Điểm mới trong quản lý đất đai

KIẾN TÂN (Tổng hợp) 13/08/2014 08:58

Chế độ sở hữu, quản lý và sử dụng đất đai là một trong những vấn đề kinh tế chính trị, xã hội quan trọng đối với mọi quốc gia và được nhân dân đặc biệt quan tâm.

Hiến pháp 2013 quy định: đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật. Ảnh: K.TÂN
Hiến pháp 2013 quy định: đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật. Ảnh: K.TÂN

Hiến pháp 2013 tiếp tục khẳng định: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Đồng thời, nhấn mạnh đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật. Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất. Người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của luật. Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ.

Hiến pháp 2013 vẫn nhất quán với quan điểm đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Điều này là hợp lý, bởi đất đai không chỉ là tài nguyên, nguồn lực và là tư liệu sản xuất quan trọng, mà còn gắn với lãnh thổ quốc gia. Ở nước ta, một nguyên tắc được hiến định là tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, do nhân dân làm chủ. Do vậy, tài sản chung của cả nước, đất đai, đương nhiên phải thuộc sở hữu toàn dân, do nhân dân làm chủ. Tuy nhiên, Hiến pháp 2013 đã có bổ sung quan trọng: “Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất. Người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của luật. Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ”. Như vậy, quyền sử dụng đất đã được ghi trong hiến pháp như một dạng tài sản. Do đó, người nắm quyền sử dụng đất có thể chuyển nhượng, tặng, cho, cho thuê, để lại thừa kế, góp vốn kinh doanh. Những quyền này trong thực tế đã được ghi trong các văn bản có giá trị pháp lý thấp hơn hiến pháp. Đây là lần đầu tiên, quyền sử dụng đất, việc bảo hộ quyền sử dụng đất và việc chuyển quyền sử dụng đất được hiến định rõ ràng.

Một vấn đề khác cũng được Hiến pháp 2013 bổ sung là việc thu hồi đất. Đây là lĩnh vực làm nảy sinh nhiều khiếu kiện nhất, đặc biệt là khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài. Hiến định vấn đề này sẽ làm giảm sự tùy tiện trong việc thu hồi đất, gây bức xúc trong nhân dân. Hiến pháp quy định: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật”. Như vậy, chỉ những dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng mới được Nhà nước đứng ra thu hồi đất. Các dự án phát triển kinh tế - xã hội khác, chủ đầu tư sẽ phải thỏa thuận với chủ quyền sử dụng đất để nhận chuyển nhượng hoặc thuê lại quyền sử dụng đất.

Hiến pháp 2013 cũng bổ sung quy định về trưng dụng đất: “Nhà nước trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết do luật định để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai”. Theo đó, trong những trường hợp thật cần thiết do luật định, Nhà nước có thể ra một quyết định hành chính để sử dụng quyền sử dụng đất trong một thời hạn nhất định. Khi Nhà nước thực hiện xong nhiệm vụ hoặc khi hết thời hạn trưng dụng, người có quyền sử dụng đất lại tiếp tục thực hiện quyền sử dụng đất của mình.

HỎI - ĐÁP HIẾN PHÁP

- Hỏi: Việc sở hữu, sử dụng đất đai và các nguồn tài nguyên được quy định như thế nào?

- Trả lời: Hiến pháp năm 2013 quy định về việc sở hữu sử dụng đất đai và các nguồn tài nguyên như sau:

1. Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

2. Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật.

3. Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất. Người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của luật. Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ.

4. Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật.

5. Nhà nước trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết do luật định để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai.

- Hỏi: Nhà nước có trách nhiệm gì trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động?

- Trả lời: Theo Hiến pháp năm 2013, trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động như sau:

1. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tạo việc làm cho người lao động.

2. Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động và tạo điều kiện xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định. (BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG)

KIẾN TÂN (Tổng hợp)

KIẾN TÂN (Tổng hợp)