Khó kiểm soát dạy thêm, học thêm
NGÀY 16.5.2012, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư số 17/2012/TT-BGD-ĐT (gọi tắt là Thông tư 17) quy định về dạy thêm, học thêm (DT, HT). Ngày 26.4.2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 09/2014/GĐ-UBND (gọi tắt là Quyết định 09) quy định về quản lý DT, HT trên địa bàn tỉnh (trước đó, ngày 20.11.2008, UBND tỉnh cũng ban hành Quyết định số 47/2008/QĐ-UB quy định về quản lý DT, HT). Đầu tháng 8 này, Sở GD-ĐT đã có công văn hướng dẫn việc tổ chức, quản lý hoạt động DT, HT.
Một số điểm cần lưu ý trong quy định về DT, HT của Thông tư 17 và Quyết định 09 là giáo viên đăng ký dạy thêm ngoài nhà trường không được dạy thêm cho học sinh của lớp chính khóa mà giáo viên đang dạy tại trường. Không dạy thêm đối với học sinh mầm non, tiểu học và học sinh ở các cấp học khác đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày tại trường. Giáo viên hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được phép tổ chức hoặc tham gia tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường. Chưa kể Thông tư 17, chỉ tính riêng Quyết định 09 đã có đến 5 chương, 17 điều quy định về DT, HT. Ngoài những nội dung nêu trên, còn quy định cụ thể, chi tiết về vấn đề dạy thêm trong và ngoài nhà trường; về nội dung, thời gian, quy mô dạy thêm; thẩm quyền cấp giấy phép; thủ tục, quy trình đăng ký mở lớp, cấp giấy phép dạy thêm; quy định thu hồi giấy phép; quy định về thu - chi tiền DT, HT; về thanh tra, kiểm tra, khen thưởng, xử phạt các vấn đề liên quan DT, HT…
Trước đây, khi thực hiện Thông tư 17, các địa phương trong cả nước làm mỗi nơi mỗi kiểu mà báo chí đã phản ánh. Tại Hà Nội, Phú Yên đã bắt dạy thêm như... bắt buôn lậu, buộc giáo viên phải ký biên bản vi phạm ngay trước mặt học sinh. Tại Quảng Nam, việc quản lý DT, HT của các huyện, thành phố cũng không giống nhau. Chẳng hạn, Quế Sơn, Đại Lộc là 2 địa phương thực hiện nghiêm túc Thông tư 17. Tuy nhiên, có phụ huynh học sinh lại không hài lòng với cách làm này. Bởi lẽ, như một phụ huynh ở Quế Sơn bày tỏ: “Con tôi mới học lớp 8, tôi muốn sau này cháu thi vào trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhưng địa phương thực hiện quy định DT, HT nghiêm túc. Nhà trường đứng ra tổ chức DT, HT nên cháu khó chọn được thầy cô giáo để học theo sở thích. Trong khi đó, học sinh ở các nơi khác như Tam Kỳ vẫn đi học thêm bình thường. Tôi sợ con mình sẽ khó “chọi” nổi. Như thế, cơ hội vào trường chuyên của con tôi sẽ ít hơn học sinh các nơi khác”. Một phụ huynh khác nói: “Tôi biết chương trình học chính khóa rất nặng, nhà trường lại cấm học thêm, không biết con tôi có học nổi hay không?”. Ngược lại, có phụ huynh nêu quan điểm: “Để tạo công bằng cho giáo viên và học sinh, tôi nghĩ nên cấm hoàn toàn việc DT, HT, không riêng tại Quảng Nam mà trên phạm vi toàn quốc. Có như vậy, mới biết được chất lượng giáo dục thực chất”.
Chưa bàn đến chuyện giáo viên “ép” học sinh học thêm hoặc ưu ái những học sinh đi học thêm thì DT, HT vốn đã là vấn đề nhạy cảm, phức tạp. Dù biết DT, HT là nhu cầu chính đáng của học sinh và giáo viên nhưng nếu không thực hiện đồng bộ, triệt để Thông tư 17 và Quyết định 09, để mỗi nơi làm mỗi kiểu, sẽ xảy ra tình trạng mất công bằng đối với giáo viên, học sinh giữa địa phương này với địa phương khác... Hoặc nếu nỗ lực thực hiện theo đúng quy định, liệu có thanh tra, kiểm tra và quản lý xuể các điểm DT, HT hay không?
CHÂU NỮ