Hơn 20 năm đắp đường cho dân

VÕ THỊ NHƯ TRANG 13/08/2014 08:32

Ông Phạm Thế Mỹ (65 tuổi, thôn Cẩm Sa, xã Điện Nam Bắc, huyện Điện Bàn) được nhiều người biết đến với công việc bồi đắp, tu bổ đường sá ở địa phương suốt hơn 20 năm nay.

Công việc chính của ông Mỹ là sửa chữa xe đạp tại nhà. Tuy nhiên, do phải thường xuyên chứng kiến những con đường bị sạt lở, hư hại ở địa phương, ông đã nảy ra ý định đóng góp chút công sức cho cộng đồng bằng việc mỗi ngày bớt 2 giờ đồng hồ vận chuyển đất đá, sửa lại những con đường sạt lở, hư hại. Ngày mới của ông Mỹ luôn bắt đầu từ 4 giờ sáng với các công cụ như xẻng, bao đựng cát và chiếc xe do ông tự chế. Ông thường đến những bãi đất bồi xúc cát, sau đó vận chuyển đến những con đường sạt lở, nhiều “ổ gà” rồi tiến hành việc tô điểm lại cho con đường. Chia sẻ về điều này, ông nói: “Thường thì trước khi thi công việc bồi đắp đường, tôi phải thăm dò các con đường trước một ngày để ước tính độ hư hại, như thế mới chuẩn bị đủ cát đắp vào”. Với ông Mỹ, thay vì tập thể dục buổi sáng, ông lấy việc bồi đắp đường làm niềm vui riêng cho mình và hy vọng giúp ích cho cộng đồng.

Ông Phạm Thế Mỹ xúc cát để chuẩn bị cho công việc đắp đường.Ảnh: V.T.N.T
Ông Phạm Thế Mỹ xúc cát để chuẩn bị cho công việc đắp đường.Ảnh: V.T.N.T

Trong suốt hơn 20 năm làm công việc đắp đường cho người dân đi lại, ông Mỹ đã mở ra một tuyến đường có chiều dài 2km, tạo một lối đi cho người viếng mộ nghĩa trang khỏi phải chạy xe theo đường vòng. Những con đường phẳng lỳ cũng kịp trải dài từ lối xóm ra đến tận cánh đồng lúa. Bên cạnh đó, ông còn đóng 5 chiếc máy bơm nước ở các cánh đồng thôn 2, Ngõ Thời, Cẩm Sa và Phong Hồ (xã Điện Nam Bắc) để bà con có nước rửa chân tay sau mỗi lần phun thuốc trừ sâu hay bón phân hóa học. “Những chiếc máy bơm nước ấy là tôi dùng tiền dành dụm có được từ việc sửa xe để mua về. Nhờ có chúng mà bà con dân làng không phải lo ngại các chất độc hại bám vào da, ảnh hưởng đến sức khỏe mỗi khi làm xong việc đồng áng” - ông Mỹ chia sẻ.

Ngoài công việc đắp đường, đóng máy bơm nước trên các cánh đồng, ông  Mỹ còn vận động kinh phí đúc 40 bi thả qua đường mương cho dân qua lại sản xuất dễ dàng. Con đường dài 500m từ kênh Cẩm Sa đến biền sông của thôn cũng nhờ vào nguồn kinh phí 500 triệu đồng ông vận động xây dựng. Nhận xét về những việc làm đầy ý nghĩa của ông Mỹ, ông Trần Văn Dũng (Trưởng thôn Cẩm Sa) nói: “Nhờ việc làm của bác Mỹ mà bà con dân làng không phải gặp trở ngại gì trong việc vận chuyển hay đi lại. Bác Mỹ là một công dân tiêu biểu, điển hình của xã trong phong trào xây dựng toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần trao tặng giấy khen, bằng khen để tuyên dương bác Mỹ”.

VÕ THỊ NHƯ TRANG

VÕ THỊ NHƯ TRANG