Nâng vị thế cho người khuyết tật

DIỄM LỆ 11/08/2014 16:15

(QNO) - Sự vào cuộc của tổ chức Nhân dân vì y tế, giáo dục và phát triển hải ngoại của Australia (Apheda) góp phần tạo cơ hội học nghề cũng như việc làm cho NKT trên địa bàn tỉnh.

Những NKT dạng thiểu năng trí tuệ học nghề mộc mỹ nghệ ở Đại Lộc.
Những NKT dạng thiểu năng trí tuệ học nghề mộc mỹ nghệ ở Đại Lộc.

Học nghề và tìm việc làm đối với NKT luôn gặp nhiều khó khăn do hạn chế của bản thân cũng như thiếu sự hỗ trợ từ cộng đồng. Khi một số dự án của các tổ chức phi chính phủ vào Quảng Nam, trong đó có dự án “Việc làm bền vững và tăng cường vị thế cho người khuyết tật trong cộng đồng” do tổ chức Apheda thực hiện, với sự tài trợ kinh phí của Cơ quan viện trợ Ai-len mở ra cơ hội hòa nhập cộng đồng của NKT. Học viên là NKT tham gia lớp học vi tính, làm vàng mã, nhạc hiếu, mộc mỹ nghệ, chổi đót được khởi động ở Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn. Ngoài học kỹ năng nghề, NKT còn được học cách khởi nghiệp thông qua việc hình thành những nhóm sản xuất nhỏ, được hỗ trợ vay vốn để lập nghiệp trong trường hợp không thể xin được việc làm.

Có thể nói, việc được lựa chọn nghề phù hợp với điều kiện sức khỏe tạo điều kiện thuận lợi cho NKT phát huy khả năng bản thân. Bà Nguyễn Thị Bé (thuộc Hội NKT Duy Xuyên), tâm sự: “Trước kia, tôi rất mặc cảm và thiếu tự tin trong cuộc sống. Đôi chân teo tóp đi lại khó khăn, muốn học nghề gì cũng khó. Khi có dự án đến, tôi suy nghĩ mãi rồi quyết định học làm vàng mã, bởi nghề này phù hợp với dạng khuyết tật của tôi. Học nghề xong, tôi và một số NKT nữa được hỗ trợ vốn thành lập nhóm sản xuất nhỏ. Dần dần nhiều người biết đến, chúng tôi có việc làm, thu nhập ổn định. Tôi tự tin hơn khi mỗi sáng chạy xe ba bánh đi giao hàng, nhận được những nụ cười chia sẻ, động viên của bạn hàng và mọi người”. Có dịp đến với lớp mộc mỹ nghệ tại xã Đại Hiệp (huyện Đại Lộc), mọi người đều cảm nhận được không khí học tập nghiêm túc của NKT dạng thiểu năng trí tuệ. Có thể mỗi người không nhớ được đầy đủ tên họ, địa chỉ nhà hoặc tuổi của bản thân, nhưng họ vẫn kiên trì đục đẽo trên những mảnh gỗ, với mong ước duy nhất là có một việc làm, nuôi được bản thân. Học nghề xong, NKT được làm việc tại Công ty TNHH 18.4 của Hội NKT huyện Đại Lộc.

Bà Trương Thị Xuân - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho biết, dự án “Việc làm bền vững và tăng cường vị thế cho người khuyết tật trong cộng đồng” hỗ trợ nhiều hoạt động thiết thực giúp NKT, trong đó hỗ trợ thành lập được 26 hội NKT các cấp. Hội viên nòng cốt của các hội được tập huấn công tác thành lập, quản lý hội, tiếp nhận và quản lý nguồn tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ, các chính sách trợ giúp NKT… Qua nguồn tài trợ của dự án, có 81 NKT của tỉnh đã được học những nghề phù hợp như làm vàng mã, mộc mỹ nghệ, chổi đót, tin học… Trong số đó đã có 71 NKT có việc làm với nguồn thu nhập từ 1,2 - 3 triệu đồng/tháng. Những kỹ năng sống cho NKT như phòng tránh HIV/AIDS, kiến thức về giới, bình đẳng giới, cách hòa nhập cộng đồng… đã được truyền đạt cho hơn 2 nghìn NKT. Họ còn chia sẻ với nhau về cuộc sống, về kinh nghiệp hòa nhập cộng đồng qua những đợt tập huấn.

Đánh giá về việc thực hiện dự án tại Quảng Nam, bà Hoàng Thị Lệ Hằng - Giám đốc quốc gia tổ chức Apheda Việt Nam, chia sẻ: “Đến thời điểm này, mục tiêu cơ bản của dự án tại Quảng Nam là mở rộng mạng lưới tổ chức của NKT dựa vào cộng đồng và hỗ trợ NKT học nghề để giảm nghèo, giảm sự cô lập và tăng cường sự hòa nhập vào cộng đồng đã đạt được những kết quả quan trọng. Các cơ quan quản lý và hội NKT của Quảng Nam đã tích cực thực hiện dự án, mang lại nhiều ích lợi trực tiếp cho NKT. Bên cạnh đó, NKT Quảng Nam đã thể hiện được bản thân, góp phần cho cơ quan quản lý thực hiện tốt hơn các chính sách liên quan đến NKT của tỉnh, góp phần để họ xóa bỏ mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng tốt”.

DIỄM LỆ

DIỄM LỆ