Khẩn cấp đối phó dịch Ebola
Ngay sau khi Tổ chức y tế thế giới (WHO) tuyên bố “tình trạng khẩn cấp toàn cầu”đối phó với dịch bệnh Ebola đang bùng phát mạnh tại tây Phi khiến gần 1.000 ca tử vong, nhiều nước đồng loạt tuyên bố các biện pháp ứng phó khẩn cấp.
Hiện vi rút gây bệnh Ebola vẫn chưa có thuốc đặc trị, vắc xin phòng bệnh và tỷ lệ tử vong từ 60 - 90% số người bị nhiễm bệnh. Hiện, hầu hết hành khách rời khỏi hay đến từ những vùng nhiễm bệnh đều được đo thân nhiệt tại các cửa khẩu để xác định trường hợp nghi vấn. Mặc dù WHO không yêu cầu phải cô lập bốn nước đang bị dịch bệnh Ebola (Guinea, Liberia, Nigeria và Sierra Leone) để không làm trầm trọng thêm tình hình, gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho các nước trên, nhưng WHO yêu cầu kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu để ngăn chặn lây lan toàn cầu. Theo bác sĩ Keiji Fukuda, phụ trách bệnh dịch của WHO, cần cách ly người nghi ngờ nhiễm vi rút trong vòng 31 ngày, vì thời gian ủ bệnh của Ebola là 21 ngày và bằng những biện pháp đúng đắn cùng cách chữa trị phù hợp người nhiễm bệnh, sự lây lan của Ebola có thể được dập tắt. Những ai có tiếp xúc với người bệnh, ngoài nhân viên y tế phải mang đồ bảo hộ và được khuyến cáo không nên đi xa.
Những hành khách đến và trở về từ vùng nhiễm Ebola đều phải được đo thân nhiệt. |
Trước nguy cơ lây lan dịch bệnh nguy hiểm thông qua các đối tượng là khách du lịch, người làm việc, học tập và lao động nhập cảnh trở về từ khu vực châu Phi là hoàn toàn có thể. Hiện các sân bay tại châu Á và châu Âu, khu vực châu Mỹ la tinh “nóng” lên từng ngày với các biện pháp ngăn chặn sự lây nhiễm bệnh qua đường hàng không. Nhiều nước yêu cầu các công dân có mặt tại vùng dịch rời khỏi khu vực này ngay lập tức đồng thời quyết định gia tăng quy chế cách ly đối với những người trở về từ tây Phi.
Đặc biệt, tình hình đối phó dịch bệnh diễn ra hết sức khẩn cấp tại khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh Philippines đã ghi nhận 7 trường hợp trở về từ Sierra Leone (quốc gia đang có dịch bệnh) với các triệu chứng giống bệnh Ebola. Mặc dù đến nay chưa ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh nhưng Việt Nam, một trong những nước trong khu vực đã nâng mức cảnh báo cao với dịch Ebola. các bộ ngành, ủy ban các tỉnh cũng đã phối hợp trong việc giám sát tại cửa khẩu, nhằm phát hiện sớm những trường hợp lây nhiễm và có phương án cách ly kịp thời… Ngoài ra, từ ngày 15.8, các hành khách đến hoặc trở về Việt Nam từ 4 quốc gia tây Phi đang có dịch Ebola mà chưa qua 21 ngày cần làm thủ tục kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu y tế.
Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan vừa thông qua quỹ khẩn cấp trị giá 11,7 tỷ USD để kiểm soát dịch bệnh. WHO cũng thông báo kế hoạch huy động quốc tế 100 triệu USD hỗ trợ cuộc chiến ngăn chặn lây lan của vi rút Ebola. Đến nay, Chính phủ Anh đã đóng góp tổng cộng 5 triệu bảng Anh (khoảng 8,5 triệu USD) cho nỗ lực dập tắt dịch Ebola. Ủy ban châu Âu hỗ trợ tổng cộng 11,9 triệu euro (16 triệu USD) cho khu vực tây Phi thông qua 3 tổ chức là WHO, Bác sĩ không biên giới cùng Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế để hỗ trợ ngăn chặn dịch bệnh. Còn trong vài ngày tới, Liên minh châu Âu sẽ lắp đặt một phòng xét nghiệm di động ở Sierra Leone. Bên cạnh đó, Mỹ cũng đang gửi thêm nhân lực và trang thiết bị đến Nigeria…
NAM VIỆT