Mở rộng, bảo đảm quyền con người
Hiến pháp năm 1992 đã ghi nhận quyền con người được tôn trọng và thể hiện ở các quyền cơ bản của công dân, tuy nhiên chưa có sự phân biệt giữa quyền công dân và quyền con người; nhiều quy định liên quan chưa thể hiện sự đúng đắn mối quan hệ giữa nhà nước và công dân. Một số quyền và tự do của công dân được thiết kế gắn với cụm từ “theo quy định của pháp luật” đã gây khó khăn trong giải quyết, xây dựng và thực thi các biện pháp bảo đảm quyền con người, quyền công dân…
Hiến pháp 2013 chuyển từ nguyên tắc mọi người được kinh doanh theo quy định của pháp luật (Hiến pháp 1992) sang nguyên tắc được tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm.Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Khắc phục những hạn chế của Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 đã có nhiều quy định mới về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Hiến pháp năm 2013 là một bước tiến lớn trong nhận thức và tư duy về vị trí, vai trò của Hiến pháp trong việc ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ và đảm bảo quyền con người, quyền công dân. Nhận thức đó hoàn toàn phù hợp với tư tưởng chung của nhân loại, xu thế của thời đại. Hiến pháp là văn bản pháp luật cao nhất, thông qua đó một mặt nhân dân khẳng dịnh quyền lực của mình, giao cho Nhà nước thực hiện một phần quyền lực đó và mặt khác dành cho mình các quyền con người, quyền công dân mà Nhà nước phải công nhận, tôn trọng, bảo vệ và đảm bảo thực hiện.
Với mục tiêu phát huy nhân tố con người, thể hiện sâu sắc trách nhiệm của Nhà nước tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, Hiến pháp năm 2013 đã có nhiều điểm mới tiến bộ, tích cực được coi là điểm sáng liên quan đến chế định quan trọng này. Hiến pháp 2013 ghi nhận các nguyên tắc cơ bản trong việc tôn trọng, bảo vệ và đảm bảo các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (Điều 14), đó là: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, đảm bảo theo Hiến pháp và pháp luật”. Đồng thời khẳng định rõ, quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật chỉ trong 4 trường hợp cần thiết (vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia; vì trật tự, an toàn xã hội; vì đạo đức xã hội; vì sức khỏe của cộng đồng).
Hiến pháp năm 2013 cũng đã phân biệt rõ quyền nào là quyền con người, quyền nào là quyền công dân. Trong 26 điều quy định về quyền con người, quyền công dân, có 15 điều về quyền con người và được xem là các quyền tự nhiên của con người có được từ khi sinh ra, như: quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền được sống… Còn lại 11 điều nói về quyền cơ bản của công dân, trong đó một số quy định về quyền được thay đổi cho phù hợp. Ví dụ: Hiến pháp năm 1992 quy định “công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể” (Điều 71), thì Hiến pháp năm 2013 quy định “mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể” (Điều 20)… Hiến pháp 2013 thay đổi cách tiếp cận và tư duy về quyền con người, quyền công dân theo hướng đây không phải là những quyền được Nhà nước trao, “quyết định” mà đây là những quyền Hiến pháp quy định (“mọi người có quyền…”, “công dân có quyền…”) và Nhà nước có trách nhiệm trong việc tôn trọng, bảo vệ và đảm bảo việc thực hiện các quyền này.
Hiến pháp 2013 không chỉ kế thừa mà còn phát triển, mở rộng các quyền con người, quyền công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp 1992. Ví dụ, trong lĩnh vực dân sự - kinh tế như khẳng định quyền sở hữu tư nhân được pháp luật bảo hộ (Điều 32); chuyển từ nguyên tắc mọi người được kinh doanh theo quy định của pháp luật sang nguyên tắc được tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm (Điều 33); ghi nhận thêm các quyền mới như quyền được sống trong môi trường trong lành, quyền được bảo đảm an sinh xã hội, quyền được hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa; quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp…
Với nhưng điểm mới, tiến bộ cơ bản nêu trên, Hiến pháp năm 2013 đã mở ra không gian rộng lớn trong phát huy dân chủ, tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân ở nước ta.
HỎI - ĐÁP HIẾN PHÁP - Hỏi: Nguyên tắc chung về quyền con người, quyền công dân được quy định như thế nào? - Trả lời: Hiến pháp năm 2013 quy định nguyên tắc chung về quyền con người, quyền công dân như sau: 1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. 2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong các trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. 3. Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân. 4. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác. 5. Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội. 6. Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. 7. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. 8. Công dân Việt Nam không bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác. Công dân Việt Nam ở nước ngoài được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ. 9. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước. (BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG) |
KIẾN TÂN (Tổng hợp)