Bón phân vi sinh hữu cơ cho cây lúa nước

HỒNG ANH 14/08/2014 09:31

Những năm gần đây, việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ vi sinh chức năng để bón cho cây lúa nước tại một số huyện miền núi bước đầu có hiệu quả.  

Triển khai tại xã A Nông (Tây Giang) từ tháng 6.2013 tới 5.2014, mô hình trồng lúa nước bón phân hữu cơ vi sinh chức năng thuộc đề tài “Ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất phân hữu cơ vi sinh chức năng tại chỗ và bón cho cây lúa nước tại huyện Tây Giang, Quảng Nam” do Trung tâm Ứng dụng & thông tin khoa học - công nghệ (KH-CN) Quảng Nam phối hợp với Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Tây Giang thực hiện đã góp phần thay đổi cách thức sản xuất của đồng bào miền núi. Nếu trước, người dân đã quen với sản xuất lúa rẫy, sản lượng bấp bênh thì nay việc tiếp cận với kỹ thuật trồng lúa nước theo hướng thâm canh đã giúp tăng năng suất, sản lượng. Gần đây, từ sự hỗ trợ của Trung tâm Ứng dụng & thông tin KH-CN, nhiều hộ dân tại thôn A Cấp, xã A Nông đã có thể làm phân vi sinh, bón cho lúa.

Ruộng bón phân vi sinh có năng suất và sản lượng cao hơn đối chứng. Ảnh: H.A
Ruộng bón phân vi sinh có năng suất và sản lượng cao hơn đối chứng. Ảnh: H.A

Hai hộ dân Arất Bắc và Bling Blếh đã được chọn thí điểm mô hình trên diện tích 4.000m2 tại thôn. Trong đó, hộ ông Arất Bắc sản xuất trên diện tích 2.000m2 với 4 thửa; hộ ông Bling Blếh 2.000m2 với 7 thửa, gieo cấy giống Xi23. Trên mỗi sào ruộng, có thể bón phân vi sinh với tỷ lệ 250kg cùng với 10kg vôi, 12,5kg lân, 2,5kg NPK. Ngoài ra, tại các giai đoạn cây lúa đẻ nhánh, trổ đòng, cần bón thúc phân với liều lượng thích hợp. So với ruộng đối chứng, cây lúa được bón phân vi sinh và được thâm canh tốt có chiều cao trung bình đạt 87,65cm, chiều dài trung bình/bông 24,96cm, số hạt trung bình/bông 124,33 và ước tính, năng suất đạt từ 42 - 45 tạ/ha. Ông Arất Bắc bày tỏ: “Nhờ làm theo phương pháp hướng dẫn, gia đình tôi năm nay có năng suất cao nhất so với mọi năm. Mô hình dễ làm, thời gian tới gia đình tôi sẽ tiếp tục bón phân hữu cơ vi sinh và giúp nhiều người cùng làm”. Hiện, toàn huyện Tây Giang có 30 hộ đăng ký tham gia ứng dụng mô hình sản xuất lúa nước bón phân vi sinh. Người dân mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật để tự sản xuất phân vi sinh tại hộ để bón cho cây lúa và nhiều cây trồng khác nhằm tăng năng suất, sản lượng. “Điều quan trọng của mô hình là chúng tôi không chỉ hỗ trợ bà con cách thức sản xuất lúa bón phân vi sinh để tăng hiệu quả kinh tế mà còn hỗ trợ chế phẩm vi sinh, kỹ thuật tạo phân vi sinh và trực tiếp cầm tay chỉ việc để bà con có thể tự sản xuất tại nhà. Việc làm này nhằm tận dụng nguyên liệu có sẵn từ xác bã thực vật, phân gia súc gia cầm nhằm tăng độ phì nhiêu, làm xốp đất, giữ phân hóa học để cung cấp cho cây, bộ rễ phát triển tốt” - ThS. Nguyễn Văn Thương, Trung tâm Ứng dụng & thông tin KH-CN, chủ nhiệm đề tài chia sẻ.

Mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh vật xử lý phân xanh, phụ phế phẩm nông nghiệp làm phân hữu cơ bón cho cây lúa từng được Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh thực hiện có hiệu quả tại Hiệp Đức. Trên diện tích 5ha, đồng bào dân tộc thiểu số xã Sông Trà được chọn thực hiện thí điểm cũng đã được tập huấn cách thức sản xuất và bón phân vi sinh cho đồng ruộng. Việc bón phân vi sinh cho lúa nước cũng được áp dụng tại Đông Giang. Theo ông Nguyễn Thanh Tân - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện, ngoài việc duy trì mô hình bón phân viên dúi sâu (Tổ chức Tầm nhìn thế giới tài trợ trước đó), người dân Đông Giang đang từng bước tiếp cận với kỹ thuật làm phân vi sinh để bón cho đồng ruộng. “Việc ứng dụng mô hình sẽ giúp tiết kiệm một phần phân bón vô cơ. Chỉ với chế phẩm men vi sinh được hỗ trợ, tận dụng rơm rạ, phân chuồng sẵn có, lá cây mục, ủ cho lên men vi sinh sẽ tạo thành phân hữu cơ. Ước tính, 3kg men vi sinh được ủ với nguyên liệu, phế phẩm có khả năng ủ để cho ra 1 tấn phân vi sinh hữu cơ” - ông Nguyễn Thanh Tân cho hay. Được biết, mô hình được triển khai trên diện tích 5ha, bên cạnh hỗ trợ chế phẩm cho bà con, cán bộ trạm còn trực tiếp tập huấn cách thức tạo phân hữu cơ vi sinh rồi hướng dẫn cách thức bón lót sản phẩm cho đồng ruộng. Mô hình này sẽ kết thúc vào năm 2015.

HỒNG ANH

HỒNG ANH