Ai quản lý người bệnh tâm thần?
Thời gian qua, trên địa bàn Quảng Nam xảy ra một số trường hợp người tâm thần ngang nhiên chiếm đoạt tài sản, gây rối trật tự công cộng, thậm chí là gây án mạng... Trong đó, chấn động là vụ một đối tượng bị bệnh tâm thần ở huyện Đại Lộc sát hại chính người thân của mình (giết mẹ và bà ngoại). Mới đây, hôm 5.8, một người tâm thần ở Điện Bàn đã bất thần xông ra đường chặn đầu một chiếc ô tô chở khách du lịch nước ngoài đang lưu hành, buộc tài xế phải đánh tay lái né tránh và lật nhào. Những vụ việc này khiến nhiều người lo ngại về tình trạng người tâm thần gây án, trong khi đó công tác phòng ngừa tình trạng này vẫn chưa được quan tâm thỏa đáng.
Theo một bác sĩ ở Bệnh viện Tâm thần Quảng Nam, nếu người tâm thần được khám và điều trị sớm, khả năng chữa khỏi bệnh hoàn toàn là rất cao. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, nhiều người tâm thần chưa được khám và điều trị bệnh kịp thời. Đối với những gia đình nghèo, neo người, việc đưa người tâm thần đi bệnh viện cũng là một vấn đề khó khăn và chính bản thân người tâm thần cũng không chịu đến bệnh viện, đôi khi phải cần đến biện pháp mạnh. Pháp luật hiện hành chưa quy định bắt buộc người bệnh tâm thần phải cách ly với cộng đồng, nếu người bệnh không có hành vi phạm pháp. Chính điều này đã gây nguy hiểm cho xã hội vì thực tế đã xảy ra tình trạng một số đối tượng gây bất an cho xã hội. Cạnh đó, thực tế cũng cho thấy có không ít trường hợp người tâm thần vô cớ đánh đập, gây thương tích cho người thân và những người chung quanh nhưng không đến mức nghiêm trọng nên cơ quan pháp luật chưa can thiệp. Nhiều gia đình có người thân bị tâm thần đã rất khổ sở trong việc chăm sóc cũng như chịu đựng những trận đòn do người tâm thần gây nên. Chưa hết, một số người tâm thần, do gia đình không thể quản lý được, thường đi lang thang đây đó, gây không ít hoang mang, lo lắng cho cộng đồng xã hội.
Bộ luật Hình sự quy định, người đang mắc bệnh tâm thần hoàn toàn mất năng lực hành vi gây án, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Nhưng nếu người chỉ bị hạn chế năng lực hành vi, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng được giảm nhẹ một phần hình phạt. Năm 2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định 64/2011/NĐ-CP về việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh tâm thần. Trong đó có nêu, việc chữa bệnh bắt buộc này chỉ được áp dụng trong giai đoạn điều tra và trong giai đoạn thi hành án (nghĩa là khi hậu quả đã xảy ra) nhưng lại không quy định cụ thể trách nhiệm này thuộc ai, cơ quan nào. Và như thế, nếu gia đình và cơ quan chức năng không quản lý tốt người tâm thần, không đưa vào cơ sở khám chữa bệnh thì nỗi lo về người tâm thần gây bất an cho xã hội vẫn còn đó...
CHÂU NỮ