Giải quyết hồ sơ chế độ trợ cấp hằng tháng cho người bị địch bắt tù đày: Nhiều trường hợp "vướng" quy định

PHAN QUANG MƯỜI 04/08/2014 08:57

Thực hiện Nghị định 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ (ngày 9.4.2013) quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công cách mạng, tính đến nay, Sở LĐ-TB&XH đã ban hành 4.171 quyết định trợ cấp hằng tháng và đang giải quyết hơn 500 hồ sơ cho các đối tượng thuộc diện người hoạt động cách mạng (HĐCM) hoặc hoạt động kháng chiến (HĐKC) bị địch bắt tù đày. Hướng dẫn thực hiện Nghị định 31, Thông tư 05 của Bộ LĐ-TB&XH (tại điểm b khoản 2 của Điều 33) quy định, hồ sơ xác nhận và giải quyết chế độ chỉ được xác định bởi các căn cứ sau: lý lịch cán bộ, lý lịch đảng viên lập từ ngày 1.1.1995 trở về trước; hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội có xác định nơi bị tù, thời gian bị tù và quyết định trợ cấp một lần đối với người HĐCM hoặc HĐKC đã bị địch bắt tù đày đã kê khai trước đây .

Qua khảo sát thực tế tại các địa phương và đối chiếu với danh sách của Hội Tù yêu nước, toàn tỉnh hiện có hơn 10.000 người HĐCM hoặc HĐKC đã bị địch bắt tù đày. Như vậy, số trường hợp chưa được giải quyết hưởng trợ cấp còn khá nhiều. Trong đó có những trường hợp người HĐCM hoặc HĐKC bị địch bắt tù đày trước đây hồ sơ đề nghị xác nhận hưởng chính sách như thương binh có khai nơi bị tù và thời gian bị tù ở bản khai, tuy nhiên trong biên bản giám định thương tật không giám định vết thương hoặc bệnh do bị tra tấn. Hay đối với trường hợp không xác định được thương tích thực thể đã khai ở hồ sơ, nhưng được xác nhận được hưởng chính sách như thương binh trước ngày 1.1.1995 và đồng thời là cán bộ nghỉ mất sức lao động hoặc bệnh binh, chỉ hưởng trợ cấp mất sức lao động hoặc bệnh binh, không hưởng trợ cấp thương tật (vì không đủ điều kiện hưởng cả 2 chế độ). Những trường hợp này cần được xem xét để hưởng chế độ tù đày. Riêng với trường hợp không xác định được thương tích thực thể đã khai ở hồ sơ nhưng giám định tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật dưới 21% và đã được giải quyết trợ cấp một lần trước ngày 1.1.1995 có nên được xem xét hay không thì chưa rõ.

Sau hơn một năm thực hiện chế độ trợ cấp hằng tháng cho người HĐCM hoặc HĐKC bị địch bắt tù đày đã nảy sinh nhiều trường hợp chưa được xem xét giải quyết. Bởi, những giấy tờ mang tính pháp lý trên chưa được làm căn cứ để giải quyết chế độ theo quy định của thông tư 05 của Bộ LĐ-TB&XH. Nhưng trong thực tế, những trường hợp này đã có thời gian cống hiến cho cách mạng bị địch bắt tù đày, đặc biệt là những người bị địch bắt tù đày trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhưng vẫn không được hưởng chế độ.

Ông Trần Văn Chiến - Trưởng phòng Chính sách người có công Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Chúng tôi đã tập hợp những vướng mắc về hồ sơ pháp lý để xem xét giải quyết chế độ hằng tháng cho người HĐCM hoặc HĐKC bị địch bắt tù đày chưa được giải quyết chế độ. Bởi nhiều lý do nên họ không có quyết định trợ cấp tù đày một lần, lý lịch cán bộ, lý lịch đảng viên… là những căn cứ để giải quyết chế độ. Chúng tôi đã có văn bản kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH xem xét những hồ sơ như huân - huy chương kháng chiến, kỷ niệm chương bị địch bắt tù đày, các giấy tờ như tàng thư công an, giấy phóng thích... để xem xét giải quyết chế độ cho những trường hợp trên”.

PHAN QUANG MƯỜI

PHAN QUANG MƯỜI