Nỗi lo sạt lở

DUY THÁI 15/08/2014 10:43

Nhiều tuyến kè bị hư hỏng, bờ sông có nguy cơ sạt lở khiến nhiều người dân sống trong bất an khi mùa mưa lũ sắp đến.

Tuyến kè Đông Bình dọc theo sông Bàn Thạch tại thôn Đông Bình (xã Duy Vinh, Duy Xuyên) đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Gần 200m kè tại tổ 15 và 16a bị sạt lở, đe dọa trực tiếp đến khoảng 60 hộ dân nơi đây. Nhiều mảng bê tông bị sụp xuống, chân kè bị nước đánh vào tạo những hàm ếch lớn, những tấm đanh bị gãy vụn rơi vãi xuống sông. Điểm sạt lở chỉ cách nhà dân chừng 10m, đến chiều nước sông rút xuống nhìn đáy kè bị xoáy sâu làm nhiều người dân lo lắng. Ông Phan Công Nhanh - Chủ tịch UBND xã Duy Vinh cho biết, tuyến kè Đông Bình dài 800m, được xây dựng từ năm 2009 với kinh phí 4,6 tỷ đồng. Năm 2012 đầu tư thêm 200 triệu đồng (trong đó 150 triệu đồng được huyện Duy Xuyên hỗ trợ, kinh phí của xã là 50 triệu đồng) để gia cố khẩn cấp hơn 200m tuyến kè này vì bị hư hỏng nghiêm trọng. Đoạn kè được khắc phục bằng cách trải bạc, xếp bao cát rải đều từ mái ta luy xuống phần đáy kè là 20m để bảo đảm an toàn cho người dân. “Hiện nay gần 200m bờ kè tại tổ 15, 16a bị nước phá vỡ do cơn bão số 11 vừa qua. Địa phương nhiều lần đi khảo sát và nhận thấy mức độ nguy hiểm là rất lớn, nếu không được tu bổ kịp thời thì mùa mưa lũ sắp đến e rằng tuyến kè sẽ bị xé toạc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều hộ dân nơi đây” - ông Nhanh nói.

Người dân xã Quế Trung (Nông Sơn) xây kè để tránh rủi ro khi mùa mưa lũ sắp đến. Ảnh: D.T
Người dân xã Quế Trung (Nông Sơn) xây kè để tránh rủi ro khi mùa mưa lũ sắp đến. Ảnh: D.T

Còn dọc theo sông Thu Bồn qua xã Quế Trung (huyện Nông Sơn), mới sáng sớm, tại bến đò Trung Phước, nhiều nhân công đã tất bật san đất, bọc lưới đá để giúp ông Lưu Thanh Hồng (thôn Trung Phước 1) xây kè lại phần đất sau nhà vừa bị sạt lở ra sông Thu Bồn. Ông Hồng cho biết, những đợt lụt năm ngoái đã khiến sân sau nhà bị xói mòn nghiêm trọng, trận mưa mới đây làm mép đất sát sông bị sạt lở gần 2m nên ông phải thuê người đến kè lại để chống mất đất. “Mỗi năm cả chục khối đất đá trong vườn bị trôi ra sông, nếu không xây kè đá thì bờ sông chắc chắn sẽ lấn sâu vào nhà. Phải bỏ chi phí lớn để xây kè nhưng gia đình tôi đành chấp nhận để giữ lại mảnh đất của tổ tiên” - ông Hồng nói.

Tại thôn Trung Hạ (xã Quế Trung, Nông Sơn), sạt lở, xói mòn làm bờ sông lấn sát vào nhà dân chỉ còn vài mét, thậm chí một số nhà dân bị sụt móng, nứt gãy nền nhà. Ông Huỳnh Kim (thôn Trung Hạ) cho biết: “Những năm nay tôi chứng kiến mảnh đất sau nhà cứ tụt dần xuống sông nhưng không có tiền để xây bờ kè. Gia đình chúng tôi trồng tre, đóng cọc để giữ nhưng cũng không ăn thua. Cứ mùa mưa là tôi lại thấp thỏm lo âu, phần nền nhà bếp đã bị lún và nứt một đường dài. Những bờ bê tông kè tạm quanh nhà cũng bị nước dần cuốn đi”. Theo ông Đỗ Trường Thương -  Phó Chủ tịch UBND xã Quế Trung, dọc theo sông Thu Bồn qua địa phận xã Quế Trung có nguy cơ sạt lở cao, nhất là tại thôn Trung Phước 2 và khu vực giáp ranh giữa thôn Trung Phước 1 và thôn Trung Hạ. Bên cạnh đó, đất nông nghiệp cũng bị sạt lở khá nhiều. Tại khu vực gò Nà (thôn Trung Phước 2) bị sạt lở hơn 1ha đất canh tác gây ảnh hưởng đến sản xuất của nhiều hộ dân. “Để tránh mất đất, chúng tôi thường xuyên vận động người dân trồng tre, gia cố xây kè. Những nơi có nguy cơ sạt lở nặng thì chúng tôi khuyến khích người dân đến nơi ở mới. Tuy nhiên mưa lũ thường xuyên, thiếu kinh phí xây kè nên sạt lở đất khiến không ít người dân lo ngại” - ông Thương cho hay.

DUY THÁI

DUY THÁI