Thơ kết nối bạn bè
Năm 1986, tôi với Nguyễn Đức Hùng gặp nhau từ tại Trường Tuyên huấn Trung ương I, Hà Nội (Học viện Báo chí - tuyên truyền ngày nay). Kể từ dạo ấy, Nguyễn Đức Hùng cùng Nguyễn Văn Khoa với tôi trở thành những người bạn văn, hay dắt nhau sang bên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội giao lưu thơ phú, luận bình văn chương. Mùa hè năm 1987 tôi tốt nghiệp ra trường về Nam công tác, Nguyễn Đức Hùng ở lại Hà Nội học tiếp. Buổi tiễn đưa nhau ấm áp tình thân, Nguyễn Đức Hùng cùng bạn bè lúc ấy tiên đoán rằng, tôi học Triết học Mác - Lênin; về trong ấy sẽ nối gót theo cha làm chính trị, nhưng lại có máu yêu văn chương, làm thơ, nên có thể… đứt gánh giữa đường và sớm muộn gì cũng sẽ xuất hiện trên văn đàn. Tôi cho đó là một tiên đoán do “rượu nói”.
Trở về Quảng Nam - Đà Nẵng, tôi công tác tại huyện Thăng Bình, rồi trúng Huyện ủy viên, làm Chánh Văn phòng Huyện ủy, vùi đầu vào công tác chính trị. Thế là tôi với Nguyễn Đức Hùng lạc tin nhau. Năm 1992, tôi rời bỏ nghiệp làm chính trị để dấn bước mưu sinh chốn thị thành Đà Nẵng. Trong lúc lang thang đi tìm việc, tôi lơ mơ nhớ lại lời tiên đoán “đứt gánh giữa đường” của bạn bè 5 năm về trước. Nghiệm ra có thể đúng một nửa rồi! Trong một lần ngồi lai rai cùng bạn bè, tôi vô tình nhặt được một quyển sách “Nàng Kim Chi sáu ngón”. Về nhà lấy sách ra đọc, mới hay đó là tập truyện ngắn của Đà Linh - bút danh của Nguyễn Đức Hùng. Thế là tôi với Nguyễn Đức Hùng nối liên lạc lại với nhau. Nhà của Hùng lại cận kề nơi làm việc của tôi (kiệt 3/1 Lê Hồng Phong lúc bấy giờ), thỉnh thoảng đi về gặp nhau. Nguyễn Đức Hùng ngạc nhiên khi tôi lại chuyển công tác sang ngành kho bạc nhà nước, anh cười bảo: “Ông lại đi thêm một bước hơi xa văn chương nữa rồi! Nhưng không sao, có duyên lại gặp nhau thôi!”.
Một hôm Nguyễn Đức Hùng nhìn thấy tôi, anh vẫy tay rồi xuống xe, vỗ vai, mặt mày vui tưng bừng, giọng hồ hởi: “Làm việc ở kho bạc mà ông vẫn còn làm thơ đấy à, mới vừa đọc thơ đăng trên báo, quý lắm đó! Chắc là còn nhiều thơ gói bỏ túi, chuyển cho tôi một tập bản thảo nhé! In thơ cho vui với bạn bè đi, có gì khó nhà xuất bản sẽ giúp!”. Nói hết câu anh lên xe đi ngay, còn nói với lại: “Nhớ chuyển thơ cho tôi nhé!”. Tôi có cả trăm bài thơ nằm trong ngăn kéo, làm ra để đọc chơi với bạn bè, chứ không có ý định in thành sách. Những năm ấy gần như tôi chưa có điều kiện giao lưu nhiều với giới làm văn nghệ; cũng không hình dung được việc xuất bản một ấn phẩm thơ phải như thế nào, in sách chắc rất phức tạp, lại là in thơ!
Vài ba lần Nguyễn Đức Hùng gọi điện nhắc khéo, rồi động viên: “Là Tổng biên tập Nhà xuất bản (NXB) Đà Nẵng, tôi thấy thơ ông in được đấy!”. Tôi chọn 50 bài thơ gom lại thành tập lấy tên “Mùa hoa bưởi” gửi Nguyễn Đức Hùng, có thể nói là phó thác cho anh. Vài ngày sau, tôi nhận được được điện thoại của một người xưng tên Nguyễn Kim Huy, biên tập viên NXB Đà Nẵng, mời đến để làm việc về bản thảo tập thơ “Mùa hoa bưởi”. Lần đầu tiên được mời đến làm việc với biên tập viên, tôi hơi ái ngại nhưng khi gặp Nguyễn Kim Huy tôi ngỡ ngàng, không phải là một ông sồn sồn cỡ tuổi năm mươi mặt lạnh như tôi tưởng, mà là một anh trẻ măng, vui tính, có dáng người tròn trịa như cái hạt mít. Sau vài câu chào hỏi làm quen, Nguyễn Kim Huy trao đổi với tôi một vài ý nhỏ về tập thơ “Mùa hoa bưởi”. Tôi nhất trí với nội dung đã được biên tập.
Độ mươi ngày sau, tập thơ “Mùa hoa bưởi” tươi nguyên của tôi ra đời trong sự ngỡ ngàng của anh em bạn bè văn nghệ. Có thể nói “Mùa hoa bưởi” ấn hành tại NXB Đà Nẵng (1999) là tập thơ có sự cộng tác giúp đỡ nhiều nhất của anh em văn nghệ sĩ, tiến độ in nhanh và khá hoàn thiện. Khi tôi ký tặng tập “Mùa hoa bưởi”, Nguyễn Đức Hùng trân trọng đón nhận, săm se nhìn ngắm, vui lặng người. Anh thốt lên: “Đẹp quá! Tôi cứ lo lần đầu in sách, ông dễ biến tập thơ thành trang họa báo quảng cáo cá nhân thì tiếc lắm, nhưng được như thế này thì… xin chúc mừng!”. Nguyễn Đức Hùng ít tuổi hơn tôi nhưng lại ra đi trước. Năm nay, tổ chức kỷ niệm 30 năm ngày thành lập NXB Đà Nẵng, nhà văn Đà Linh - Nguyễn Đức Hùng đã thành người thiên cổ, khiến anh em chúng tôi bùi ngùi thương nhớ...
BÙI TỰ LỰC