà Pơơ), tự bỏ tiền riêng để xây dựng cây cầu bê tông cốt thép với chiều dài hơn 10m, rộng 2,2m cho dân làng. Chứng kiến cảnh một học sinh bị chết đuối khi qua con suối về làng hơn 10 năm trước khiến anh Dênh luôn bị ám ảnh. Năm 2012, anh quyết định bỏ ra gần 200 triệu đồng tiền đền bù từ dự án thủy điện để xây cầu, giúp dân làng thoát khỏi cảnh chia cắt mỗi khi mưa lũ về. Anh Dênh cho biết, cây cầu là món quà mà anh dành tặng cho dân làng mình sau nhiều năm ấp ủ dự định. Trước đó, gia đình anh Dênh cũng đã dành một khu đất ở hai mố cầu để xây dựng bờ kè cao 3,6m và hỗ trợ hơn 1.000m ống dẫn nước sạch kéo từ nguồn về, phục vụ dân làng.

Lan tỏa

Tiếp nối những tấm gương, nghĩa cử cao đẹp của Coor Dênh, Arất Mông… là những điển hình mới tiếp tục xuất hiện ở các xã vùng cao Nam Giang trong những năm gần đây. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng chính nghĩa cử của họ đã “thắp lửa” cho tinh thần xung kích, vì cộng đồng trong người dân địa phương. Đó là tấm gương của hộ ông Zơrâm Hiếu, dân tộc Tà Riềng, ở thôn Đắc Ch’đây (xã La Dêê), tình nguyện hiến 1.500m2 đất và hoa màu để chính quyền địa phương xây dựng công trình cầu treo và đường giao thông nông thôn; ông Pơloong Dương - cán bộ hưu trí ở thôn Đắc Ốc (xã La Dêê) hiến hơn 8.000m2 đất cùng hoa màu để xây dựng trường học; Alăng Rinh và Bh’nướch Agư (thôn Vinh, xã Tà Pơơ), tình nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất ở và hoa màu để nhường chỗ làm đường, trường học, góp sức xây dựng nông thôn mới… Hay như những năm trước đây, khi Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (xã Chà Vàl) chưa được xây dựng, cảm động trước tinh thần vượt khó học tập của học sinh vùng cao, những hộ dân ở tổ Vườn Ươm (thôn Dung, thị trấn Thạnh Mỹ) đã tình nguyện cho đất để các em dựng lều trọ học. “Lều trọ học” đã được xây mới, chuyện cũng đã trôi qua nhiều năm nhưng vẫn còn được nhiều người nhắc đến như một niềm tự hào cả về tinh thần vượt khó học tập của các em học sinh cũng như tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp của người dân Vườn Ươm.

Ông Chơ Rum Nhiên - Bí thư Huyện ủy Nam Giang cho rằng, chính những tấm gương như Coor Dênh, Arất Mông… đã cổ vũ cho phong trào, hành động nghĩa hiệp ở cơ sở và cá nhân trong cộng đồng người dân vùng cao tại địa phương. Ông Nhiên cũng cho hay, mới đây địa phương cũng đã tổ chức gặp mặt, biểu dương 21 cá nhân điển hình trên địa bàn huyện có những đóng góp trong công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống dân cư, chương trình mục tiêu nông thôn mới… cũng như tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong nhân dân. Những việc làm tốt của họ đã thực sự lan tỏa trong cộng đồng người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao, biên giới. “Đáng khen ngợi là hầu hết cá nhân tiêu biểu được biểu dương đều có những hành động thiết thực, ý nghĩa giúp đỡ đồng bào trong công cuộc đổi mới, xây dựng đời sống thôn bản, phát triển và sản xuất theo hướng bền vững” - ông Nhiên nói.

ALĂNG NGƯỚC

ALĂNG NGƯỚC