Thoát nghèo nhờ đối thoại
Xác định nhu cầu của hộ nghèo thông qua đối thoại trực tiếp, từ đó hỗ trợ theo nguyện vọng để người dân tự tạo sinh kế thoát nghèo bền vững là cách làm hay và hiệu quả của nhiều địa phương ở Điện Bàn.
Cách làm hay
Ngày chúng tôi đến thăm nhà, bà Trịnh Thị Sương (thôn Triêm Đông, xã Điện Phương) đang bận rộn chăm sóc 4 con heo. Bà Sương cho biết: “Tháng 4.2014, được hỗ trợ vay 15 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tôi sửa chuồng, mua cặp heo thả nuôi. Sau đó được xã hỗ trợ 1 triệu đồng, tôi mua thêm cặp heo nữa. Tôi còn học nghề làm bánh tráng, cộng với sào ruộng, chắc chắn cuối năm ni là thoát nghèo”. Năm 2012, chồng bà Sương qua đời vì bệnh tật. Kinh tế gia đình suy kiệt vì trước đó những thứ đáng giá bà đã bán đi lấy tiền chữa bệnh cho chồng. “Chẳng ai muốn nghèo, nhưng hoàn cảnh như thế khiến tôi cũng chẳng biết làm sao. Vốn liếng không có, muốn làm ăn phát triển kinh tế cũng đành chịu” - bà Sương tâm sự. Và cơ hội đã đến với hộ bà Trịnh Thị Sương khi chính quyền xã Điện Phương tổ chức đối thoại với hộ nghèo. Nắm bắt nguyện vọng chính đáng về nhu cầu vay vốn của bà Sương, chính quyền xã giao cho Hội LHPN xã hỗ trợ bà Sương làm hồ sơ vay Ngân hàng Chính sách xã hội. “Sau khi nhận tiền, tôi về sửa chuồng, mua heo nuôi ngay với quyết tâm phải thoát nghèo. Dự tính trong tháng 8 này tôi xuất bán 3 con heo lấy tiền trả bớt nợ ngân hàng và tiếp tục mua heo con về nuôi. Gạo ăn đã có sào ruộng, vừa nuôi heo vừa làm bánh tráng, tôi có đồng ra đồng vào lo cho con ăn học”. Trước khi chia tay bà Sương, chúng tôi không quên thắc mắc vì sao không bán hết 4 con heo, bà mỉm cười bảo: “Phải để lại một con “làm kỷ niệm” sự giúp đỡ của chính quyền và bà con. Vì mỗi khi chăm sóc con heo đó sẽ thôi thúc tôi cố gắng làm ăn, vươn lên cho xứng đáng với sự quan tâm của xã hội. Nhưng rồi cũng phải bán thôi, khi lứa heo sau đã hơi trộng trộng (hơi lớn - NV)”.
UBND xã Điện Ngọc tặng bò cho hộ nghèo. |
Cũng với cách làm như thế, nhiều hộ nghèo ở các xã Điện Ngọc, Điện Thắng Bắc, Điện Phương, Điện Trung… đã thoát nghèo bền vững từ sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền, mặt trận, hội đoàn thể và cộng đồng. Bà Nguyễn Thị Tiền (thôn Viêm Tây 3, xã Điện Thắng Bắc) chia sẻ: “Chồng mất sớm, vốn không có, một mình nuôi 5 con ăn học biểu răng tôi không nghèo. May là nhờ xã hiểu được nguyện vọng, tạo điều kiện cho tôi được vay vốn, còn hỗ trợ 5 triệu đồng, nhờ đó tôi có tiền sửa chữa nhà, mở rộng được quy mô quầy bán cá tăng thu nhập. Bây giờ gia đình tôi không còn là hộ nghèo, cũng chẳng phải lo bị tái nghèo”. Hay như hộ ông Huỳnh Đức Thông (thôn Hà Dừa, xã Điện Ngọc) cũng đăng ký thoát nghèo vào cuối năm 2014 sau khi có được sinh kế ổn định dựa vào chăn nuôi bò. Có được điều này cũng từ việc chính quyền xã Điện Ngọc hỗ trợ gia đình ông 12 triệu đồng làm chuồng trại, mua bò giống về nuôi; đồng thời tạo điều kiện cho ông vay tín chấp để phát triển số lượng của đàn bò.
Từ sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền, gia đình bà Trịnh Thị Sương (xã Điện Phương) có cơ hội vươn lên ổn định kinh tế. Ảnh: Đ.ĐẠO |
Đăng ký thoát nghèo
Theo các hộ bà Sương, bà Tiền, ông Thông và nhiều người nghèo khác ở Điện Bàn, cách đối thoại của chính quyền địa phương nhằm tìm hiểu đúng nhu cầu thực tế của người nghèo chính là “cú hích” tốt nhất tạo động lực cho người nghèo có thể tự vươn lên làm ăn, ổn định cuộc sống. “Sau khi được tặng bò và hỗ trợ vay 30 triệu đồng, gia đình tôi đã “mở” ra nhiều sinh kế tạo thu nhập. Ngoài chăn nuôi bò, chúng tôi có điều kiện phát triển sản xuất, trồng hoa màu. Dù hiện tại chưa thể thoát nghèo nhưng tôi đã có đủ khả năng nuôi con cái ăn học và chăm lo cho mẹ già hơn 80 tuổi” - bà Phạm Thị Mến (thôn Tứ Ngân, xã Điện Ngọc) khẳng định. Hay như bà Lê Thị Tuyết (thôn Viêm Tây 3, xã Điện Thắng Bắc) cho biết đã thoát nghèo vào đầu năm 2014 sau khi gia đình bà được hỗ trợ và ổn định cuộc sống từ cặp bò trị giá 22 triệu đồng do địa phương hỗ trợ theo nhu cầu của gia đình.
Theo lãnh đạo các địa phương, đối thoại với hộ nghèo là cách giảm nghèo bền vững mang lại hiệu quả cao, tránh nguy cơ tái nghèo. Phó Chủ tịch UBND xã Điện Ngọc - Nguyễn Thị Sáu cho hay: “Cả 3 trường hợp được xã hỗ trợ thông qua đối thoại trong năm 2013 đều đang có sinh kế ổn định và đăng ký thoát nghèo vào cuối năm 2014 này”. Bà Sáu còn cho biết, sau khi hỗ trợ, xã luôn theo sát quá trình làm ăn của các hộ, nếu họ gặp khó khăn hay cần thêm nhu cầu về vốn sẽ tiếp tục giải quyết hoặc chỉ đạo các hội, đoàn thể đứng ra tín chấp để họ có cơ hội vay vốn. “Với cách làm này, chắc chắn đến cuối năm 2014 tỷ lệ hộ nghèo của xã sẽ giảm từ 5,1% xuống dưới 4%. Một phần của thành công này là nhờ vào mô hình giảm nghèo thông qua đối thoại. Thời gian đến, ngoài việc tặng vật nuôi, cho vay vốn, chúng tôi sẽ hỗ trợ xe bán nước mía, tủ bánh mỳ… theo nhu cầu đề xuất của hộ nghèo qua đối thoại” - bà Nguyễn Thị Sáu nói. Lãnh đạo nhiều xã ở Điện Bàn đều cho rằng cần nhân rộng hướng giảm nghèo hiệu quả này. Phó Bí thư Đảng ủy xã Điện Phương - Lê Doãn Bình khẳng định: “Năm 2013, trong xã có 15 hộ nghèo sau khi đối thoại đã được xem xét hỗ trợ theo yêu cầu với tổng kinh phí 154 triệu đồng, và các hộ đều đăng ký thoát nghèo vào cuối năm 2014. Điều đáng mừng là có nhiều hộ đã thoát nghèo ngay từ cuối năm 2013. Năm 2014 này, chúng tôi tiếp tục khảo sát nhu cầu, hỗ trợ bò cho 2 hộ nghèo; hỗ trợ tiếp sức cho 2 hộ đã thoát nghèo mỗi hộ 1 triệu đồng. Thời gian tới chúng tôi vẫn sẽ thực hiện hỗ trợ theo hướng này để tạo điều kiện cho những hộ thật sự có nguyện vọng vươn lên thoát nghèo”.
Đ. ĐẠO - H. NHÂN